Theo cách tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài, ông nhìn nhận gì về cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu?
Ông Toshifumi Sugimoto.
Mặc dù kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá tốt, ổn định.
Ðây là điều cần được đánh giá cao. Tuy nhiên, hai năm gần đây, sự phát triển kinh tế không được phản ánh đầy đủ vào sự tăng trưởng của giá cổ phiếu. Do đó, mong muốn của nhà đầu tư nước ngoài tới TTCK Việt Nam để đầu tư chưa được toại nguyện.
Hiện nay, nếu so sánh với các thị trường khác thì mặt bằng giá chứng khoán ở thị trường Việt Nam đang rẻ.
Chúng tôi rất mong Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng của MSCI để qua đó thị trường sẽ chuyển mình lên một bước phát triển nhảy vọt mới.
Một trong những điểm đáng chú ý trong kế hoạch triển khai cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) trong năm 2021 của Việt Nam là cho phép nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ 10 - 20% khi mua chứng khoán. Theo ông, cơ chế này được áp dụng có góp phần thu hút thêm dòng tiền mới tham gia thị trường?
So với quy định hiện nay là cần phải có 100% tiền, thì việc đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam chắc chắn sẽ thuận lợi hơn với nhà đầu tư nếu áp dụng cơ chế chỉ cần ký quỹ 10 - 20%, tương tự như trên TTCK phái sinh.
Do đó, tôi nghĩ rằng, dòng tiền sẽ chảy thêm vào thị trường khi cơ chế giao dịch mới được áp dụng. Khối lượng giao dịch của các mã cổ phiếu tăng lên sẽ hạn chế các hiện tượng lên xuống giá một chiều một cách đột ngột như giá trần/giá sàn.
Từ đó, rủi ro của việc giao dịch sẽ giảm, giúp các nhà đầu tư thêm an tâm, nên sẽ thu hút được nhiều dòng tiền tham gia thị trường hơn.
Ðiều đó đồng nghĩa với gia tăng thanh khoản cho TTCK Việt Nam?
Khách quan mà nói, sẽ có hiệu ứng là việc mua cổ phiếu dễ dàng hơn nếu cơ chế giao dịch mới được triển khai. Hiện nay, nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam đang được toàn thế giới rất chú ý.
Dẫu vậy, từ trước tới nay, các nhà đầu tư tổ chức trên thế giới cho rằng, dù cải thiện từ mức phải có đủ trước 100% tiền xuống còn 10 - 20% như dự kiến khi giao dịch trên TTCK cơ sở, thì Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi quy định về tỷ lệ phải có tỷ lệ tiền không nhỏ trong tài khoản trước khi giao dịch, nên vẫn là một thị trường còn chưa hoàn thiện.
Các nhà đầu tư tổ chức trên thế giới đang cố gắng để có lợi nhuận tăng thêm từng 0,1% ở những thời điểm khác nhau. Do đó, quy định phải có tiền trong tài khoản trước khi giao dịch chứng khoán cản trở việc mở rộng quy mô của quỹ đầu tư.
Khi triển khai cơ chế mới, nhà đầu tư quốc tế nói chung, nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó có CAM nói riêng, có gia tăng đầu tư vào Việt Nam?
Khi khối lượng giao dịch tăng lên, TTCK Việt Nam sẽ được nhà đầu tư nước ngoài biết tới nhiều hơn. Khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phân bổ nhiều vốn hơn vào thị trường Việt Nam. Về phía CAM, một phần tiền trước đây luôn phải ký quỹ sẽ được đưa vào đầu tư, từ đó số tiền đầu tư cũng sẽ tăng lên tại thị trường Việt Nam.
Ông có thể chia sẻ giá trị vốn mà CAM đã giải ngân vào các cổ phiếu trên TTCK đến thời điểm này?
CAM đang giải ngân vào các cổ phiếu niêm yết trên TTCK Việt Nam. Ðến thời điểm này, tổng giá trị của khoản đầu tư mà CAM rót vào TTCK Việt Nam khoảng 300 triệu USD.
Theo ông, để tăng cường thu hút dòng vốn nước ngoài vào TTCK, cơ quan quản lý Việt Nam nên thực thi thêm những bước cải cách nào?
Ðối với các nhà đầu tư có tổ chức, bao gồm cả chúng tôi, hiệu suất đầu tư của vốn đầu tư là rất quan trọng. Dù giảm tỷ lệ ký quỹ xuống 10 - 20% thì việc yêu cầu tiền ký quỹ trước vẫn gây cản trở với nhà đầu tư.
Bởi vậy, chúng tôi rất mong tỷ lệ này giảm xuống 0% trong thời gian tới. Trong trường hợp chưa thể thực hiện được điều này, thì ít nhất cần tạo môi trường để giảm tỷ lệ này xuống 0% áp dụng đối với các nhà đầu tư tổ chức có uy tín trên thế giới.
Các nhà đầu tư tổ chức có hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư, trong đó có phương thức bán cổ phiếu này và mua cổ phiếu khác. Chúng tôi rất muốn có thể lấy tiền từ bán cổ phiếu này để thế chấp mua cổ phiếu khác ngay trong ngày.
Hiện tại, từ ngày bán cổ phiếu cho đến T+3, nhà đầu tư không thể dùng tiền để mua tiếp chứng khoán, nên rất khó có thể đầu tư một cách mềm dẻo và linh hoạt.
Thế nhưng, hiện nay, từ ngày bán cổ phiếu cho đến T+3, nhà đầu tư không thể dùng tiền để mua tiếp chứng khoán, nên rất khó có thể đầu tư một cách mềm dẻo và linh hoạt. Nếu so sánh với phương thức đầu tư cổ phiếu của nhiều nước khác, môi trường đầu tư trên TTCK Việt Nam hiện còn bất lợi với nhà đầu tư.
Mặt khác, tính thanh khoản của TTCK Việt Nam còn thấp, nên cản trở nỗ lực mở rộng quy mô thị trường. Trong khi đó, hiện Việt Nam thiếu các quỹ hưu trí hay các quỹ của nhà nước với mục tiêu đầu tư giúp điều tiết, ổn định thị trường mỗi khi giảm mạnh. Các nhà quản lý cần có biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.
Ngoài ra, việc Việt Nam đang chuẩn bị triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam chuẩn bị chu đáo cho triển khai sản phẩm này trong thời gian tới.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư ngoại, ông trông đợi doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam cần thay đổi những gì để đáp ứng tốt hơn khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài?
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa được biết đến nhiều trên thế giới. Chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp có cổ phiếu trong nhóm bluechip nên tích cực triển khai các hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) ở các thị trường tài chính thế giới. Ðây là cách để doanh nghiệp Việt Nam thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên toàn cầu.
Quỹ CAM Việt Nam được Công ty Quản lý quỹ Capital Asset Mangement thành lập năm 2010 để đầu tư vào Việt Nam, với định vị là đầu tư vào cổ phiếu trên thị trường mới nổi. So với thời điểm lập quỹ cách đây 10 năm, tính đến cuối tháng 7/2020, giá trị tài sản ròng của Quỹ ghi nhận mức tăng 52,4%. Đây là mức tăng trưởng khả quan, nhưng vẫn còn thua xa mức tăng của một số quỹ có thời điểm thành lập tương đương như Quỹ chứng khoán Dubai Abu Dhabi, Quỹ chứng khoán Philippines, với mức tăng lần lượt là 108,1% và 99%.