Lãi suất cho vay có thể giảm theo dự báo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhưng chỉ có thể giảm trong ngắn hạn nếu lạm phát vẫn còn căng thẳng. Ảnh: Hoàng Hà

Lãi suất cho vay có thể giảm theo dự báo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhưng chỉ có thể giảm trong ngắn hạn nếu lạm phát vẫn còn căng thẳng. Ảnh: Hoàng Hà

Quyết giảm lãi suất cho vay về 17-19%

Ngân hàng Nhà nước sáng nay họp với 12 ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội trên tinh thần đưa lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh về 17-19% trong tháng 9, đúng như tuyên bố lúc mới nhậm chức của Thống đốc.

Nguồn tin từ một ngân hàng tham gia cuộc họp cho VnExpress biết Ngân hàng Nhà nước đưa ra một số giải pháp để hiện thực hóa mức lãi suất này. Trong đó, sẽ không cứng nhắc áp dụng các tỷ lệ an toàn sử dụng vốn của ngân hàng thương mại, đặc biệt là sử dụng vốn giữa thị trường một (thị trường giao dịch với dân cư và doanh nghiệp) và thị trường hai (thị trường liên ngân hàng). Những quy định này do Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo áp dụng từ hơn một năm nay nhằm tăng cường tính an toàn cho hệ thống, nhưng từng bị than phiền là làm tăng chi phí vốn và hạn chế lượng vốn khả dụng của ngân hàng.

 

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ linh hoạt hơn trong việc điều hòa lượng tiền cung ứng cho thị trường.

 

Đổi lại, các ngân hàng phải nỗ lực giảm dần lãi suất và mục tiêu là trong tháng 9 sẽ kéo lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường về mức 17-19%. Đồng thời phải nghiêm túc thực hiện quy định trần lãi suất huy động 14% một năm sau thời gian ngấm ngầm đẩy lên tới 17-18 thậm chí 19% một năm.

 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần từ 13-19/8, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực được ưu đãi như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu vẫn là 16,5-20% một năm. Trong khi lãi suất cho vay với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 18 đến 21%một năm. Lãi suất cho vay phi sản xuất là 22-25% một năm.

 

Mặt bằng lãi suất này không giảm so với thông báo trước đó của Ngân hàng Nhà nước về tuần giao dịch 30/7-5/8. Trong khi đó, lãi suất USD cũng vẫn giữ nguyên ở mức 6-7,5% một năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 7,5-8% một năm đối với trung và dài hạn.

 

Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước tuyên bố mục tiêu đưa lãi suất cho vay về 17-19% trong tháng 9 là khi Phó thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa được Quốc hội phê chuẩn trở thành Thống đốc thay cho ông Nguyễn Văn Giàu.

 

Mục tiêu này của tân Thống đốc tiếp tục được khẳng định chắc chắn trong buổi làm việc của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Ngân hàng Nhà nước chiều qua (25/6). Thống đốc Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các ngân hàng thương mại tạo sự đồng thuận trong việc giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất thông thường xuống còn 17-19% một năm.

 

"Các giải pháp Ngân hàng Nhà nước đưa ra sáng nay phù hợp và khả thi để đưa lãi suất cho vay xuống 17-19%. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất này chỉ có thể thực hiện được đối với các khoản vay ngắn hạn, vài ba tháng", lãnh đạo một ngân hàng tham gia cuộc họp sáng nay chia sẻ.

 

Bản thân ngân hàng này đang cho vay với lãi suất phổ biến 17,5-20%, và chiếm tỷ lệ lớn là các khoản vay lãi suất 17,5-19%. Nhưng vị lãnh đạo thừa nhận đó chỉ là các khoản vay ngắn hạn, trung dài hạn chưa thể nói trước về xu hướng giảm hay tăng.

 

"Tôi cũng hy vọng lãi suất có thể giảm từ tháng 9, nhưng giảm bao nhiêu và còn bao nhiêu thì phải chờ. Lãi suất phụ thuộc rất nhiều vào lạm phát", Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa trao đổi với báo chí về khả năng giảm lãi suất về 17-19% như Thống đốc Bình dự báo.

 

Theo phân tích của ông Nghĩa, lạm phát theo tháng đang giảm dần và thanh khoản trong ngân hàng cũng đã cải thiện sau thời gian khó khăn. Đây là cơ sở cho thấy lãi suất có thể giảm. Tuy nhiên điều ông và nhiều chuyên gia khác lo ngại là lạm phát theo năm vẫn còn cao, và theo quy luật mùa vụ giá cả lại tăng cao vào những tháng cuối năm.

 

"Đà giảm lãi suất bền vững hay không còn phụ thuộc vào việc chúng ta kiên trì chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tới đâu. Nhưng tôi tin vào cách thức chỉ đạo kiên trì và quyết liệt hiện nay của Chính phủ", ông Nghĩa nói thêm.

 

Chia sẻ quan điểm này, một chuyên gia có uy tín trong ngành ngân hàng cho rằng mấu chốt vấn đề vẫn là giảm lạm phát, có như vậy lãi suất mới có thể xuống một cách tự nhiên chứ không phải theo ý muốn chủ quan hoặc các mệnh lệnh hành chính.

 

Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh lạm phát còn cao, các ngân hàng vẫn phải chật vật hút vốn từ dân cư với lãi suất vượt trần, 17-18% một năm thì các giải pháp ép giảm lãi suất cho vay dường như không khả thi. Bởi việc gỡ các quy định sử dụng vốn đã bàn nhiều và thực tế cũng đã nới dần suốt mấy tháng qua.

 

"Giải pháp tăng lượng tiền cung ứng ra thị trường nếu xử lý không khéo sẽ gây lạm phát. Và nếu dùng mệnh lệnh ép ngân hàng không cho vay quá 17-19% càng không khả thi, bởi họ sẽ lại tìm cách lách", vị chuyên gia này khuyến cáo.

 

Phát biểu tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước chiều 25/8, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước những tháng cuối năm nay là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chặt chẽ, thận trọng theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, đặc biệt chú ý bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng. Theo Phó thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để giảm sức ép lạm phát, giảm lãi suất dần theo diễn biến của mức giảm lạm phát.

 

Ngoài ra, để kịp thời ứng phó với những diễn biến của thị trường, Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn trong việc điều hành để đảm bảo tăng trưởng dư nợ tín dụng trong giới hạn 20%. Trong những tháng còn lại của năm 2011, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cần tập trung phân tích khó khăn của các doanh nghiệp để đưa ra mức độ ưu tiên vốn cụ thể đối với từng đối tượng.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đến những vấn đề như khó khăn của từng đối tượng doanh nghiệp để có hướng hỗ trợ kịp thời, đồng thời chú trọng thanh khoản và giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ họp với các ngân hàng thương mại để tạo sự đồng thuận trong việc giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất thông thường xuống còn 17-19% một năm.