Cùng với các vấn đề về công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ trả lời các nội dung liên quan đến thương mại điện tử và kinh tế số.
Báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ Công Thương nêu rõ, hiện tại, 72% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh, có 70% thuê bao di động đang sử dụng 3G hoặc 4G, 68% người Việt xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động. Tỷ lệ sở hữu điện thoại trung bình là 1,7 máy/người, số người truy cập các trang thương mại điện tử thông qua điện thoại di động chiếm 72%, tỷ lệ mua hàng online qua điện thoại chiếm 53%.
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25 % -30%/năm. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt mức 30% với Tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (B2C) đạt trên 8 tỷ USD.
Dẫn nguồn báo cáo của Google và Temasek ngày 19/11/2018, Bộ Công Thương nêu, dự báo nền kinh tế Internet tại Việt Nam tới năm 2025 đạt trên trên 33 tỷ USD
Còn theo báo cáo mới nhất về "Nền kinh tế số Đông Nam Á" năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019) được Google, Temasek cùng với đối tác mới Bain & Company công bố, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỷ USD năm 2019, dẫn đầu khu vực về tốc độc tăng trưởng cùng Indonesia.
Doanh thu thương mại điện tử tăng nhanh, nhưng lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số cũng phát sinh nhiều vấn đề lớn, điển hình là tình hình đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử.
Do tính chất đặc thù của thương mại điện tử như người mua và người bán không gặp mặt mà chỉ liên lạc trên môi trường mạng, các công cụ tìm kiếm thuận tiện, cho phép người mua tìm kiếm dễ dàng, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến, đặc biệt các Sàn thương mại điện tử và các mạng xã hội.
Lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ ra, do phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian.
Chưa kể, nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời… Trong nhiều trường hợp, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và được thanh toán qua đơn vị trung gian, khó xác minh về đối tượng bán.
Một thực tế nữa là các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Việc đưa thông tin lên mạng thì là hình ảnh và thông tin của hàng hóa thật với mức giá rất rẻ để thu hút người tiêu dùng, nhất là trong lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu,… nhưng hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng thường có vấn đề về nguồn gốc, chất lượng.
Công tác phối hợp của các ngành chức năng trong lĩnh vực thương mại điện tử còn yếu. Bộ Công Thương khẳng định, phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả hàng nhái trong thương mại điện tử như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan,vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng...vẫn còn hạn chế.Ngoài ra, bản thân các Sàn giao dịch thương mại điện tử còn gặp một số khó khăn như, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm còn hạn chế về năng lực. Cụ thể, đối tượng cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán (ví dụ sản phẩm NIKE) để tránh bị kiểm soát, người bán đăng bán sản phẩm tương tự N.I.K.E, N_IK_E, NI _KE, ... hoặc thậm chí có đối tượng bán mặt hàng cấm không đưa rõ hình ảnh sản phẩm hoặc đưa một tên khác rất khó phát hiện, ví dụ bán lá cây cần sa nhưng đối tượng rao bán Lá cây đu đủ, cỏ mỹ...