Số lượng các quỹ PE tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam có xu hướng tăng

Số lượng các quỹ PE tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam có xu hướng tăng

Quỹ tư nhân sẵn sàng đánh cược vào thị trường cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 đã tạo những đứt gãy đối với dòng vốn chảy vào quỹ đầu tư vốn tư nhân (private equity - PE) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng tiềm năng tăng trưởng dài hạn vẫn lớn.

Trái ngọt tại châu Á - Thái Bình Dương

Trên toàn cầu, dòng vốn đầu tư có xu hướng ưa chuộng quỹ ETF, quỹ mở và ngày càng chảy mạnh vào phân khúc quỹ này. Tuy nhiên, với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các quỹ PE có tốc độ tăng trưởng tích cực trong 5 năm qua xét trên nhiều khía cạnh.

Khối tài sản dưới sự quản lý của các quỹ PE tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng trung bình 31%/năm trong giai đoạn 2015 - 2019, so với mức 12% tại Bắc Mỹ và châu Âu trong cùng thời kỳ.

Theo đó, tỷ trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên thị trường toàn cầu đối với ngành quỹ PE tăng lên 28% từ mức 17% năm 2015.

Cũng trong giai đoạn 2015 - 2020, các doanh nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương đã nhận được gần 800 tỷ USD tiền đầu tư từ các quỹ.

Quy mô trung bình của các quỹ PE tập trung vào khu vực này cũng tăng trưởng, từ mức trung bình khoảng 210 triệu USD năm 2015 lên 630 triệu USD năm 2019 (ngoại trừ các quỹ đầu tư mạo hiểm thường có quy mô nhỏ hơn).

Nhìn chung, các quỹ PE tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, bởi khu vực này có tiềm năng tăng trưởng tích cực.

Chính phủ các nước, nhất là Ấn Độ và Trung Quốc, đang trong quá trình nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cổ vũ tinh thần doanh nghiệp - doanh nhân và các sáng tạo công nghệ.

Điều này tạo cơ hội cho các quỹ đầu tư lựa chọn doanh nghiệp rót vốn và kỳ vọng giá trị gia tăng qua thời gian.

Xét theo lĩnh vực, các quỹ PE tập trung vào lĩnh vực công nghệ có bước tiến vượt bậc, khi huy động được 136 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2019, so với mức 48 tỷ USD giai đoạn 2010 - 2014.

Từ năm 2015 - 2019, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến các thương vụ đầu tư vốn cổ phần tư nhân với quy mô hơn 850 tỷ USD, trong đó năm 2017 đạt hơn 200 tỷ USD. Tuy nhiên, tính tới cuối năm 2019, các quỹ PE vẫn đang nắm giữ gần 400 tỷ USD tiền mặt (nguồn vốn chưa đầu tư).

Riêng tại Đông Nam Á, các hãng đầu tư có sở hữu nhà nước như GIC, Temasek (Singapore) và Khazanah (Malaysia) hoạt động ngày càng tích cực với các thương vụ đầu tư xuyên biên giới.

Năm 2019, các quỹ đầu tư này đóng góp khoảng 12% giá trị các thương vụ đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, so với mức 6% năm 2017.

Trong đó, mức độ hoạt động mạnh mẽ nhất là Ấn Độ, khi GIC, Temasek và Khazanah liên quan tới 48% các vụ đầu tư vào doanh nghiệp tại đây, so với mức 17% năm 2017.

Covid-19 tạo bức tranh đầu tư mới

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự thay đổi lớn trong hành vi của người tiêu dùng và từ đó tạo nên bối cảnh đầu tư mới đối với các quỹ đầu tư trên toàn cầu nói chung, tại châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.

Trước tiên, có một số lĩnh vực được hưởng lợi nhờ đại dịch, chẳng hạn chăm sóc y tế. Trước khi đại dịch diễn ra, lĩnh vực y tế đã có bước tăng trưởng mạnh tại châu Á - Thái Bình Dương khi tình trạng già hóa dân số và các vấn đề sức khỏe gia tăng tạo nhu cầu lớn.

Tỷ trọng đầu tư lĩnh vực y tế tại Trung Quốc (tính theo giá trị) đã tăng từ 5% năm 2017 (gần 5 tỷ USD) lên 12% năm 2019 (khoảng 8 tỷ USD).

Tuy nhiên, đại dịch thúc đẩy quá trình này và khiến dòng vốn đầu tư chảy vào lĩnh vực y tế ngày càng mạnh. Trong 4 tháng đầu năm 2020, có 69 thương vụ đầu tư vào y tế được thực hiện tại châu Á - Thái Bình Dương, tăng gần 50% so với cùng giai đoạn năm 2019.

Số lượng các thương vụ đầu tư vốn tư nhân khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ vẫn vững vàng.

Đại dịch khiến người dân tăng tốc tiếp cận công nghệ trong cuộc sống hàng ngày, tạo nên hàng loạt cơ hội mới cho nhà đầu tư.

Chẳng hạn, công nghệ giáo dục có tốc độ tăng trưởng nhanh trong 5 năm qua, nhưng chỉ nhận được cú huých thực sự kể từ khi các lệnh giãn cách buộc việc học phải thực hiện online.

Cũng nhờ điều này, Byju, doanh nghiệp Ấn Độ trở thành công ty công nghệ giáo dục có giá trị lớn nhất thế giới, với định giá khoảng 10 tỷ USD trong vòng gọi vốn vào tháng 5/2020.

Một số ví dụ khác là lĩnh vực thanh toán di động, giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI)… Trong 4 tháng đầu năm 2020, có 23 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực AI tại châu Á - Thái Bình Dương với tổng vốn đầu tư 866 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, không ít lĩnh vực chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 cũng là lựa chọn đầu tư hấp dẫn, bởi định giá thấp hơn.

Chẳng hạn, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu chứng kiến doanh thu giảm khoảng 130 tỷ USD do ảnh hưởng từ đại dịch, nhưng dòng tiền đầu tư vẫn tìm đến.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh biến động và có nhiều thử thách, sự phân hóa giữa người chiến thắng và thất bại càng trở nên rõ ràng.

Tại mỗi lĩnh vực, những công ty có vị thế tốt, hoặc có mô hình kinh doanh phù hợp hơn với những thay đổi sẽ có hiệu quả tích cực hơn hẳn phần còn lại. Ví dụ, trong vài tháng qua, Jio Platforms, công ty dịch vụ kỹ thuật số của Ấn Độ đã nhận được hơn 20 tỷ USD đầu tư, tương đương một nửa lượng vốn PE rót vào lĩnh vực này.

Các quỹ đầu tư sở hữu danh mục với sự góp mặt của nhiều công ty ở vị thế tốt nhờ vậy cũng có thể hạn chế những tổn thất vì đại dịch và đặt mục tiêu tăng trưởng dài hạn.

Thị trường Việt Nam tăng sức hấp dẫn

Theo Grant Thorton, số lượng các quỹ PE tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam có xu hướng tăng.

Thống kê cho thấy, mặc cho tình hình khó khăn với việc hạn chế di chuyển, đóng cửa biên giới ở một số quốc gia, số lượng các giao dịch PE trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 50% tổng lượng giao dịch của năm 2019 (55 giao dịch trong 6 tháng 2020 so với 107 giao dịch trong cả năm 2019).

Đặc biệt, giá trị các giao dịch trong nửa đầu năm cao hơn gấp đôi con số tổng giao dịch của năm 2019.

Ông Chris Freund, người sáng lập, Tổng giám đốc Mekong Capital nhận xét, những khó khăn hiện tại tạo nên cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với các quỹ PE, vốn luôn tìm kiếm những công ty có tiềm năng tăng trưởng với định giá đầu vào hợp lý.

Đồng thời, đây cũng là thời điểm tốt để nhìn nhận thực lực của doanh nghiệp: công ty nào đang có đội ngũ lãnh đạo vững vàng trong giai đoạn khủng hoảng, coi trong lợi ích của khách hàng trong hoàn cảnh khó khăn, từ đó gây dựng được tên tuổi và tệp khách hàng trung thành trong tương lai.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều quỹ đầu tư duy trì trạng thái đầu tư chủ động, với kỳ vọng danh mục đầu tư sẽ mang lại hiệu suất cao hơn.

Mekong Capital đang tập trung vào các doanh nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân (bán lẻ, nhà hàng, sản phẩm tiêu dùng, phân phối…).

Trong danh mục đầu tư của Quỹ có những doanh nghiệp đang có bước tăng trưởng nhanh như YOLA ra mắt YOLA Smart Learning, sản phẩm học trực tuyến; Pharmacity, chuỗi nhà thuốc mở gần 100 cửa hàng chỉ trong 90 ngày, hiện đạt 447 hiệu thuốc...

“Khi tiến hành bất kỳ khoản đầu tư nào, vấn đề quan trọng nhất là nhìn vào tiềm năng của lĩnh vực và đội ngũ lãnh đạo. Bởi một công ty hoạt động hiệu quả nhất khi xây dựng được đội ngũ quản lý mạnh, dẫn dắt doanh nghiệp trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực đang hoạt động, từ đó có thể hiện thực hóa khả năng tăng trưởng lợi nhuận”, ông Chris Freund nói.

Tin bài liên quan