Quy mô của Suzuki trên toàn cầu ngày càng bị teo tóp

Quy mô của Suzuki trên toàn cầu ngày càng bị teo tóp

(ĐTCK) Ngày 7/11, Suzuki Motor Espana (Tây Ban Nha), một công ty con của Suzuki Motor Corp, hãng sản xuất ô tô - xe máy của Nhật Bản đã chính thức thông báo, Công ty sẽ ngừng sản xuất, lắp ráp các loại xe máy tại nhà máy ở Gijon (Tây Ban Nha), bắt đầu từ cuối quý I/2013. Nhà máy này đã hoạt động liên tục trong 28 năm qua.

Đại diện của Suzuki cho biết, quyết định này của hãng là do Suzuki Motor Espana thua lỗ kéo dài, chỉ trong 4 năm trở lại đây đã lỗ 30 triệu euro. Nguyên  nhân sâu xa là do suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công ở Tây Ban Nha nói riêng, châu Âu nói chung.

Trước đó một ngày (vào ngày 6/11), American Suzuki Motor Corp., chi nhánh của Suzuki ở Mỹ cũng đã chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ lên tới 346 triệu USD.

Với 2 động thái trên, Suzuki đang buộc phải thực hiện chương trình cải tổ hoạt động toàn cầu của mình bằng cách thu hẹp quy mô hoạt động.

Thực ra, khoản nợ 346 triệu USD của American Suzuki Motor có giá trị không lớn, song Suzuki nhận thấy mảng kinh doanh ô tô của mình ở Mỹ gặp bế tắc lớn, do dòng xe con truyền thống khó tiêu thụ, cộng với việc đồng yên tăng giá mạnh so với USD.

Trong năm 2011, Suzuki chỉ bán được tổng cộng khoảng 26.000 xe ở thị trường Mỹ, một con số lẻ so với số lượng xe mà hai tập đoàn sản xuất xe ô tô khác của Nhật Bản là Toyota và Honda bán ra tại đây.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Hãng Autodata Corp. (Mỹ), trong 10 tháng đầu năm nay, có tổng cộng 21.188 xe ô tô mang nhãn hiệu Suzuki bán được tại Mỹ (giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái), chiếm 0,2% thị phần, trong khi đó, con số này của Toyota là 14,4%.

Được biết, trước mắt, Suzuki sẽ xóa sổ bộ phận kinh doanh ô tô ở Mỹ, sau khi bán hết hàng tồn kho. Vậy là, sau 27 năm có mặt tại Mỹ, Suzuki đã chính thức rút lui khỏi thị trường này. Tiếp theo Isuzu Motors (Nhật Bản) và SAAB (Thuỵ Điển), thêm 1 thương hiệu xe hơi có tiếng nữa buộc phải tháo lui khỏi thị trường Mỹ. KIA (Hàn Quốc) là hãng có dòng xe con tương tự như của Suzuki sẽ ngay lập tức nhảy vào trám chỗ trống. Ông Koji Endo, chuyên gia phân tích ô tô của Công ty Advanced Research (có trụ sở tại Tokyo) nhận xét, các mẫu xe con của Suzuki không hợp với gu của người tiêu dùng Mỹ và về lâu dài, Suzuki không thể có đất sống ở Mỹ.

“Đơn giản là các mẫu xe của Suzuki không hợp với thị trường Mỹ, hay nói cách khác là khách hàng Mỹ không mấy ưa chuộng các mẫu xe con của Suzuki. Vừa nhỏ, vừa không gây ấn tượng. Không có bất cứ lý do gì để Suzuki tiếp tục nuôi mảng ô tô ở Mỹ nữa”, ông Koji Endo nói.

Trong phiên giao dịch ngày 7/11 tại Sở GDCK Tokyo, giá cổ phiếu của Suzuki đã giảm 0,65%, đứng ở mức 1.847 yên/cổ phiếu (23,02 USD).

Phản ứng này của giới đầu tư cho thấy, 2 sự kiện trên chưa phải có tác động quá xấu tới Suzuki, cho dù hãng này buộc phải thu hẹp hoạt động.

Để trấn an dư luận, lãnh đạo Suzuki đã lý giải, hãng buộc phải điều chỉnh kế hoạch dài hạn của mình, bằng cách tạm thoái lui khỏi các thị trường không sinh lời, như Mỹ, các nước châu Âu, để quay về củng cố các thị trường đang “ăn nên làm ra” ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ. Quả thực, Công ty sản xuất ô tô Maruti Suzuki India Ltd. (liên doanh giữa Suzuki và Maruti) đang là thương hiệu ô tô số 1 ở Ấn Độ, thị trường tiêu thụ ô tô lớn thứ 3 châu Á hiện nay.

Theo Hãng Bloomberg, trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào ngày 31/3/2012), khoảng 1 triệu trong tổng số 2,49 triệu xe (tương đương tới 40% sản lượng xe trên toàn cầu) của Suzuki đã được tiêu thụ tại Ấn Độ. Chính vì vậy, liên doanh hiện có tới 5 nhà máy ở nước này. Nhà máy thứ 6 đang xây dựng ở Manesar gần Thủ đô New Delhi và sẽ hoàn thành vào năm 2013.

Tuy nhiên, gần đây, ngay ở Ấn Độ, Suzuki cũng đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của 2 đối thủ chính là Volkswagen AG (Đức) và Hyundai (Hàn Quốc), đặc biệt là Hyundai. Ngày 1/11 vừa qua, Hyundai đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất động cơ mới tại đây.

Satoshi Yuzaki, Chuyên gia phân tích về ô tô của Công ty Takagi Securities (Nhật Bản) cho rằng, việc thu hẹp hoạt động của Suzuki là khôn ngoan và biết lượng sức mình. “Lúc này, Suzuki chỉ nên quay về, tập trung củng cố vị thế của mình ở Ấn Độ và một số thị trường khác ở châu Á như Pakistan, Indonesia, Thái Lan...”, ông Satoshi Yuzaki nói.