Quỹ mở sẽ giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định hơn

Quỹ mở sẽ giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định hơn

(ĐTCK) Quỹ mở khi được thành lập và đi vào hoạt động sẽ giúp TTCK phát triển ổn định hơn. Tuy nhiên, để đạt thành quả này, cần rất nhiều nỗ lực của các thành viên thị trường.

Ông Henk Ruitenberg (ảnh), Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Eastspring Investments trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.

Theo đánh giá của Eastspring Investments thì các dòng tiền đang hoạt động trên TTCK chịu rủi ro đáng kể nếu quỹ mở không sớm được thành lập và đi vào hoạt động. Vậy những rủi ro cụ thể ở đây là gì và nó tác động ra sao tới thị trường, thưa ông?

Yếu tố tâm lý và phản ứng theo số đông luôn là điều đáng quan tâm, nhất là với TTCK. Yếu tố tâm lý có khả năng chi phối dẫn đến những phản ứng quá mức cần thiết. Trong khi đó, TTCK Việt Nam hiện có rất nhiều NĐT nhỏ lẻ. Hoạt động đầu tư nhỏ lẻ đang chi phối thị trường. Ngoài một số công ty bảo hiểm là các NĐT chuyên nghiệp, thị trường đang thiếu các NĐT tổ chức như các quỹ hưu trí và các quỹ tương hỗ (quỹ đầu tư dạng mở). Các NĐT tổ chức thường theo đuổi những mục tiêu đầu tư dài hạn và nhìn chung không quá nhạy cảm với những biến động. Những lý do này giải thích tại sao nếu đầu tư nhỏ lẻ chiếm đa số, thì dễ khiến thị trường đối mặt với nhiều bất ổn hơn so với hình thức đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp trở nên phổ biến.

 

Theo ông, làm thế nào để khuyến khích quỹ mở phát triển?

Tính hấp dẫn của chính sách thuế là rất quan trọng. Yếu tố này có thể coi như một động lực khuyến khích quỹ đầu tư triển khai các công cụ đầu tư mới. Sự hấp dẫn được tạo ra bởi chính sách thuế, nên có mục tiêu hướng tới các NĐT, chứ không chỉ dành cho các công ty quản lý quỹ. Bởi vậy, chính sách khuyến khích về thuế nên thực hiện cụ thể thông qua việc miễn thuế đối với các giá trị cộng thêm và cổ tức mà NĐT nhận được khi góp vốn đầu tư vào quỹ đầu tư dạng mở.

Bên cạnh đó, đào tạo NĐT là yếu tố then chốt đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành quỹ Việt Nam . Đào tạo phải là một quá trình liên tục trong thời gian dài. Bởi vậy, có thể sẽ là một sai lầm lớn nếu chỉ tập trung đào tạo về quỹ mở trong thời gian đầu cho thị trường. Việc đào tạo về quỹ mở phải hướng đến ba cấp độ: NĐT cuối cùng, nhà phân phối quỹ và các thành viên tham gia thị trường (các nhà quản lý quỹ).

 

Cần thêm những biện pháp hỗ trợ, khuyến khích nào khác để trong thời gian ngắn có thể thu hút được nhiều NĐT cá nhân tham gia đầu tư qua quỹ mở, thưa ông?

Điều quan trọng là cả thị trường, nhất là NĐT phải có niềm tin vào kênh đầu tư mới là quỹ mở. Trong đó, các công ty quản lý quỹ có vai trò xây dựng được niềm tin này. Chúng tôi nhận thấy Thông tư 183/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở được xây dựng theo thông lệ quốc tế tốt nhất, đáp ứng được những yêu cầu đặt ra. Quy định thể hiện tính chặt chẽ trong giám sát hoạt động của các thành viên thị trường tham gia quỹ mở, qua đó tránh được những nguy cơ gây tổn hại chung cho hoạt động của quỹ mở. Quỹ mở được ra đời là bước tiến quan trọng, tạo ra cơ cấu mới và công cụ mới cho thị trường vốn phát triển.

 

Hiện mới chỉ có một vài ngân hàng quốc tế đang cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động của quỹ mở như ngân hàng giám sát, đại lý chuyển nhuợng… Theo ông, cần có chính sách khuyến khích ngân hàng trong nước phát triển các dịch vụ này như thế nào, để tạo ra sự cạnh tranh nhằm giảm giá dịch vụ, qua đó hỗ trợ thiết thực cho quỹ mở phát triển?

Đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Nhà cung cấp dịch vụ cho quỹ mở phải thực hiện rất nhiều hoạt động chuyên môn trên một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, với những chuyên gia lành nghề. Những tiêu chí này rất khó để đạt được đối với các nhà cung cấp mới tại các thị trường mới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ngay tại các thị trường phát triển cũng không có nhiều nhà cung cấp dịch vụ này. Hoạt động lưu ký và các hình thức hỗ trợ khác cho hoạt động của quỹ mở tập trung vào số ít các nhà cung cấp dịch vụ, do những đòi hỏi khắt khe vừa nêu.

 

Được biết, các ngân hàng quốc tế có kinh nghiệm trong làm đại lý phân phối quỹ mở, nhưng mạng lưới hoạt động và quy mô khách hàng còn nhỏ. Trong khi các CTCK trong nước có mạng lưới và khách hàng lớn, nhưng lại chưa quan tâm đến quỹ mở. Làm thế nào để khắc phục những hạn chế này nhằm hỗ trợ cho quỹ mở phát triển nhanh, thưa ông?

Sự phát triển của quỹ mở chỉ có thể được tạo dựng sau một khoảng thời gian khá dài. Trong quá trình đó, điều cần thiết là phải xây dựng được lòng tin cho thị trường. Điều này có thể làm được nhờ những chính sách chặt chẽ, đẩy mạnh hoạt động đào tạo và ban hành các chính sách thuế hấp dẫn.