RCEP sẽ giúp mở cửa để Việt Nam nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

RCEP sẽ giúp mở cửa để Việt Nam nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Quy định xuất xứ hàng hóa tại RCEP: Nông sản, giày dép, dệt may thêm lợi thế cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00

Quy định về xuất xứ hàng hóa tại RCEP được xem là “dễ thở” hơn so với CPTPP và EVFTA, sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các ngành hàng dệt may, nông sản, giày dép, công nghệ thông tin…

Tăng khả năng hưởng ưu đãi thuế quan

Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối sản xuất chung trong toàn ASEAN.

Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp sản phẩm từ các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông sản Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh.

Theo Bộ Công thương, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia nhận nhiều lợi ích từ RCEP, khi có các mặt hàng thế mạnh như nông, thủy sản đáp ứng nhu cầu của hầu hết thành viên RCEP.

Trên thực tế, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương với hầu hết thị trường thành viên RCEP. Riêng Trung Quốc, dù chưa ký kết FTA song phương, nhưng Việt Nam đã thực thi hiệp định chung giữa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Do đó, hoạt động đầu tư khai thác các thị trường trong khối RCEP không còn mới mẻ.

Nhờ việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...

Với giày dép, con số gần 2 tỷ USD xuất khẩu sang Trung Quốc rất đáng kể. Ngoài ra, phần lớn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất giày dép được nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tạo điều kiện để thỏa mãn quy tắc xuất xứ để được ưu đãi thuế quan.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, chưa cần chờ đến RCEP có hiệu lực, thì Trung Quốc vẫn là thị trường nằm trong top 4 của ngành giày dép. Theo đó, hiệu ứng thị trường (với cả xuất khẩu và nhập khẩu) đều sẽ khả quan hơn khi RCEP đi vào thực thi.

Doanh nghiệp lên kế hoạch tận dụng RCEP

Từ cuối năm 2019, sữa tươi cùng nhiều sản phẩm khác của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã có mặt tại các hệ thống siêu thị Sheng Shong, Fair Price, Ustar... ở Singapore.

Theo ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế Vinamilk, Singapore là một cửa ngõ để giao thương với thế giới. Vì vậy, việc xuất khẩu thành công sản phẩm sữa tươi, đặc biệt là sữa tươi organic vào thị trường này sẽ giúp Vinamilk mở ra các cơ hội kinh doanh, khẳng định chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu sữa Việt Nam.

Cũng trong năm qua, Vinamilk đã xuất khẩu trực tiếp nhiều sản phẩm sữa sang Trung Quốc. Trong tương lai, sẽ tiếp tục có thêm nhiều dòng sản phẩm mới của Vinamilk được xuất sang thị trường này, từ hiệu ứng thành công của các dòng sản phẩm đã được thị trường chấp nhận.

Một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản khác là Vinasamex cũng đang lên kế hoạch tận dụng ưu đãi xuất xứ từ RCEP. Chuyên xuất khẩu quế, hồi sang nhiều thị trường trong EU và Nhật Bản, Hàn Quốc, năm 2020, Vinasamex cũng bị sụt giảm đơn hàng do ảnh hưởng bởi Covid-19, giá trị đơn hàng giảm 30% so với năm 2019. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Vinasamex cho biết, trong thời gian tới, Vinasamex sẽ tìm hiểu cụ thể các cam kết trong RCEP và nhu cầu từng thị trường trong khối này để xúc tiến thương mại, tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo bà Huyền, sản phẩm quế, hồi của Vinasamex đã được một số thị trường khó tính trong khối RCEP (Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc) đón nhận. Đây cũng là điều kiện thuận lợi, giúp Công ty có thêm động lực để đón lõng xuất khẩu. Đặc biệt, Vinasamex sẽ tập trung “đánh” vào phân khúc cao cấp, chứ không chủ trương xuất khẩu hàng giá rẻ.

Bộ Công thương đánh giá, RCEP sẽ giúp mở cửa để Việt Nam nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Hiện nay, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất từ thị trường ASEAN của Việt Nam hằng năm đã vượt mức 30 tỷ USD. Với Trung Quốc, giá trị nhập khẩu hàng hóa mỗi năm cũng lên tới hơn 70 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Hiệp định cũng thiết lập một quy tắc xuất xứ chung, cho phép các nhà xuất khẩu sử dụng nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ các thành viên khác đủ điều kiện tiếp cận ưu đãi khi giao dịch trong khối. Điều này được Ngân hàng HSBC Việt Nam nhấn mạnh là sẽ cung cấp một nền tảng cho tự do hóa hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Tin bài liên quan