Quý III, kỳ vọng trái phiếu DN khởi sắc

Quý III, kỳ vọng trái phiếu DN khởi sắc

(ĐTCK) Lãi suất ngân hàng cũng như trái phiếu chính phủ (TPCP) giảm mạnh đang thúc đẩy ít nhiều nhu cầu đầu tư sang trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Theo Giám đốc quản lý danh mục một quỹ đầu tư chuyên đầu tư trái phiếu, quỹ của ông đang cân nhắc giảm tỷ trọng đầu tư vào TPCP, để nâng tỷ trọng đầu tư vào thị trường TPDN, do lợi suất TPCP đã giảm nhanh trong những tháng qua. Lợi suất TPCP kỳ hạn 2 và 3 năm đã giảm xuống 6,55 - 6,75%/năm, sát với lạm phát kỳ vọng khoảng hơn 6% cho năm 2013. Trong khi đó, lợi suất TPDN hiện vẫn ở mức tương đối cao, khoảng 12 - 14%/năm, với các đợt phát hành có tài sản đảm bảo.

Quý III, kỳ vọng trái phiếu DN khởi sắc ảnh 1

Nguồn: VCBS

“Với mặt bằng lợi suất hiện tại, việc đầu tư vào TPCP khó đem lại lợi nhuận cho Quỹ”, vị giám đốc quỹ nói.

Tương tự quỹ đầu tư này, tại bộ phận nguồn vốn một số ngân hàng, nhu cầu tìm kiếm các thương vụ phát hành TPDN an toàn để đầu tư cũng đang tăng lên khi lợi suất của TPCP liên tục giảm xuống và áp lực tìm kiếm lợi nhuận vẫn đè nặng lên các ngân hàng.

“Mức chênh lệch về tỷ suất lợi nhuận giữa đầu tư TPDN và TPCP cùng kỳ hạn đã được nới rộng. Mặc dù xu hướng ưa chuộng tài sản rủi ro thấp tiếp tục được duy trì, nhưng trái phiếu của các DN lớn, có uy tín với những dự án kinh doanh hợp lý sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư”, Nhóm nghiên cứu Ban Kinh doanh vốn & tiền tệ BIDV nhận xét trong bản tin tháng 5/2013.

Từ đầu năm đến nay, các kế hoạch phát hành trái phiếu lớn vẫn được thực hiện liên tục. Trong quý I, đã có những thương vụ phát hành TPDN với quy mô hàng ngàn tỷ đồng được thực hiện thành công. Một số thương vụ ngàn tỷ đồng khác đang được chào bán tới NĐT nhưng không được công bố chính thức.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, DN bất động sản H. gửi bản công bố thông tin sơ bộ tới NĐT chào bán 950 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Công ty. Trước đó, DN ngành hàng tiêu dùng M. gửi bản thông tin sơ bộ chào bán 2.000 tỷ đồng trái phiếu có tài sản đảm bảo, lãi suất dự kiến trả cho kỳ thanh toán đầu tiên là 11 - 12%/năm. Ngân hàng B. cũng chào bán 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm tới NĐT.

Trong báo cáo Thị trường vốn và tiền tệ công bố đầu tuần này, CTCK Vietcombank dự báo, thị trường TPDN bước đầu khởi sắc: “Một vài DN đã công bố kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành TPDN. Cùng với kỳ vọng về sự cải thiện tăng trưởng tín dụng cũng như cắt giảm lãi suất cho vay trong những tháng tới, chúng tôi hy vọng, thị trường TPDN sẽ bước đầu khởi sắc, đặc biệt đối với các DN cơ sở hạ tầng”.

Trên thực tế, thị trường TPDN Việt Nam đang khá ảm đạm, dù nhu cầu phát hành và đầu tư vẫn có, mà nguyên nhân là sự thiếu ổn định trên thị trường tài chính khiến nhà đầu tư lo ngại rủi ro với việc đầu tư vào TPDN. Báo cáo thị trường trái phiếu khu vực châu Á tháng 6 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, quy mô thị trường TPDN Việt Nam đã giảm mạnh trong những năm gần đây, chỉ đạt 1,1 tỷ USD trong quý I/2013.

Cũng theo thống kê của ADB, thị trường TPDN Việt Nam tập trung rất mạnh chỉ ở một nhóm các DN lớn. Tính đến cuối quý I, dư nợ trái phiếu tiền đồng của 15 DN phát hành lớn nhất chiếm đến 96% tổng thị trường TPDN tiền đồng. Trong số 15 DN này, 6 DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản chiếm 38% tổng dư nợ TPDN.

Tháng 5 vừa qua, thị trường sơ cấp TPDN không ghi nhận đợt phát hành nào. Giới phân tích nhận định, kinh tế chưa khởi sắc cùng với lo ngại về tín nhiệm của từng DN vẫn là thách thức hàng đầu cho các đợt phát hành. Trong khi đó, thị trường thứ cấp TPDN niêm yết vẫn trầm lắng, hầu như không có giao dịch nào được thực hiện trong tháng. Theo Bản tin lãi suất tháng 5 của Nhóm nghiên cứu Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV, doanh số giao dịch tăng nhẹ so với tháng trước, nhưng vẫn rất khiêm tốn, đạt 211 tỷ đồng. Số lượng trái phiếu niêm yết không nhiều, tập trung ở một vài tổ chức phát hành.

Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu vẫn tỏ ra lạc quan hơn đối với viễn cảnh thị trường TPDN trong tháng 6. Theo đó, thị trường TPDN trong tháng 6/2013 được dự báo sẽ sôi động hơn. Tỷ giá ổn định, lạm phát được kiểm soát, thanh khoản các ngân hàng dồi dào… và đặc biệt mặt bằng lãi suất xuống thấp là những nhân tố thuận lợi cho việc phát hành các công cụ nợ dài hạn với lãi suất cố định của DN.

“Các DN uy tín, năng lực tài chính tốt với những dự án sản xuất - kinh doanh khả thi sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay do thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, các kênh đầu tư như BĐS, chứng khoán… đều khá rủi ro và TPCP thì không còn nhiều hấp dẫn khi lợi suất mang lại đã về rất thấp, ngang mức lạm phát kỳ vọng” bản tin viết.