17 quỹ mở cổ phiếu có hiệu suất đầu tư âm từ 6 - 14%
Thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động trong nửa đầu năm, với việc đại dịch Covid-19 diễn ra và làn sóng các nhà đầu tư F0 ồ ạt gia nhập thị trường sau đó.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong 6 tháng đầu năm 2020, có 165.813 tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới, bình quân mỗi ngày có 1.168 nhà đầu tư gia nhập thị trường chứng khoán, chủ yếu là các cá nhân.
Lũy kế đến cuối tháng 6, nhóm nhà đầu tư cá nhân sở hữu tổng cộng 2,34 triệu tài khoản, chiếm hơn 99% tổng số tài khoản trên thị trường.
Dòng tiền mới chảy mạnh mẽ vào thị trường đã giúp các chỉ số chứng khoán hồi phục sau cú sốc vì Covid-19. Dù vậy, tính tới cuối tháng 6, VN-Index vẫn thấp hơn 10% so với đầu năm, trong khi VN30 thấp hơn khoảng 12%.
Trong khoảng thời gian này, kết quả đầu tư của các quỹ mở cổ phiếu có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi nhiều quỹ ghi nhận mức sụt giảm tương đương, thậm chí nhiều hơn VN-Index, thì một số quỹ gần như hồi phục, thậm chí tăng trưởng dương.
Tổng hợp các báo cáo công bố gần đây của các quỹ mở cổ phiếu (thời gian công bố vào khoảng cuối tháng 6) cho thấy, hơn 17 quỹ mở cổ phiếu có hiệu suất đầu tư ở mức âm, từ âm 6% đến âm 14%, bao gồm cả các quỹ “có tiếng” như Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4), Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF (VCBF-BCF), Quỹ đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSI-SCA)…
Tính tới ngày 2/7, Quỹ VFMVF4 được quản lý bởi Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) có tăng trưởng giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) ở mức âm 12,91%, giá trị NAV/CCQ là 15.345,78 đồng.
VFMVF4 dồn lực vào cổ phiếu khi tiền mặt và chứng khoán nợ chỉ chiếm 3% tổng tài sản. Trong tỷ trọng phân bổ tài sản vào cổ phiếu, ngân hàng và bất động sản là 2 nhóm lớn nhất, lần lượt là 30,5% và 16,3%.
Đúng như chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết có giá trị vốn hóa lớn, tập trung tại sàn HOSE, danh sách các khoản đầu tư lớn của VFMVF4 gồm VCB, FPT, BID, MWG, HPG, VNM, VHM…
Vậy nhưng, kết quả đầu tư của VF4 bị ảnh hưởng khi nhiều cổ phiếu trong nhóm được phân bổ tài sản đầu tư lớn nhất không tăng giá.
Cũng nằm trong nhóm quỹ mở cổ phiếu có hiệu suất đầu tư không tích cực, Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF) của Techcom Securities có mức tăng trưởng NAV/CCQ tính tới ngày 29/6 là âm 13,4%, trong khi mức lợi nhuận mục tiêu đặt ra là 12%/năm.
Với Quỹ VCBF-BCF do Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank quản lý, tính tới ngày 1/7, tăng trưởng NAV/CCQ là âm 13,28%.
VCBF-BCF là quỹ mở có chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch có giá trị vốn hóa lớn, thanh khoản tốt với tỷ trọng cổ phiếu lên đến trên dưới 98%.
Một số cổ phiếu chiếm tỷ trọng phân bổ tài sản đáng kể của Quỹ có thể kể đến như FPT, MBB, VNM, PME, PVS…
Đáng chú ý, theo thông tin mới nhất, VCBF-BCF đang phân bổ 67,12% tổng tài sản cho cổ phiếu, trong khi nắm giữ tới 32,88% tiền mặt.
Tương tự, có chiến lược đầu tư tối thiểu 90% tổng tài sản vào cổ phiếu niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam, nhưng Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF) - quỹ mở đầu tư vào cổ phiếu trung và dài hạn (1 - 3 năm) của VinaCapital đang nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng 81,6%, tiền mặt và tương đương tiền là 10,2%.
Tính tới ngày 2/7, tăng trưởng NVA/CCQ của VEOF ở mức âm 11,9%.
Thực tế, đa phần các quỹ mở trên thị trường có hiệu suất đầu tư ở mức âm. Ngoài các quỹ kể trên còn có Quỹ đầu tư cổ phiếu Việt Nam chọn lọc (VFMVSF, hiệu suất đầu tư âm 13% tính tới 23/6), Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1, hiệu suất đầu tư âm 10,1% tính tới 29/6), Quỹ đầu tư chủ động VND (VNDAF, hiệu suất đầu tư âm 10% tính tới 24/6), Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Mirae Asset (MAGEF, hiệu suất đầu tư âm 9,3% tính tới 23/6)…
Một số quỹ biến động nhẹ
Ở mảng sáng trong bức tranh hoạt động của các quỹ mở, một số quỹ có kết quả đầu tư khả quan hơn thị trường chung, dẫn đầu là Quỹ đầu tư giá trị MB Capital (MBVF), tiếp theo là Quỹ đầu tư tăng trưởng MBCapital (MBGF), Quỹ đầu tư cân bằng Manulife (MAFBAL)…
Trong đó, MBVF nhắm tới các doanh nghiệp được niêm yết, có chính sách và có khả năng chi trả cổ tức tốt, có thị giá thấp hơn nhiều so với giá trị định giá theo các mô hình định lượng cơ bản. Mức tăng trưởng NAV/CCQ tính tới ngày 25/6 là 0,39%.
Đây là quỹ hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương trong giai đoạn đầu năm tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tiếp theo, MBGF có tăng trưởng NAV/CCQ tính tới ngày 1/7 chỉ âm 1,25%. Quỹ này có định hướng đầu tư vào các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, đang trong giai đoạn chuyển mình và các cơ hội thoái vốn của khối doanh nghiệp nhà nước.
Triển vọng khó khăn
Chuỗi phục hồi kéo dài của thị trường thời gian vừa qua giúp giá nhiều cổ phiếu hồi phục và tăng mạnh, không ít mã về sát vùng giá trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, khiến triển vọng tìm kiếm lợi nhuận không còn hấp dẫn với mức rủi ro đang gia tăng và thị trường có áp lực chốt lời.
Các công ty chứng khoán, giới chuyên gia nhìn nhận, xu hướng chủ đạo của thị trường là đi ngang, thậm chí giảm.
Trong khi đó, nỗi lo làn sóng Covid-19 thứ hai trên toàn cầu khiến thị trường chứng khoán thế giới có nhiều phiên rung lắc trong những tuần qua.
Dù Việt Nam vẫn đang làm tốt công tác kiểm soát dịch, nhưng tác động từ diễn biến đại dịch trên toàn cầu tới tâm lý nhà đầu tư là khó tránh khỏi.
Chưa kể, triển vọng kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ tác động tới khả năng leo dốc của thị trường chứng khoán nửa cuối năm. Số liệu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam được công bố mới đây ở mức thấp kỷ lục, chỉ đạt 1,8%, khiến chỉ số VN-Index giảm 22,6 điểm trong phiên thông tin trên được công bố cho thấy điều đó.
Với diễn biến thị trường trở nên khó đoán định, mục tiêu tăng trưởng dương đối với các quỹ mở cổ phiếu sẽ là chặng hành trình dài và chưa rõ khả năng thực hiện.