Quỹ ngoại tìm kiếm công ty tăng trưởng

Quỹ ngoại tìm kiếm công ty tăng trưởng

(ĐTCK) Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư. Các quỹ này đã gia tăng sở hữu ở nhiều công ty có vốn hóa vừa và nhỏ.

Templeton Frontier Markets Fund, tổng tài sản 1,16 tỷ USD và có 168 triệu USD đầu tư vào châu Á, trong tháng 4/2013 đã tăng tỷ lệ sở hữu ở một loạt công ty sản xuất vừa và nhỏ gồm Pin Ắc quy Miền Nam (PAC), Cao su Đồng Phú (DPR), Nhựa Bình Minh (BMP) và Cao su Tây Ninh (TRC).

Dù lượng mua thêm chỉ vài trăm ngàn cổ phiếu, nhưng sự gia tăng đầu tư của Templeton Frontier Markets Fund là một dấu hiệu đáng chú ý cho thị trường. Tổng giám đốc của công ty quản lý quỹ này, Mark Mobius, là người đi tiên phong và là một trong những biểu tượng cho việc đầu tư vào thị trường mới nổi. Các quỹ của Mark Mobius được coi là đi đầu và chuyên nghiệp nhất trong các nhà đầu tư đầu tư vào thị trường mới nổi, còn Frontier Market Fund là một trong những quỹ lớn nhất trong lĩnh vực này. Templeton vào Việt Nam được coi là dấu hiệu tích cực cho rất nhiều nhà đầu tư khác.

Quỹ ngoại tìm kiếm công ty tăng trưởng ảnh 1

269 công ty vốn hóa vừa và nhỏ có P/E trung bình là 5,47

Mark J Mobius trong bài phỏng vấn nêu quan điểm về cơ hội thị trường trên website của Công ty vào giữa tháng 5 vừa qua nói, điều khiến ông lạc quan nhất ở nhóm thị trường mới nổi là tốc độ tăng trưởng.

“Chúng tôi đang chú ý tới tốc độ tăng trưởng 5% ở các thị trường mới nổi so với mức 1% ở các nước phát triển. Ở các thị trường mới nổi, bạn đã thấy tỷ lệ dự trữ ngoại hối vượt xa so với các nước phát triển. Các nước phát triển có tỷ lệ nợ rất cao, trong khi tỷ lệ này ở các thị trường mới nổi thấp hơn nhiều”, Mark J Mobius nói.

Hiện Templeton Frontier Markets Fund đang nắm giữ hơn 11% vốn cổ phần của PAC và 10% cổ phần của BMP. Phần lớn cổ phiếu của những công ty mà Quỹ đầu tư đã tăng giá khá mạnh từ đầu năm tới nay, cá biệt cổ phiếu BMP có xu hướng tăng liên tục tới 90%. P/E, chỉ số đánh giá mức độ đắt rẻ của cổ phiếu của Quỹ tương đối thấp, ở mức 8,6 so với P/E trung bình của VN-Index là 13,8.

Bên cạnh Templeton, giới đầu tư đang chứng kiến nhiều hơn những cái tên mới chuyên đầu tư vào các công ty tăng trưởng như Asean Small Cap Fund, Mutual Fund Elite, với những giao dịch mua liên tục ở các công ty vốn hóa vừa và nhỏ. Mutual Fund Elite, cái tên đang nóng trên thị trường, tháng 5 vừa qua tiếp tục tăng sở hữu ở Vận tải biển Việt Nam (VOS), Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), Bảo hiểm BIDV (BIC). Trước đó, quỹ này là cổ đông lớn của Bóng đèn Điện Quang (DQC), Bột giặt Lix (LIX), Bao bì Dầu thực vật (VPK).

Quỹ đầu tư Vietnam Holdings (Thụy Sĩ) có tài sản 90 triệu USD cho biết, số công ty vốn hóa lớn chỉ chiếm 20% trong danh mục của Quỹ, còn lại là các công ty vốn hóa vừa và nhỏ. P/E trung bình cả danh mục của Quỹ là 8,49 và ngay cả những công ty vốn hóa lớn trong danh mục của quỹ cũng có P/E khá thấp, ở mức 12,36.

Ông Juerg Vontobel, thành viên sáng lập của Vietnam Holdings chia sẻ, chiến lược của Quỹ là tìm kiếm những công ty đạt đủ các yếu tố: giá thấp so với thị trường, tăng trưởng lợi nhuận liên tục cao, kết quả tài chính lành mạnh, có thị phần đứng hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh của DN, tập trung vào các hoạt động cốt lõi, tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp cao.

“Những yếu tố đầu tư này tự động dẫn chúng tôi đến những doanh nghiệp quy mô vừa, chiếm đến 50% danh mục của chúng tôi”, ông Vontobel nói.

Theo thống kê của Vietnam Holdings, 19 công ty đứng đầu chiếm đến 80% tổng vốn hóa thị trường, có P/E trung bình là 22,12, trong khi 269 công ty vốn hóa vừa và nhỏ có P/E trung bình là 5,47. Trong tháng 5 vừa qua, giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ tăng 9,6% so với cuối tháng 4, đạt 1,67 USD/cổ phiếu. Mức tăng này tốt hơn mức tăng 8% của chỉ số VN-Index, thậm chí cao hơn mức tăng 8,6% của Quỹ Vietnam Growth Fund Ltd do Dragon Capital quản lý.

“P/E cao đồng nghĩa với rủi ro cao và biến động cao. Đến thời điểm này, công ty lớn có nhiều rủi ro, trong khi công ty nhỏ lại an toàn hơn”, ông Vontobel nhận xét.