Bà Lê Lệ Hằng, Tổng giám đốc SSIAM

Bà Lê Lệ Hằng, Tổng giám đốc SSIAM

Quỹ mở chờ được “tiếp sức”

(ĐTCK) Là người trong cuộc, khi Công ty TNHH Quản lỹ quỹ SSI (SSIAM) lập quỹ mở đầu tiên trong năm 2014 - Quỹ Đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSI-SCA), bà Lê Lệ Hằng, Tổng giám đốc SSIAM chia sẻ với ĐTCK, quỹ mở cần có thêm thời gian để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt NĐT.

Trên thị trường hiện có 15 quỹ mở, nhưng chất lượng hoạt động chưa mấy ấn tượng. Theo bà, vì sao lại như vậy?

Đúng là hiện có khá nhiều quỹ mở trên thị trường, nhưng số lượng NĐT tham gia vào các quỹ này vẫn còn hạn chế, quy mô của các quỹ tăng trưởng không đáng kể so với thời điểm huy động ban đầu. Nguyên nhân là do nhiều quỹ có tỷ suất lợi nhuận không thực sự vượt trội so với mức tăng trưởng của thị trường trong cùng thời gian hoạt động, nên chưa hoàn toàn thuyết phục được NĐT đầu tư vào chứng chỉ quỹ, nhất là khi thói quen tự đầu tư đã hiện hữu khá lâu đối với NĐT cá nhân ở Việt Nam.

Xét trong giai đoạn ngắn, ngay cả các quỹ đầu tư lớn trên thế giới không phải lúc nào cũng thắng được thị trường. Tuy nhiên, xét trong giai đoạn dài hơn, khả năng đa dạng hóa của quỹ đầu tư, cũng như tính kỷ luật trong đầu tư sẽ làm giảm rủi ro, tạo ra kết quả hoạt động tốt và ổn định hơn so với hoạt động đầu tư của cá nhân. Tất nhiên, rủi ro cao thì kỳ vọng lợi nhuận cao hơn và rủi ro thấp thì kỳ vọng lợi nhuận thấp hơn. 

Theo bà, các quỹ mở cần có thời gian bao lâu để chứng tỏ được với NĐT rằng, đây thực sự là một kênh đầu tư hấp dẫn?

Bất cứ sản phẩm mới nào cũng cần thời gian để thâm nhập thị trường. Quỹ mở mới có hơn một năm xuất hiện trên thị trường so với 14 năm hoạt động của TTCK, nên còn rất nhiều việc cần làm để quỹ mở trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn. Thời gian này diễn ra nhanh hay lâu còn tùy thuộc vào việc các thành viên thị trường, nhà quản lý giải quyết những hạn chế trong hoạt động của quỹ mở như thế nào. 

Những hạn chế trong hoạt động của quỹ mở mà bà đề cập tới là gì?

Một hạn chế lớn trong hoạt động của quỹ mở hiện tại là các kênh phân phối. Thông tư số 183/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở quy định, đại lý phân phối chứng chỉ quỹ mở là các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng lưu ký, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm đã đăng ký hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ mở. Hiện đại lý phân phối mới chỉ là các CTCK, một số rất ít là các ngân hàng thương mại (ví dụ VCB, MB), chưa có sự tham gia của ngân hàng lưu ký và doanh nghiệp bảo hiểm. Trong khi đó, số lượng tài khoản ở tất cả các CTCK vào khoảng 1,2 triệu, vẫn rất nhỏ so với lượng NĐT tiềm năng tại Việt Nam và môi giới tại các CTCK thường bắt đầu với những khách hàng có sẵn tài khoản chứng khoán để giới thiệu chứng chỉ quỹ mở. Điều này khiến số lượng NĐT mới được giới thiệu về quỹ mở khá hạn chế, chưa kể nhiều NĐT vẫn ưa thích tự đầu tư hơn là đầu tư vào quỹ.

Việc đào tạo về quỹ mở cho các nhân viên phân phối cũng là một hạn chế. Về điểm này, CTCK thuận lợi hơn ngân hàng thương mại khi các nhân viên đã có sẵn nhiều hiểu biết về TTCK và quỹ đầu tư, trong khi việc truyền đạt về quỹ mở cho các nhân viên tư vấn của ngân hàng gặp khó khăn hơn khi không phải tất cả nhân viên đều quen với lĩnh vực này. Chỉ khi các nhân viên tư vấn thực sự hiểu rộng và sâu về quỹ mở, thì mới truyền đạt cho NĐT một cách có hiệu quả. Cả công ty quản lý quỹ và các đại lý phân phối đều cần nỗ lực hơn nữa trong việc đưa kiến thức quỹ mở đến với rộng rãi công chúng.

Hiện tại, kênh phân phối online chưa có, khiến cho giao dịch chứng chỉ quỹ mở không thuận tiện, hạn chế sự phát triển của loại hình đầu tư này. NĐT chỉ có thể đặt lệnh tại các địa điểm phân phối bằng cách nộp phiếu lệnh. Tôi cho rằng, các CTCK và tổ chức cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng là những đơn vị tốt nhất có thể phát triển công cụ giao dịch online, giúp giao dịch nhanh chóng và nhiều NĐT mới có thể tiếp cận với quỹ mở. Khi đó, thị trường trở nên chuyên môn hóa hơn, các công ty quản lý quỹ sẽ chỉ tập trung vào năng lực cốt lõi là quản lý các quỹ.

Các quỹ mở hiện có chiến lược hoạt động na ná nhau, vậy theo bà, yếu tố gì giúp các công ty quản lý quỹ tạo ra sự khác biệt, qua đó thu hút NĐT tham gia?

Các quỹ mở khác nhau hoàn toàn có thể có chung một chiến lược đầu tư, nhưng hiệu quả hoạt động (tỷ suất lợi nhuận) thì vẫn khác nhau, tùy thuộc vào khả năng điều hành của người điều hành quỹ. Với cùng một chiến lược đầu tư, người điều hành quỹ sẽ có các quyết định khác nhau về tỷ lệ phân bổ tài sản, lựa chọn cổ phiếu nào để đầu tư, thời điểm nào giải ngân… Tất cả những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của quỹ và tạo nên sự khác biệt cho quỹ mở.

Theo tôi, NĐT ngoài việc chọn một quỹ mở với chiến lược đầu tư và mức độ rủi ro phù hợp với bản thân, nên tìm hiểu hiệu quả đầu tư của quỹ đó trong quá khứ, kinh nghiệm và năng lực của người điều hành quỹ. Trường hợp quỹ mới đi vào hoạt động, thì NĐT cần tìm hiểu về công ty quản lý quỹ và hiệu quả đầu tư của các quỹ khác, danh mục đầu tư do công ty đó quản lý trong quá khứ. Mức độ cung cấp thông tin của công ty quản lý quỹ và sự hỗ trợ của công ty dành cho NĐT trong suốt thời gian đầu tư cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn quỹ của NĐT. 

Theo bà, liệu sắp tới sẽ có các loại hình quỹ mở mới với chiến lược và phương pháp đầu tư mới?

Trong giai đoạn đầu, các công ty quản lý quỹ thường tiếp cận thị trường với những sản phẩm đơn giản, dễ hiểu đối với NĐT. Do đó, chúng ta đã bắt đầu bằng sản phẩm quỹ mở cổ phiếu, quỹ mở trái phiếu hoặc kết hợp cả hai dưới hình thức quỹ cân bằng. Hiện số lượng NĐT tham gia các quỹ chưa nhiều, mức độ hiểu biết còn hạn chế. Do đó, nhiều khả năng là chưa có thêm loại hình quỹ mở mới cho đến khi thị trường quỹ mở phát triển lên mức cao hơn. 

Theo bà, nhà quản lý cần hỗ trợ gì cho thị trường cũng như các công ty quản lý quỹ để có thể phát triển quỹ mở hiệu quả hơn?

Ngoài việc tăng cường đào tạo cho công chúng về hình thức đầu tư vào quỹ mở, nhà quản lý có thể có những hỗ trợ về mặt tài chính như miễn thuế khi đầu tư vào quỹ mở trong giai đoạn đầu để hấp dẫn NĐT.

Tin bài liên quan