Lý do đề xuất bãi bỏ quyền quyết định về room
Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/9/2015 đã trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt việc nới room đối với những công ty hoạt động trong các ngành, lĩnh vực không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần.
Sau quyết định trên, không ít công ty đã nới room lên tối đa 100%, trong đó có những doanh nghiệp luôn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài như VNM, BMP, DHG...
Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa dành cho nhà đầu tư ngoại là 49%, thậm chí có doanh nghiệp còn giảm tỷ lệ này xuống dưới 49%.
Đại diện Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, năm 2019, trong số 376 công ty niêm yết trên Sở có 25 doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài mở tối đa lên 100%, 3 công ty mở room lên 51 - 70%, 317 công ty giữ nguyên tỷ lệ 49%, 8 công ty có room 30%, 23 công ty hạn chế bớt sở hữu nước ngoài (dưới 49%).
Việc đa số doanh nghiệp giữ nguyên room tối đa 49%, thậm chí giảm dưới mức này, có nguyên nhân doanh nghiệp muốn duy trì quyền kiểm soát của cổ đông trong nước.
Theo ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với quy định của pháp luật hiện hành, tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp vì nhiều lý do khiến cho nhà đầu tư nước ngoài không biết đâu mà lần.
Ngoài các quy định về lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đã rắc rối, việc doanh nghiệp tự quyết định room khiến cho nhà đầu tư nước ngoài không thể biết chính xác họ được sở hữu tối đa bao nhiêu. Ở đây, rõ ràng room có vấn đề về tính minh bạch.
“Ngoài ra, điều đáng nói nữa là việc trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt room đã ảnh hưởng không tích cực đến cơ hội được bán cổ phần đa dạng của các nhà đầu tư nhỏ. Có những quyết định tại doanh nghiệp được thông qua ở tỷ lệ 51% hoặc 65% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết, nhưng không hẳn hoàn toàn đại diện cho quyền lợi của rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ, nên cơ chế cho phép doanh nghiệp tự quyết định nới room bộc lộ sự không hợp lý”, ông Hải cho hay.
Để khắc phục bất cập trên, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021), Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất, không tiếp tục trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt room như quy định hiện hành.
Không nên can thiệp vào quyền quyết định của doanh nghiệp
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán và chuyên gia pháp lý không ủng hộ đề xuất trên của nhà hoạch định chính sách, vì làm như vậy là can thiệp vào quyền quyết định của doanh nghiệp.
Chuyên gia pháp chế của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam cho rằng, việc không cho phép doanh nghiệp tiếp tục quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài sẽ ảnh hưởng và tác động lớn đến quyền của cổ đông. Pháp luật không nên cản trở quyền tự do định đoạt của doanh nghiệp đối với vấn đề này.
Cùng góc nhìn trên, lãnh đạo một công ty niêm yết khác cho rằng, việc không cho doanh nghiệp quyết định room là không hợp lý.
Đành rằng trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt vấn đề này không phải trường hợp nào cũng nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của các cổ đông, nhưng không thể khác khi mà quyền quyết định thuộc về số đông, những người nắm nhiều cổ phần tại doanh nghiệp.
Với tư cách là người bỏ nhiều vốn vào doanh nghiệp, các cổ đông lớn có quyền định đoạt bán hay không bán cổ phần, bán với tỷ lệ bao nhiêu cho nhà đầu tư nước ngoài, để làm sao mang lại lợi ích tốt nhất cho công ty, cũng như bản thân họ.
Do đó, việc không cho doanh nghiệp định đoạt room là không phù hợp, can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.
Từ góc nhìn của cơ quan hoạch định chính sách, ông Bùi Hoàng Hải chia sẻ, việc đề xuất không tiếp tục trao quyền cho doanh nghiệp quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp niêm yết Việt Nam đang có nhiều quan điểm khác nhau.
Trên thực tế, việc doanh nghiệp được quyền đưa ra tỷ lệ room xuất phát từ Nghị định 60/2015/NĐ-CP, chứ Nghị định 58/2012/NĐ-CP trước đó không quy định về nội dung này.
“Nhìn sang các nước, qua rà soát, chúng tôi khẳng định, nhiều nước có quy định về room. Tuy nhiên, quy định cổ đông được quyền xác lập tỷ lệ này thì chúng tôi chưa nhìn thấy”, ông Hải nói.
Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, room được trình đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua, nhưng nếu đại hội dùng quyền biểu quyết để thông qua ở ngưỡng 51% thì chưa ổn. Các cổ đông lớn không được sử dụng các ưu thế của mình để làm ảnh hưởng đến cổ đông nhỏ.
Khi đại hội đồng cổ đông thông qua room thì có thể dẫn đến hệ quả là hạn chế quyền bán của các cổ đông nhỏ khác.
Phạm vi bán cổ phần của cổ đông nhỏ lẻ không còn rộng mở khi cổ đông lớn đưa ra quyết định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần, chẳng hạn ở mức 0% áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều này rõ ràng là ảnh hưởng tiêu cực đến quyền bán của các cổ đông nhỏ lẻ.
“Tất nhiên, việc bãi bỏ quy định cho phép doanh nghiệp quyết định room có ý kiến nhiều chiều, bởi có quan điểm cho rằng đó là quyền quyết định của doanh nghiệp, nhưng ý kiến khác lại cho rằng không thể để ý chí của một số cổ đông áp đặt lên các cổ đông khác. Ở đây không thể nói ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai. Chúng tôi cần những ý kiến đa chiều để việc hoàn thiện chính sách khả thi, hiệu quả”, ông Hải nói.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Luật pháp không được can thiệp vào quyết định của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam về bán cổ phần với tỷ lệ bao nhiêu cho nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp theo nội dung mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại và đầu tư mà Việt Nam là thành viên.
Liên quan đến việc cắt quyền của doanh nghiệp trong định đoạt tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài để bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ, cần nhận thấy rằng công ty cổ phần hoạt động theo nguyên tắc đối vốn, nên cổ đông lớn có nhiều quyền hơn trong đưa ra các quyết định tại doanh nghiệp nói chung, về tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài nói riêng. Do đó, việc trao quyền cho đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp quyết định room là hợp lý, không nên sửa đổi như dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán.