Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện VFM cho biết, Quỹ có 1.200 nhà đầu tư góp vốn, với tổng giá trị đầu tư của Quỹ là 142 tỷ đồng.
Quỹ đã hoạt động được 6 năm, trong đó năm 2017, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư là 15,9%; năm 2018 là 11,25% và năm 2019 là 9%.
Như vậy, những nhà đầu tư nắm giữ VFB 3 năm gần đây có tổng lợi nhuận đạt được 35%, trong khi gửi ngân hàng cùng thời gian chỉ nhận lãi suất khoảng 20%.
Đầu tư vào cổ phiếu, rất ít nhà đầu tư đạt được tỷ suất sinh lời 30% trong 3 năm, nhất là trong bối cảnh năm 2019, 95% nhà đầu tư vào trái phiếu là thua lỗ (theo ước tính của Công ty Chứng khoán VietinbankSC công bố cuối năm 2019).
Nhà đầu tư dễ dàng góp vốn vào Quỹ và cũng dễ dàng rút lại vốn, do VFM cam kết mua lại 100% và tiền về sau 3 - 5 ngày làm việc.
Khi hỏi về tỷ suất lợi nhuận dự kiến năm 2020, VFM cho biết, theo quy định pháp luật, các hình thức đầu tư đều không được cam kết về mức lợi nhuận, mà lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của Quỹ theo từng năm.
Công ty chỉ có thể đưa ra mức lợi nhuận ở những năm trước để nhà đầu tư có căn cứ tham khảo, lựa chọn.
Bên cạnh quỹ đầu tư trái phiếu, Quỹ VF1 - quỹ mở đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu - cũng là một lựa chọn phù hợp cho nhà đầu tư cá nhân, khi đây là quỹ đầu tư vào danh mục cân bằng, gồm 80% các loại cổ phiếu tốt và 20% trái phiếu trên thị trường Việt Nam.
VF1 có mức sinh lời kỳ vọng 15% và là quỹ có tính thanh khoản cao, giao dịch hàng ngày.
“Tuy nhiên, VF1 sẽ đi theo xu hướng của thị trường chứng khoán, thị trường tăng thì Quỹ hoạt động tốt và ngược lại. Do đó, khi đầu tư VF1, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho những đợt thị trường biến động mạnh và xác định rõ thời gian đầu tư lâu dài, từ 5 năm trở lên”, Công ty chia sẻ.
Quy mô của VF1 hiện tại là hơn 480 tỷ đồng, Quỹ có hơn 3.900 nhà đầu tư tham gia. Thông thường, nhà đầu tư sẽ đầu tư đồng thời VFB và VF1, để trong trường hợp thị trường tăng cao sẽ đạt được lợi nhuận tốt nhờ VF1.
Còn trong lúc thị trường biến động mạnh, khoản đầu tư vẫn có thể đảm bảo an toàn nhờ VFB.
Quỹ đầu tư trái phiếu có quy mô lớn nhất hiện nay là của TCBF.
Công ty này công bố lợi nhuận kỳ vọng trên 8% và cho biết, nếu đầu tư ban đầu 100 triệu đồng, sau đó mỗi tháng tiết kiệm thêm 10 triệu đồng góp Quỹ, thì 5 năm sau, nhà đầu tư dự kiến có 876 triệu đồng, trong khi gửi ngân hàng sẽ nhận lại được 829 triệu đồng.
TCBF hiện có quy mô 15.134 tỷ đồng, với trên 23.500 nhà đầu tư góp vốn.
Cùng với 2 công ty trên, nhiều đơn vị khác như Công ty Quản lý quỹ Vietcombank, Công ty Quản lỹ quỹ MB, Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (BVF), Công ty Quản lý quỹ SSI, VinaCapital… cũng phát triển sản phẩm quỹ trái phiếu, nhưng hầu hết ở quy mô còn rất nhỏ.
Chẳng hạn, quỹ đầu tư trái phiếu của BVF có mức tăng trưởng cao năm 2019, nhưng quy mô của quỹ mới ở mức 87 tỷ đồng, trong đó 10 nhà đầu tư lớn nhất nắm 89,3%.
Thực tế này đặt ra câu hỏi, vì sao sản phẩm quỹ trái phiếu vừa an toàn, vừa có tỷ suất sinh lời hấp dẫn, nhưng dòng tiền từ các nhà đầu tư góp vốn vào quỹ còn rất hạn chế?
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Đình Xuân, nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán cho biết, với nhà đầu tư, lý do đơn giản ở chỗ, tỷ suất lợi nhuận công bố chỉ là những số liệu quá khứ khi chưa trừ chi phí hoặc là những con số kỳ vọng.
Khoản thực tế nhà đầu tư được nhận không như các bản chào khi bán sản phẩm quỹ.
“Nhà đầu tư góp vốn vào quỹ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (0,1% trên giá trị bán ra), chịu phí quản lý cho công ty quản lý quỹ (khoảng 1,5% giá trị danh mục) và phí bán lại chứng chỉ quỹ (có thể lên tới trên 1%).
Cộng chung lại, khoản chi phí này không nhỏ, khiến lợi nhuận thực nhận của nhà đầu tư thấp hơn nhiều so với tỷ suất đầu tư mà các quỹ đạt được”, ông Xuân nói.
Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam có trên 2,3 triệu tài khoản, trong đó chủ yếu là của cá nhân.
Chính phủ khuyến khích phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng từ nhiều năm nay không có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các quỹ đầu tư.
Với hiệu quả sinh lời của các quỹ cao hơn hẳn lãi suất ngân hàng, nếu nhà đầu tư không phải chịu thuế và chi phí quản lý quỹ giảm đi, chắc chắn sẽ có nhiều người chọn bỏ tiền vào quỹ, thay vì tự “bơi” trên thị trường có hơn 1.500 mã cổ phiếu và bấp bênh với kết quả lợi nhuận.