Thận trọng với bất động sản
Trong tháng 12/2019, tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ Tundra Vietnam là âm 1% (tính theo đồng USD). Nhìn chung cả năm, con số này ở mức 3,5%, thấp hơn so với đà tăng của chỉ số tiêu chuẩn (FTSE Vietnam TR) với 7,5%.
Theo Tundra, diễn biến này xuất phát từ việc mức đóng góp không lấy làm tích cực của nhóm bất động sản.
Cụ thể, dù cổ phiếu Vingroup chiếm 1/3 chỉ số tiêu chuẩn, nhưng nhóm này lại chiếm tỷ trọng nhỏ trong danh mục đầu tư của Quỹ.
Tundra đánh giá, các diễn biến hợp tác phức tạp và dòng vốn ngoại chảy mạnh đã khiến giá trị cổ phiếu thuộc nhóm Vingroup ở mức cao một cách không hợp lý.
“Chúng tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phụ thuộc lớn vào hoạt động cấp tín dụng và dòng vốn FDI từ Trung Quốc, dẫn tới một số rủi ro khi các nhà băng đăng thắt chặt dòng tiền chảy vào bất động sản.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang điều tra một số nhà phát triển bất động sản có hoạt động trái quy định pháp luật liên quan tới việc thâu tóm đất đai từ các tổ chức nhà nước. Do đó, chúng tôi duy trì quan điểm lựa chọn có chọn lọc các cổ phiếu bất động sản trong năm 2020”, Tundra nhấn mạnh.
Với quan điểm này, Tundra sẽ xâm nhập vào lĩnh vực xây dựng - bất động sản thông qua nhóm cổ phiếu ngành nguyên vật liệu.
Diễn biến hoạt động của Tundra Vietnam Fund qua các năm.
Bên cạnh đó, Quỹ sẽ tập trung vào nhóm thông tin công nghệ, nhất là cổ phiếu FPT đã được thêm trong năm qua. FPT đã công bố tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức 2 con số, với động lực tăng trưởng tới từ bộ phận phần mềm.
Về danh mục đầu tư, tính tới tháng 12/2019, FPT vẫn là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Tundra Vietnam Fund với 9,3%. Sau đó là VHM (5,6%), HSG (5,5%), DXG (5,3%), MSN (5%)…
Tỷ trọng cổ phiếu trong nhóm Vingroup tại thời điểm cuối năm 2019 của quỹ là 13,2%. Đáng chú ý, trong Top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục tháng 12 của Tundra Vietnam Fund có sự hiện diện của 2 cái tên mới là PNJ (4%) và VND (3,6%), thay thế cho VCB và LPB.
Hiện tại, quy mô danh mục của Tundra Vietnam Fund chỉ còn 41,3 triệu USD, so với mức đỉnh gần 226 triệu USD vào tháng 4/2018. Nguyên nhân chủ yếu do giá trị các khoản đầu tư của Quỹ giảm và Quỹ bị rút vốn.
Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế tích cực
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng khoảng 12% năm 2019, thấp hơn so với chỉ số các thị trường mới nổi MSCI (24%) và thấp hơn chỉ số các thị trường cận biên MSCI (13%).
Nguyên nhân chính là xung đột thương mại Mỹ - Trung khiến thị trường nội địa, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng, bất chấp việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam tích cực trong năm vừa qua và thị trường có nhiều cải tổ.
Tundra đánh giá, Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tới, với động lực tới từ ngành công nghiệp, xuất khẩu và dòng vốn FDI.
Diễn biến này giúp cải thiện thu nhập của người dân, mở rộng tầng lớp trung lưu, thúc đẩy tiêu dùng và du lịch.
Nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc sẽ là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Đồng Việt Nam duy trì vị thế là một trong những đồng tiền mạnh nhất năm 2019, khi nhiều đồng tiền khác mất giá trước USD.
Lạm phát được giữ ở mức thấp 2,73%, trong khi mức mục tiêu là 4%. Dòng vốn FDI cam kết và giải ngân năm 2019 cũng ở mức cao nhất từ trước tới nay, lần lượt đạt 38 tỷ USD và 20,4 tỷ USD.
Dù vẫn chưa được nâng hạng, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một số bước tiến. Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận thêm một số chỉ số mới mở đường cho hoạt động của các quỹ ETF sẽ cho phép dòng vốn nước ngoài chảy mạnh hơn vào lĩnh vực tài chính và một số cổ phiếu đã cạn room với nhà đầu tư ngoại.
Theo tổng hợp số liệu 9 tháng năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đang cho thấy kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt hơn dự kiến, nhất là nhóm ngân hàng và bất động sản.
Việc các hiệp định thương mại tự do được ký kết, Ngân hàng Nhà nước duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đảm bảo sức mạnh của đồng Việt Nam… sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định hoạt động và phát triển.