Trong 10 năm tới, sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không lớn, như Nội Bài, Long Thành... Ảnh: Đ.T
Giữ nguyên số lượng
Theo thông tin của Báo Đầu tư, đầu tuần trước, Cục Hàng không Việt Nam đã có Tờ trình số 1688/TTr-CHK về việc thẩm định Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Hội đồng Thẩm định Quy hoạch.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Dự thảo Quy hoạch lần này đã được tiếp thu các ý kiến góp ý của sở tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, các hội nghề nghiệp (Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật, Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam), Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều đáng chú ý nhất trong Quy hoạch được gửi đi vào tháng 4/2021, trong 10 năm tới, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất ưu tiên, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM, gồm Nội Bài, Long Thành, đảm bảo đưa vào khai thác 28 cảng hàng không trên cả nước; đảm bảo cự ly tiếp cận tối đa đến cảng hàng không vùng đồng bằng 100 km và vùng miền núi 200 km.
So với Quy hoạch Phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 (Quyết định số 236), số lượng cảng hàng không trong cả nước đến năm 2030 được đề cập trong Quy hoạch tháng 4/2021 được giữ nguyên và điều chỉnh quy mô quy hoạch.
Cụ thể, đến năm 2030, cả nước sẽ có 14 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương) và 14 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).
Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu về khai thác quốc tế, tạo điều kiện phát triển các cảng hàng không, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến khích khai thác các chuyến bay quốc tế đi/đến các cảng hàng không nội địa theo hình thức thuê chuyến, bay taxi để thiết lập thị trường và phát triển thị trường quốc tế tại một số cảng hàng không tiềm năng cao về du lịch như Phù Cát, Tuy Hòa, Phan Thiết... và khi đủ điều kiện sẽ xem xét nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế.
Tại Quy hoạch tháng 4/2021, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đến năm 2050, cả nước sẽ có 29 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội, trong đó sân bay duy nhất được bổ sung trong giai đoạn này là Cao Bằng.
Một điều rất đáng chú ý khác là, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tiếp tục duy trì Quy hoạch vị trí cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vị trí tại Quyết định 640/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 nhằm dự bị cho Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Cát Bi. Bên cạnh đó, trong Quy hoạch tháng 4/2021, sân bay thứ hai vùng Thủ đô từng được đề xuất đặt tại Ứng Hòa (Hà Nội), Thanh Miện (Hải Dương) hoặc Hà Nam đã không còn được đề cập.
Mục tiêu đầy thách thức
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Tuấn Linh, Giám đốc Trung tâm Nguyên cứu phát triển (Viện Khoa học hàng không Việt Nam) cho rằng, trong Quy hoạch tháng 4/2021, cơ quan chủ trì lập quy hoạch đã rất kiên định khi không bổ sung ồ ạt các sân bay mới như đề xuất của các địa phương như Bắc Giang, Hà Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Ninh Thuận, Bình Phước…
Ông Linh cũng cho rằng, trong quá trình xin ý kiến Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch Tổng thế phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào cuối năm 2020, cơ quan chủ trì có thể đã chưa làm rõ các tiêu chí bổ sung các cảng hàng không mới; tiêu chí đưa một cảng nội địa thành cảng hàng quốc tế khiến một loạt địa phương đã tới tấp xin đưa vào quy hoạch nhiều sân bay mới, trong đó có những đề xuất rất không hợp lý.
“Nếu nới quy hoạch thì mật độ các cảng hàng không tại Việt Nam là dày đặc, không tập trung được nguồn lực để xây dựng đầu mối hàng không quốc tế”, ông Linh đánh giá.
Mặc dù số lượng cảng hàng không không tăng so với Quyết định số 236, nhưng công suất thiết kế của các hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 được đề cập trong Quy hoạch tháng 4/2021 đã tăng đáng kể.
Cụ thể, trong giai đoạn này hệ thống cảng hàng không phải đáp ứng nhu cầu vận tải với tổng sản lượng hành khách đạt khoảng 278 triệu lượt hành khách/năm, chiếm 1,5-2% tổng sản lượng vận tải hành khách và chiếm 3-4% tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh, tăng trung bình 8,1%/năm; tổng sản lượng hàng hóa khoảng 4,1 triệu tấn/năm, chiếm 0,05-0,1% tổng sản lượng vận tải hàng hóa, tăng trung bình 10,3%/năm. Đây là mức tăng rất lớn bởi đến năm 2019, tổng công suất thiết kế của toàn hệ thông mới đạt khoảng 95 triệu lượt hành khách/năm.
Để đạt mục tiêu này, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào cảng hàng không quốc tế lớn, trọng yếu, đóng vai trò đầu mối, như hoàn thành đưa vào khai thác sân bay Long Thành giai đoạn I đạt công suất 25 triệu lượt hành khách/năm, nghiên cứu chuẩn bị đầu tư giai đoạn II; nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 50 triệu lượt hành khách/năm; sân bay Nội Bài đạt công suất 60 triệu lượt hành khách/năm; sân bay Đà Nẵng đạt công suất 28-30 triệu lượt hành khách/năm.
Tính toán sơ bộ cho thấy, tổng nhu cầu vốn đầu tư vào hạ tầng hàng không trong 10 năm tới vào khoảng 400.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là để đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp các cảng hàng không quốc tế.
“Đây thực sự là một thách thức rất lớn, dù cơ quan lập quy hoạch đã đề xuất Nhà nước ban hành các cơ chế chính sách gọi vốn tư nhân”, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá.