Quý I, ngân hàng chưa ngấm sâu khó khăn từ đại dịch

Quý I, ngân hàng chưa ngấm sâu khó khăn từ đại dịch

(ĐTCK) Báo cáo tài chính quý I/2020 của các ngân hàng vừa công bố cho thấy, nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt trong 3 tháng đầu năm. Nhưng từ tháng 4 trở đi, tình hình dự báo sẽ khác.

Nhiều ngân hàng báo lãi cao hơn quý I/2019

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của VPBank cho thấy, Ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong kỳ, với 2.911 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tăng 63,3% so với quý I năm trước.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng riêng lẻ là 2.074 tỷ đồng và của Công ty tài chính FE Credit là 917 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh dịch bệnh còn ẩn chứa nhiều diễn biến phức tạp, các mục tiêu kinh doanh cả năm 2020 sẽ là thách thức không nhỏ với VPBank. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng sớm những giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực từ Covid-19 (dự kiến sẽ có ảnh hưởng tiêu cực bắt đầu từ quý II/2020) và kết quả khả quan được tạo ra trong quý I là nền tảng hỗ trợ VPBank tăng trưởng, cũng như hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra do bất ổn của nền kinh tế trong những tháng tiếp theo của năm 2020”, lãnh đạo cao cấp VPBank cho biết.

VIB cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý I, với việc ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với cùng kỳ 2019, đạt 1.075 tỷ đồng.

Trong khi đó, SeABank báo cáo con số lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I gần 309 tỷ đồng, tăng mạnh 105% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, lợi nhuận trước thuế quý I của Ngân hàng đạt gần 604 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ 2019.

TPBank cũng vừa có một quý tăng trưởng tốt, với lợi nhuận sau thuế đạt 809 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2019.

Tại Viet A Bank, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 tóm tắt cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt gần 81 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ 2019. Tương tự, NCB báo lãi trước thuế đạt gần 15 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước…

Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng có nhiều điểm sáng, nhưng không phải là tất cả. Vietcombank báo cáo lợi nhuận trước thuế quý I là 5.333 tỷ đồng, giảm 11,14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ðược biết, lợi nhuận ở các mảng kinh doanh tăng trưởng chậm, thậm chí là sụt giảm, trong khi chi phí dự phòng của Ngân hàng lại tăng vọt, dẫn đến lợi nhuận quý này kém khả quan so với cùng kỳ.

Tại Sacombank, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 988 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân là lãi từ hoạt động khác (xử lý nợ xấu) sụt giảm 76,6% so với cùng kỳ, chỉ đạt 71 tỷ đồng; trong khi chi phí hoạt động tăng tới 21% lên 2.478 tỷ đồng, riêng chi cho nhân viên tăng 10%, lên 1.279 tỷ đồng…

Lợi nhuận trước thuế quý I/2020 của Bac A Bank đạt 179 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ 2019.

Nguyên nhân chủ yếu là hoạt động dịch vụ có lãi thuần giảm mạnh 77% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 7 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chiếm hơn 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019, Ngân hàng không trích lập dự phòng.

Mặc dù các khoản thu nhập ngoài lãi của Nam A Bank đều tăng trưởng, nhưng thu nhập lãi thuần sụt giảm đáng kể là nguyên nhân chính khiến Ngân hàng báo lãi trước thuế quý I còn 143 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank nhận định, ngành ngân hàng được ví như huyết mạch của nền kinh tế, vì vậy, khi các ngành kinh tế bị ảnh hưởng thì ngành ngân hàng tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.

Ðại dịch lần này có tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, song xét trên đặc điểm và mô hình kinh doanh thì mỗi ngân hàng, với cơ cấu khách hàng, năng lực quản trị và mức độ ứng dụng công nghệ khác nhau sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Lợi nhuận ngân hàng 2020 sẽ giảm 14 - 18%

“Kết quả kinh doanh của quý I/2020 tạm ổn, nhưng bắt đầu từ tháng 4 trở đi sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19”, Tổng giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn nhìn nhận về xu hướng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2020.

Một nghiên cứu về thu nhập ngành ngân hàng Việt Nam 2020 của BIDV vừa công bố đưa ra dự báo, tăng trưởng tín dụng cả năm của toàn ngành vào khoảng 11%.

Giả định này cũng phù hợp với dự báo của Ngân hàng Nhà nước tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ ngày 10/4/2020. Theo đó, năm 2020, dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế là 900.000 - 1.100.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng khoảng 11 - 14%.

Thu nhập của các ngân hàng thương mại năm 2020 có thể bị giảm khoảng 30.000 - 34.000 tỷ đồng, tương đương 26 - 30% tổng lợi nhuận năm 2019, hay giảm 20 - 23% thu nhập so với kế hoạch kinh doanh ban đầu.

Cụ thể, với việc giảm lãi suất 1 - 1,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn bởi dịch bệnh, ước tính, sẽ làm giảm thu nhập của các ngân hàng 11.475 tỷ đồng.

Trong khi đó, với chính sách giảm lãi suất đối với khoản vay mới từ 1 - 2,5%/năm, sẽ theo 2 phương án: ngân hàng thương mại được hỗ trợ 60% từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước; ngân hàng thương mại phải tự cân đối nguồn để cho vay mới ưu đãi. Khi đó, mức giảm thu nhập do yếu tố này là 2.430 tỷ đồng (phương án 1) hoặc 6.075 tỷ đồng (phương án 2).

Việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và không tính lãi phạt, ước tính khiến các ngân hàng giảm thu nhập là 3.500 tỷ đồng.

Giảm thu nhập từ lãi do tín dụng tăng trưởng thấp là 5.532 tỷ đồng. Tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng do nợ xấu tăng, mức giảm thu nhập do yếu tố này là 6.736 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, mức giảm của lợi nhuận ngân hàng có thể ít hơn nhờ các ngân hàng gia tăng thu nhập từ các dịch vụ ngân hàng số (phí chuyển tiền/thanh toán giảm nhưng quy mô, số lượng giao dịch tăng lên). Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh tiết giảm chi phí. Nhưng, các ngân hàng thương mại lại gặp bất lợi từ nguồn thu và xử lý nợ ngoại bảng kém đi”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định.

Việc tính toán này, theo BIDV, phụ thuộc rất nhiều vào mức trích dự phòng rủi ro tín dụng tăng thêm trong năm của các ngân hàng.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã cho phép không chuyển nhóm nợ, nên có thể áp lực trích lập dự phòng rủi ro sẽ không tập trung vào năm 2020, nhưng sẽ dồn vào năm 2021.

Hơn nữa, dư nợ xấu có thể không tăng cao như ước tính hiện nay do phụ thuộc vào khả năng phục hồi của các doanh nghiệp sau dịch bệnh.

Theo đó, dự báo mức giảm thu nhập cả năm 2020 (ước tính thận trọng) ở mức khoảng 26.000 - 30.000 tỷ đồng (trong tổng lợi nhuận của hệ thống năm 2020 ước đạt khoảng 118.000 - 122.000 tỷ đồng, đã tính đến tác động của đại dịch Covid-19).

Như vậy, mức giảm thu nhập tương đương 21 - 25% lợi nhuận toàn ngành năm 2020. Khi đó, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại sẽ tăng ở mức rất thấp, khoảng 4 - 6% so với năm 2019.

Nếu tính đúng mức trích dự phòng rủi ro tín dụng do nợ xấu (không trích dần trong 4 năm) thì lợi nhuận ngành ngân hàng chỉ ở mức 94.000 - 98.000 tỷ đồng, giảm 14 - 18% so với năm 2019.

Với bối cảnh kinh doanh khó khăn, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho biết, doanh thu năm nay của Ngân hàng dự kiến sẽ giảm 6.000 tỷ đồng, trích lập dự phòng 16.000 tỷ đồng. Lợi nhuận theo đó sẽ giảm khoảng 20% so với 2019, còn khoảng 11.040 tỷ đồng.

Tin bài liên quan