Quỹ phòng hộ khốn đốn trên thị trường dầu mỏ

Quỹ phòng hộ khốn đốn trên thị trường dầu mỏ

(ĐTCK) Các quỹ phòng hộ (hedge fund) tuy không thể luôn chiến thắng thị trường, nhưng đây vẫn là loại hình đầu tư thu hút tích cực dòng tiền bởi khả năng đảm bảo sinh lời. Tuy nhiên, với thị trường dầu mỏ, nhiệm vụ này đang trở nên bất khả thi hơn bao giờ hết.

Quỹ phòng ngừa rủi ro hay quỹ phòng hộ là một khoản đầu tư thay thế, được thiết kế để bảo vệ danh mục đầu tư khỏi sự không chắc chắn của thị trường, đồng thời tạo ra lợi nhuận tích cực dù thị trường lên hay xuống.

Các nhà quản lý quỹ có thể tự “phòng ngừa” bằng cách đầu tư dài hạn (nếu thấy trước sự tăng giá của thị trường) hoặc “lướt sóng” (nếu dự đoán thị trường đi xuống). Bằng cách này, bất kể thị trường tăng hay giảm, các quỹ đều kiếm được tiền.

Tại thị trường dầu mỏ, các nhà quản lý quỹ phòng hộ đang gặp nhiều khó khăn do thị trường này biến động quá thất thường.

Kể từ cuối năm 2016, các quỹ phòng hộ tại thị trường dầu mỏ đã chịu nhiều tổn thất bởi đánh cược sai vào diễn biến của giá dầu và gas, dẫn tới phải đóng cửa hàng loạt vào cuối năm 2018. Bước sang năm 2019, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi thị trường này có nhiều biến động bất ngờ.

Đơn cử, tháng 9 vừa qua, một số cơ sở hạ tầng sản xuất dầu của Ả Rập Xê út bị tấn công bằng máy bay không người lái khiến 5% nguồn cung dầu ra thị trường toàn cầu bị gián đoạn. Ả Rập Xê út, Mỹ và một số quốc gia châu Âu cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công này. Tuy nhiên, sau đó, nhóm nổi dậy Houthi tại Yemen đã tuyên bố nhận trách nhiệm.

Tới đầu tháng 10 này, 2 tàu chở dầu của Iran trên Biển Đỏ bị nổ, nguyên nhân có thể do bị tấn công bằng tên lửa.

Chưa kể, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào các tay súng người Kurd và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Bắc Syria, trong khi Mỹ - vốn ủng hộ Các lực lượng dân chủ Syria do người Kurd đứng đầu - đã rút binh sĩ khỏi khu vực là mục tiêu tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước các lo ngại về sự gián đoạn của hoạt động sản xuất dầu thô trong khu vực Trung Đông, giá dầu điều chỉnh theo hướng leo dốc, nhưng xen kẽ là các phiên giảm giá bởi lo ngại nhu cầu tiêu thụ chịu ảnh hưởng tiêu cực thương chiến Mỹ - Trung, hay dự trữ dầu của Mỹ gia tăng.

Nhìn chung, giá dầu WTI đã giảm từ mức hơn 75 USD vào tháng 10/2018 xuống còn khoảng 54 USD/thùng hiện nay, bất chấp việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh vẫn đang nỗ lực thực hiện thoả thuận cắt giảm sản lượng nhằm thúc đẩy giá dầu.

Trong bối cảnh này, ngay cả các quỹ phòng hộ hàng đầu, được thành lập bởi các ông lớn ngành quỹ cũng không thể thu được kết quả như mong đợi.

Trong số những quỹ “thua cuộc” phải kể tới Fidelity Select Energy Service Portfolia, hiện đang sở hữu khối tài sản gần 1 tỷ USD. Giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ này đã giảm 17,6% từ đầu năm đến nay, đồng thời giữ vị trí quỹ phòng hộ có màn biểu diễn tệ nhất khi có NAV giảm 50,72% trong 12 tháng qua.

Tương tự, NAV của Oil Equipment & Svcs UltraSector Pro Svc (OEPSX) giảm 30,1% kể từ đầu năm 2019 và giảm 67,5% trong 12 tháng qua. Hiện OEPSX đang quản lý 6,1 triệu USD tài sản.

Vanguard Energy Fund Admiral Shares (VGELX), tên tuổi nổi tiếng nhất lĩnh vực dầu mỏ, cũng chịu chung số phận khi NAV giảm 0,32% trong 1 năm qua, song vẫn tích cực hơn khi so với Ivy Energy Fund, bởi quỹ này đã giảm 9,3% giá trị NAV trong 10 tháng đầu năm 2019 và giảm 41,3% trong 12 tháng qua.

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA), áp lực đi xuống đối với giá dầu thô toàn cầu sẽ còn xuất hiện, bất chấp sự gián đoạn nguồn cung trong thời gian gần đây. Dẫu vậy, diễn biến của thị trường là khó đoán định và tăng trưởng sẽ vẫn là bài toán khó giải đối với các quỹ phòng hộ.

Tin bài liên quan