Quý IV: Kỳ vọng VN-Index vượt 1.000 điểm

Quý IV: Kỳ vọng VN-Index vượt 1.000 điểm

(ĐTCK) Trong quý III, chỉ số VN-Index đã có vài lần áp sát, thậm chí vượt lên ngưỡng 1.000 điểm, nhưng không giữ được thành quả khi kết thúc phiên giao dịch. Triển vọng thị trường tháng 10 nói riêng, quý IV nói chung đang sáng hơn, kỳ vọng VN-Index sẽ chinh phục và vững vàng trên ngưỡng này.

Sự đồng thuận của những cổ phiếu vốn hóa lớn

Ðóng cửa phiên giao dịch ngày 30/9/2019 tại 996,56 điểm, VN-Index kết thúc quý III/2019 mà chưa thể chinh phục ngưỡng 1.000 điểm, dù trong phiên giao dịch cuối cùng của quý có thời điểm vượt qua ngưỡng này.

Tính từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 7, VN-Index tiến sát 1.000 điểm; lần đầu tiên diễn ra trong tháng 3 và bình quân mỗi tháng tiếp theo, chỉ số đều có một lần tiến qua mức 990 điểm.

Việc nhiều lần thử thách ngưỡng 1.000 điểm không thành đã tạo nên ngưỡng cản trong tâm lý nhà đầu tư.

Nếu như ở giai đoạn chỉ số tăng từ 970 điểm lên 990 điểm, thanh khoản ngày càng tăng, thì mỗi khi VN-Index tiến qua vùng 990 điểm, khối lượng giao dịch chững lại, do sức cầu trở nên thận trọng, trong khi bên bán đẩy mạnh cung hàng.

Tuy nhiên, với biến động dòng tiền tại các cổ phiếu vốn hóa lớn cùng tình hình vĩ mô tích cực, nhà đầu tư đang kỳ vọng vào diễn biến khả quan hơn trong lần VN-Index tiến sát mức 1.000 điểm này.

Ở góc độ vĩ mô, Tổng cục Thống kê công bố, GDP 9 tháng đầu năm ước tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng 9 tháng cao nhất trong 9 năm trở lại đây.

Trong khi đó, chỉ số gia tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng chỉ tăng 2,5% so với bình quân năm 2018. Với kết quả này, CPI cả năm dự báo có thể kiểm soát ở mức 3,5%, hoàn thành mục tiêu không cao hơn 4%.

Trong tháng 9/2019, Ngân hàng Nhà nước đã hạ 0,25% đối với 4 loại lãi suất điều hành. Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán BSC đánh giá, dù mức giảm còn thấp, chưa ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng lãi suất chung và cần độ trễ để phản ánh vào nền kinh tế, nhưng việc giảm lãi suất là tín hiệu Việt Nam có thể nới lỏng hơn chính sách tiền tệ.

BSC ước tính, nếu lãi suất cho vay và huy động giảm 0,25%/năm so với trung bình hiện nay, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp có thể tăng bình quân 1%. Trong đó, các ngành bất động sản thương mại, dầu khí, phân bón, điện, thép… có cơ cấu vay nợ cao sẽ hưởng lợi nhất.

Trên thị trường, diễn biến nhiều nhóm cổ phiếu đang trong xu hướng tích cực. Ðặc biệt, nhóm ngân hàng thể hiện vai trò “dẫn sóng” trong suốt tuần cuối tháng 9/2019.

Cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 80.000 đồng/cổ phiếu.

Quý IV: Kỳ vọng VN-Index vượt 1.000 điểm ảnh 1

Bên cạnh vấn đề lãi suất, VCB còn được hỗ trợ từ thông tin FWD Group - doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trực thuộc Pacific Century sắp ký thỏa thuận phân phối bảo hiểm trị giá khoảng 400 triệu USD.

Ngoài ra, VCB được The Asian Banker xếp hạng 17 trong số 500 ngân hàng lớn mạnh nhất khu vực. Ðây là khẳng định chất lượng kết quả kinh doanh, chất lượng tài sản và nguồn vốn của Ngân hàng.

Cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 30% trong 3 tháng qua.

Mới đây, lãnh đạo BIDV cho biết, Ngân hàng đã nộp hồ sơ áp dụng Basel II lên Ngân hàng Nhà nước, đồng thời dự kiến sẽ hoàn thành tăng vốn thông qua phát hành 15% cổ phiếu cho KEB Hana Bank trong tháng 10/2019.

Ðợt phát hành với giá trị hơn 20.000 tỷ đồng này được xem là chìa khóa để BIDV cải thiện hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và đáp ứng các điều kiện để đủ chuẩn Bassel II.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác như TCB, HDB, CTG, MBB cũng có diễn biến khả quan. Với việc chiếm 10/30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên HOSE và chiếm hơn 1/4 vốn hóa toàn sàn, sự đồng thuận của nhóm ngân hàng sẽ là nền tảng vững vàng cho chỉ số chung.

Một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác tạo đỉnh giá mới như FPT, MWG, PNJ, REE, trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp duy trì triển vọng tăng trưởng và kỳ vọng hưởng lợi từ việc một số quỹ ETF sẽ được thành lập nhằm huy động vốn ngoại đầu tư vào những cổ phiếu hết “room” trên thị trường.

Cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, vốn hóa lớn thứ 4 thị trường, đã tăng gần 9% trong nửa cuối tháng 9.

Bên cạnh nỗ lực tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận như hoạt động mua bán - sáp nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu của VNM, nhà đầu tư đang chờ đợi Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tiếp tục thoái vốn, có thể đem đến cú huých thị giá như cuối năm 2017, nhất là khi 2 cổ đông ngoại F&N và Platium Victory vẫn đang miệt mài đăng ký mua vào cổ phiếu này.

Sàn HOSE đang có hơn 370 cổ phiếu niêm yết, nhưng 10 mã lớn nhất chiếm đến 52,3% vốn hóa. Do đó, chỉ cần phân nửa số cổ phiếu trong Top 10 vốn hóa đồng thuận tăng giá là VN-Index có thể bứt phá.

Trong những lần tiệm cận mức 1.000 điểm từ đầu năm đến nay, mỗi khi có một nhóm cổ phiếu tăng giá thì những nhóm cổ phiếu lớn khác lại giảm, khiến VN-Index rơi vào trạng thái giằng co.

Gần đây, dấu hiệu về sự đồng thuận hơn đang dần xuất hiện, sẽ là cơ sở để chỉ số có khả năng sớm chinh phục thành công ngưỡng kháng cự 1.000 điểm.

Quý IV: Kỳ vọng VN-Index vượt 1.000 điểm ảnh 2

Biến động VN-Index trong quý IV giai đoạn 2012 - 2018.

Những điểm nhấn thị trường tháng 10

Bước sang tháng 10/2019, mùa công bố kết quả kinh doanh quý III được đánh giá sẽ là điểm nhấn chính của thị trường.

Kết quả doanh quý III đóng vai trò quan trọng để nhà đầu tư đánh giá triển vọng hoàn thành/vượt mục tiêu cả năm của các doanh nghiệp, xa hơn có thể dự báo cổ tức cho mùa đại hội đồng cổ đông tiếp theo.

Con số tăng trưởng trong kết quả lợi nhuận tại các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo cú huých cho mặt bằng giá cổ phiếu, giúp kéo dòng tiền của nhà đầu tư trở lại.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhìn chung vẫn được dự báo tăng trưởng, dù tốc độ có chậm lại so với cùng kỳ năm 2018.

Tại VCB, sau khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2019 với trên 11.300 tỷ đồng lợi nhuận, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng một kết quả tích cực tiếp theo trong báo cáo quý III, giúp giá cổ phiếu vốn hóa lớn thứ hai trong VN-Index tiếp tục bứt phá.

Các ngân hàng khác cũng nhận được những dự báo tích cực. Trong báo cáo phân tích về MBB tháng 9/2019, Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo, lợi nhuận trước thuế cả năm có thể đạt 9.793 tỷ đồng, tăng 25,8% so với năm 2018; riêng quý III, lợi nhuận có thể tăng 18% so với cùng kỳ.

Tương tự là triển vọng khả quan của nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán.

Mặc dù thanh khoản thị trường chứng khoán quý III vẫn trong xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức giảm đã thấp hơn đáng kể so với 2 quý đầu năm và chỉ số tăng điểm với sự bứt phá của các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Ðây là cơ sở để các công ty chứng khoán có hoạt động tự doanh mạnh như SSI, SHS, VND… kỳ vọng đạt lợi nhuận tích cực hơn.

Bên cạnh triển vọng tăng trưởng chung của nhiều nhóm ngành, thị trường có thể đón nhận triển vọng lợi nhuận từ những cổ phiếu có câu chuyện riêng.

Quý IV: Kỳ vọng VN-Index vượt 1.000 điểm ảnh 3

Chẳng hạn, EUR mất giá mạnh (tỷ giá bán VND/EUR niêm yết của VCB đã giảm gần 4,4% trong quý III/2019) sẽ là yếu tố cải thiện lợi nhuận cho các doanh nghiệp đang có vay nợ đáng kể bằng ngoại tệ này như NT2 hay HT1 trong quý này.

Bức tranh chung tích cực, tuy vậy, thị trường vẫn có những mảng màu tối mà nhà đầu tư cần thận trọng.

Một số nhóm ngành được đánh giá sẽ có một mùa kinh doanh khó khăn do biến động của giá các nguyên vật liệu sản xuất, giá bán đầu ra, áp lực cạnh tranh… như thủy sản, thép, cao su tự nhiên, lợi nhuận nhiều khả năng sẽ suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Chẳng hạn, với nhóm doanh nghiệp cao su thiên nhiên, trong quý III/2019, giá hợp đồng kỳ hạn cao su tự nhiên trên sàn Tokyo giảm hơn 16%, xuống dưới mức 160 JPY/kg.

Việc giá mủ cao su giảm về vùng thấp nhất 5 năm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành, nhất là những doanh nghiệp có ít doanh thu từ thanh lý vườn cây hay khu công nghiệp.

Một yếu tố khác tạo sức ép lên giá cổ phiếu là xu hướng bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài.

Diễn biến tại những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng thời gian qua như VRE, VHM, MSN, HPG, STB… cho thấy, giá cổ phiếu gặp khó khăn để tăng. Ngược lại, những mã được khối ngoại mua ròng như BID có xu hướng giá tích cực hơn.

Số liệu của Bloomberg cho biết, tính đến ngày 30/9/2010, P/E của VN-Index ở mức 17 lần, thấp hơn một số thị trường trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philipines… và vẫn đang thấp đáng kể so với chính lịch sử của chỉ số.

Trong bối cảnh những yếu tố bất định vĩ mô bên ngoài đang dần ổn định, định giá hấp dẫn sẽ giúp giá cổ phiếu dễ phản ánh các yếu tố tích cực từ kết quả kinh doanh.

Triển vọng tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán trong quý IV nói chung và tháng 10 nói riêng sáng hơn.

Tuy vậy, không tránh khỏi có những doanh nghiệp gặp khó khăn và thị trường tiếp tục bị tác động từ yếu tố bên ngoài, đòi hỏi nhà đầu tư phải thận trọng và sàng lọc thông tin trước mỗi quyết định đầu tư.

Tin bài liên quan