Kiếm lời từ phí
ETF vàng là một loại quỹ hoán đổi danh mục hàng hóa với tài sản duy nhất là vàng, hoặc bao gồm các hợp đồng phái sinh vàng.
Chiến lược cơ bản của quỹ ETF vàng là theo sát và phản ánh chính xác diễn biến giá vàng, đem lại cơ hội kiếm lời theo biến động giá.
Môi trường nhiều bất ổn trên toàn cầu khiến vàng trải qua chuỗi ngày tăng giá ấn tượng. Ngay lập tức, diễn biến này tạo cơn gió thuận chiều cho hoạt động của các quỹ ETF và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan tới kim loại quý này, bao gồm các tổ chức tài chính cung cấp vốn cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoặc nhà băng có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho các kho chứa vàng trị giá hàng tỷ USD tại London…
“Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng, nhu cầu với các quỹ ETF đang thúc đẩy giá vàng đi lên”, George Milling-Stanley, chiến lược gia trưởng thị trường vàng tại State Street Global Advisor, đại lý của quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares (GLD) cho biết.
Hiện tại, lượng vàng mà các quỹ ETF nắm giữ nhiều hơn bất kỳ ngân hàng trung ương nào trên toàn cầu, ngoại trừ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các quỹ ETF thường thu phí tính bằng phần trăm trên giá trị tài sản ròng của quỹ.
Với việc các nhà đầu tư liên tục rót vốn vào các quỹ ETF khi giá vàng giao ngay đạt mức kỷ lục trên 2.075 USD/ounce trong tháng 8, riêng khoản thu từ phí đã tăng gấp đôi.
Tổng mức phí thu được của Top 10 quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới đã đạt khoảng 610 triệu USD kể từ đầu năm tới nay, theo tính toán của Bloomberg dựa trên tỷ lệ nắm giữ và mức giá hiện tại.
Trong khi đó, Top 5 quỹ ETF bạc lớn nhất cũng thu phí khoảng 110 triệu USD. Số lượng bạc nhà đầu tư mua qua các quỹ ETF trong 8 tháng đầu năm 2020 nhiều hơn cả sản lượng bạc khai thác năm 2019 của 10 nhà khai thác bạc lớn nhất thế giới.
Không riêng các quỹ ETF, một số nhà băng lớn cũng được hưởng lợi từ cơn sốt vàng 2020. Theo đó, các nhà băng như JPMorgan Chase & Co và HSBC Holdings Plc có dịch vụ lưu giữ vàng và bạc cho các quỹ ETF tại các căn phòng ngầm kiên cố.
Đây vốn là một ngách kinh doanh nhỏ, nhưng với việc trữ lượng và giá cả của các kim loại quý này gia tăng, khoản thu về trở nên đáng kể hơn.
Tài sản vàng của GLD hiện đang được HSBC cất giữ tại London. Lần gần đây nhất mức giá được tiết lộ là năm 2015. Theo đó, HSBC thu phí 0,1%/năm cho 4,5 triệu ounce vàng cất giữ đầu tiên, lũy kế thêm 0,06% cho ounce tiếp theo.
Amrit Shahani, giám đốc nghiên cứu Coalition Development Ltd cho biết, khoản thu từ việc cất giữ vàng thường chiếm khoảng 10% thu nhập của các nhà băng lớn từ ngành kinh doanh liên quan tới vàng mỗi năm, con số cụ thể vào khoảng 1,1-1,2 tỷ USD/năm. Riêng năm 2020, con số này có thể tăng gấp đôi.
Sức ép kho chứa
Sự gia tăng nhu cầu đối với vàng giúp quỹ ETF tăng trưởng, nhưng cũng tạo nên áp lực nhất định trong ngắn hạn. Chẳng hạn, báo cáo quý II/2020 của GLD tiết lộ, kể từ đầu tháng 4, một lượng vàng của Quỹ không được cất giữ tại hầm chứa của HSBC, mà tại Ngân hàng Trung ương Anh (BOE).
Đáng chú ý, áp lực kho chứa đối với bạc còn lớn hơn, bởi có giá trị thấp hơn vàng và sẽ tốn nhiều không gian hơn.
JPMorgan hiện là chủ sở hữu của quỹ ETF bạc lớn nhất thế giới - iShares Silver Trust. Trong thời gian dài, quỹ này công bố thông tin rằng, nếu lượng nắm giữ tăng lên mức trên 500 triệu ounce thì sẽ tìm tổ chức giám sát thứ hai. Tuy nhiên, trong tháng 7/2000, khi lượng bạc nắm giữ vượt 500 triệu ounce, đoạn thông tin này bị “bỏ đi” âm thầm.
Hiện tại, JPMorgan đã có thỏa thuận cất giữ với một số nhà cung cấp dịch vụ tại London, trong đó có 2 kho chứa của Brink’s Co, cùng kho chứa gần sân bay Heathrow của Malca-Amit.