Trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu chao đảo vì nguy cơ suy thoái và đại dịch Covid-19 bóp nghẹt hoạt động sản xuất - kinh doanh, quy mô của các quỹ ETF bị thu hẹp và dòng vốn rút ra mạnh mẽ.
Các quỹ đầu tư tư nhân “kín tiếng” hơn vì nghĩa vụ công bố thông tin ít hơn, nhưng thực tế cho thấy, các quỹ đầu này khó tránh được ảnh hưởng của đại dịch. Câu chuyện của SoftBank Group Corp (SoftBank) là lát cắt thể hiện rõ nét tình trạng của nhóm nhà đầu tư này.
Nhiều nhà đầu tư đã và đang “bỏ chạy” khỏi SoftBank, công ty điều hành quỹ đầu tư quy mô 100 tỷ USD Vision Fund, trong bối cảnh doanh nghiệp khó có thể tự cân đối được tình hình tài chính.
SoftBank đang tìm cách huy động hàng tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư đầu tư nhằm vượt qua đại dịch, cứu vớt doanh nghiệp có tiềm năng, đồng thời cắt lỗ tại những nơi bị ảnh hưởng nặng nề.
“Lùm xùm” với hàng loạt khoản đầu tư tiềm năng cũng phần nào thể hiện hoạt động không suôn sẻ của SoftBank.
Chẳng hạn, ngày 4/5/2020, cựu CEO Wework chính thức kiện SoftBank vì hủy thỏa thuận mua lại cổ phần trị giá 3 tỷ USD, hay SoftBank cần huy động thêm 100 triệu USD để rót vốn vào Plenty Inc theo các thỏa thuận, hoặc OneWeb, một khoản đầu tư khác của Công ty vừa nộp đơn xin phá sản…
Các động thái có phần tuyệt vọng của SoftBank hòa nhịp với các quỹ đầu tư tư nhân khác trên toàn cầu.
Ngay từ đầu tháng 3/2020, các gã khổng lồ ngành đầu tư như Blackstone Group Inc và Carlyle Group Inc đã lên tiếng thúc giục các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư cần làm bất kỳ điều gì có thể để hạn chế tình trạng “đốt tiền”.
Tuy nhiên, trước tác động từ đại dịch, các doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn. Không kể các công ty khởi nghiệp, công ty tư nhân, nhóm doanh nghiệp blue-chip đã phải rút ít nhất 124 tỷ USD ra khỏi tài khoản để chi tiêu chỉ trong 3 tuần đầu tháng 3.
Trong khi đó, việc huy động vốn ở thời điểm hiện tại rất khó khăn. Ngay cả các nhà đầu tư ở vị thế tốt nhất như quỹ lương hưu, quỹ dự trữ quốc gia cũng đang phải đối diện với những khó khăn riêng và chưa muốn có động thái mới.
Quay lại SoftBank, tính tới cuối năm 2019, chỉ có 75% các khoản vốn đã cam kết được chuyển tới Quỹ Vision Fund và Công ty cần gọi thêm 17,5 tỷ USD từ các bên thứ ba để đáp ứng các thủ tục thành lập quỹ mới theo kế hoạch.
Ả Rập Xê út, một trong những nhà đầu tư có mối liên hệ lâu năm với SoftBank đang chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến giá dầu, khiến nguồn lực đầu tư bị hạn chế. Do đó, Quỹ Vision Fund 2 - tham vọng của người sáng lập SoftBank là tỷ phú Masayoshi Son tạm thời bị quên lãng.
Ðáng chú ý, trong thập kỷ vừa qua, các quỹ đầu tư tư nhân đã đổ tiền vào hàng loạt công ty chưa niêm yết với kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng tích cực.
Hơn 75% các thỏa thuận đầu tư dành cho các công ty đang sở hữu khối nợ lớn hơn 6 lần EBITDA năm 2019 (EBITDA - lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao).
Trước đó, vào thời kỳ khủng hoảng khi Lehman Brothes Holdings Inc sụp đổ (năm 2008), con số này chỉ là 25%, theo Morningstar. Khi thanh khoản hạn hẹp, các khoản đầu tư này sẽ tạo ra rủi ro lớn với quỹ đầu tư tư nhân.
Thị trường đầu tư vốn tư nhân tại Việt Nam có sự hiện diện của hơn 10 “tay chơi” nội địa. Trong đó, Mekong Capital là một trong những công ty quản lý quỹ lâu đời nhất và đã xây dựng được 4 quỹ đầu tư tăng trưởng kể từ năm 2001 tới nay. Một số công ty quản lý quỹ khác là Vietnam Investment Group, VinaCapital, Dragon Capital…
Ðáng chú ý, Quỹ đầu tư cổ phiếu VOF của VinaCapital đang có phần rời xa thị trường chứng khoán và rẽ hướng sang vốn cổ phần tư nhân.
Trong quý I/2020, VOF có hiệu suất đầu tư âm 21,8%, mức thua lỗ ít hơn so với nhiều quỹ đầu tư khác trước biến động thị trường, nhưng những thay đổi giá trị tài sản của Quỹ chưa được thể hiện. Trong môi trường kinh doanh khó khăn thời đại dịch, hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân mà VOF đầu tư khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.