Thông tin phân tán
Không chỉ còn là sân chơi của các ngân hàng và các doanh nghiệp lớn, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hoạt động đa dạng trong các ngành, lĩnh vực như du lịch, dịch vụ chứng khoán, bất động sản… đã tham gia gia vào “chợ” TPDN nhiều hơn. Ngoài các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, còn có nhiều doanh nghiệp ngoài sàn cũng tham gia huy động vốn qua kênh trái phiếu. Nhờ đó, chưa bao giờ “chợ” này lại sôi động như hiện tại.
Theo ghi nhận của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), chỉ tính riêng trong tháng 5/2019, có hơn 10 đợt phát hành TPDN thành công, trong đó có CTCK Rồng Việt, CTCK MB, CTCP Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc…, thậm chí có doanh nghiệp phát hành thành công 2 đợt như HDBank, CTCK VNDirect… (chi tiết xem bảng). Tất nhiên, cũng có doanh nghiệp thất bại như trường hợp của Công ty TNHH An Quý Hưng khi đặt mục tiêu phát hành riêng lẻ 5.300 tỷ đồng trái phiếu, song không bán được trái phiếu nào.
Hoạt động nhộn nhịp hơn và có sự cải thiện kể từ sau khi Nghị định 163/2018 quy định về phát hành TPDN ra đời và có hiệu lực từ đầu năm nay, nhưng tính minh bạch, sự thuận lợi cho nhà đầu tư khi muốn nắm bắt thông tin về thị trường vẫn hạn chế.
Đơn cử, nếu như trước đây các đợt phát hành riêng lẻ (chiếm đa phần các thương vụ phát hành trên thị trường) gần như chỉ có bên mua và bên bán biết, thì nay thông tin được cập nhật khá kịp thời tại chuyên mục “Thông tin trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ” trên website của Sở GDCK Hà Nội (HNX) tại địa chỉ www.hnx.vn. Tuy nhiên, thông tin về các đợt phát hành trái phiếu ra công chúng lại được công khai qua website của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Có nghĩa là, cùng là thông tin về TPDN, nhưng lại đang được công khai ở các địa chỉ khác nhau, dễ dẫn tới tình trạng thông tin phản ánh thiếu đẩy đủ, chưa tập trung.
“Với cách công bố thông tin như hiện tại, khi cơ quan quản lý, thành viên thị trường cần những thông tin tổng quan về thị trường TPDN mang tính chính thống, do một đầu mối có thẩm quyền cung cấp, đến nay vẫn chưa có. Điều này ảnh hưởng không tích cực đến tính minh bạch và chuyên nghiệp của thị trường…”, lãnh đạo một tổ chức kinh doanh chứng khoán nhìn nhận.
Lập “tổng kho” thông tin trái phiếu: Cần chuẩn hóa cách làm
Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Tài chính đã giao HNX là đầu mối tiếp nhận nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp, đồng thời xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc vận hành chuyên trang thông tin về TPDN; xây dựng quy chế vận hành chuyên trang này và báo cáo Bộ trước khi ban hành quy chế. Đến thời điểm này, dự thảo Quy chế về công bố thông tin và tổ chức, quản lý chuyên trang đang được HNX lấy ý kiến rộng rãi các thành viên thị trường.
Kỳ vọng sau khi chuyên trang thông tin TPDN đi vào vận hành sẽ cải thiện đáng kể tính minh bạch và chuyên nghiệp cho thị trường TPDN Việt Nam, song ý kiến từ một số thành viên thị trường cho rằng, dự thảo có một số điểm cần xem xét kỹ.
Chẳng hạn, tại nội dung: “Chuyên trang thông tin TPDN cung cấp các thông tin liên quan tới TPDN do công ty cổ phần, công ty TNHH phát hành, nhưng không bao gồm TPDN phát hành ra công chúng theo quy định của Luật Chứng khoán…”. Việc phát hành trái phiếu ra công chúng phải minh bạch thông tin theo pháp luật chứng khoán, nhưng nếu thiếu sự phối hợp và chia sẻ thông tin thì tình trạng phân tán thông tin hiện tại vẫn không được khắc phục.
Để khắc phục tình trạng thông tin bị chia cắt, nên chăng cần cơ chế liên thông, chia sẻ thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho chuyên trang thông tin TPDN do HNX vận hành, để ngoài cập nhật thông tin về các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, còn có cả thông tin về phát hành ra đại chúng.
Cách làm này tuy khiến nhà quản lý, vận hành thị trường “thêm việc”, nhưng giảm phiền hà cho doanh nghiệp, mang lại bức tranh thông tin toàn diện, tin cậy về thị trường TPDN. Khi đã chọn chuyên trang thông tin TPDN là một đầu mối, là “tổng kho” thông tin về thị trường TPDN Việt Nam, thì cần phân nhóm hợp lý hơn về nghĩa vụ minh bạch thông tin với doanh nghiệp.
“Theo đó, với các doanh nghiệp phát hành ra đại chúng, thông tin công khai phải nhiều hơn, chi tiết hơn. Còn với các đợt phát hành riêng lẻ, nghĩa vụ minh bạch thông tin nhẹ hơn, với những thông tin phải công bố đơn giản hơn so với đợt phát hành ra đại chúng. Đây cũng là cách thị trường TPDN quốc tế áp dụng.
Một số nội dung tại dự thảo Quy chế về công bố thông tin và tổ chức, quản lý chuyên trang thông tin TPDN tại HNX có xu hướng đem các nghĩa vụ về minh bạch thông tin của hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng sang áp dụng cho phát hành trái phiếu riêng lẻ là chưa phù hợp. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ để khắc phục tình trạng này… ”, một thành viên của VBMA đề xuất.
Đồng tình với kiến nghị trên, giám đốc bộ phận ngân hàng đầu tư (IB) một công ty chứng khoán có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn phát hành TPDN chia sẻ, đành rằng mục tiêu của các quy định mới tại Nghị định 163/2018, cũng như các nội dung của dự thảo Quy chế về công bố thông tin và tổ chức, quản lý chuyên trang thông tin TPDN là nhằm nâng cao tính minh bạch cho thị trường, nhưng cần phải đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tế.
Việc áp dụng các yêu cầu về minh bạch thông tin của phát hành chứng khoán ra đại chúng cho phát hành trái phiếu riêng lẻ là không phù hợp, dễ dẫn đến tình trạng đối phó của tổ chức phát hành, khiến cho thông tin công khai ra thị trường khó chuẩn xác…
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo HNX cho biết, Sở sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên thị trường để hoàn thiện dự thảo Quy chế về công bố thông tin và tổ chức, quản lý chuyên trang thông tin TPDN, trên cơ sở đó ban hành và áp dụng. Dự kiến vào quý III/2019, chuyên trang sẽ đi vào vận hành.