“Thèm ăn”
Các nhà quản lý Quỹ Đầu tư doanh nghiệp tư nhân (Private Equity - PE) đang ngồi trên đống dự trữ vốn khổng lồ với cam kết đầu tư vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và muốn tăng khả năng giải ngân.
Thị trường đang tuôn trào với những cơ hội lớn, khi các chủ sở hữu công ty và các quỹ PE ngày càng “thèm ăn”, dự kiến có nhiều thương vụ đầu tư xuyên biên giới tập trung vào khu vực này.
Trên nhiều mặt trận, ngành công nghiệp này cho thấy dấu hiệu đang bước vào kỷ nguyên mới, được xác định bởi một thị trường rộng lớn hơn, cạnh tranh khốc liệt và thay đổi giá trị thương vụ cao hơn.
Giá trị thương vụ đầu tư tại khu vực này tăng lên mức cao kỷ lục là 159 tỷ USD vào năm 2017, tăng 41% so với năm 2016 và cao hơn 19% so với giá trị lịch sử được thiết lập trong năm 2015. Số lượng giao dịch riêng lẻ giảm nhẹ so với năm 2016, nhưng quy mô giao dịch trung bình tăng 47% lên 156 triệu USD, cao hơn 50% so với mức trung bình hàng năm (giai đoạn 2012 - 2016) và số lượng giao dịch trị giá 1 tỷ USD tăng gần gấp đôi lên 27%.
Đứng sau sự tăng trưởng chưa từng có trên là xu hướng liên kết nhóm các nhà đầu tư cùng thực hiện các giao dịch xuyên biên giới. Gần 2/3 khối lượng giao dịch liên quan đến nhiều nhà đầu tư, cao hơn khoảng 15% so với mức trung bình 5 năm trước đó.
PE hoạt động mạnh đã kéo dài tất cả các thị trường mới, trong đó Nhật Bản và Đông Nam Á chiếm thị phần đáng kể (hơn 10%). Giá trị giao dịch của Nhật Bản trong năm 2017 đã tăng lên khoảng 25 tỷ USD, tăng 137% so với năm 2016. Thị trường Đông Nam Á tăng gấp đôi lên 20 tỷ USD, mức cao kỷ lục.
Tại Việt Nam, ông lớn quỹ PE như Warburg Pincus, KKR và TPG đã bơm rất nhiều vốn vào Việt Nam khi cơ hội ở quê nhà ngày càng bị thu hẹp.
Warburg Pincus dẫn đầu xu hướng này với việc cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào các công ty Việt Nam, với các khoản đầu tư 370 triệu USD vào Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); 200 triệu USD, sau đó tăng lên 300 triệu USD vào CTCP Vincom Retail.
Bên cạnh đó, KKR cũng đang chuyển trọng tâm sang Việt Nam khi đầu tư vào CTCP Tập đoàn Masan.
Ashish Shastry, người phụ trách KKR khu vực Đông Nam Á, cho hay: “Việt Nam có cơ hội tuyệt vời với nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và xu hướng nhân khẩu thuận lợi”.
Theo báo cáo từ Công ty nghiên cứu Preqin, sự bùng nổ của Việt Nam là một phần của xu hướng lớn hơn ở khắp châu Á. Tháng 9/2017, Caldera Pacific của Hồng Kông và Samsung Securities mua 40% cổ phần của Dragon Capital - quỹ đầu tư có trụ sở tại TP.HCM.
Dragon Capital quản lý hơn 2,3 tỷ USD tài sản tại Việt Nam. Mặc dù giá trị của khoản đầu tư không được hé lộ, vụ thâu tóm được xem là một trong những sự kiện quan trọng trong môi trường đầu tư của Việt Nam.
Samsung Securities mua 10% cổ phần theo hình thức hợp tác với Caldera Pacific. Tính đến cuối năm 2016, hai nhà sáng lập Dragon Capital là Dominic Scriven và John Shrimpton, nắm giữ 70,5% cổ phần của công ty.
Trong khi đó, hai quỹ đầu tư lớn của Việt Nam là VinaCapital và Mekong Capital cơ cấu lại danh mục năm 2017 của mình bằng cách thực hiện một loạt thương vụ đầu tư và thoái vốn.
Trên thị trường cũng xuất hiện thêm Quỹ đầu tư thương mại của CapitaLand (CapitaLand Vietnam Commercial Fund I - CVCFI) của CapitaLand khởi động vào tháng 8/2017 với giá trị gần 300 triệu USD.
Việc ra mắt CVCFI giúp CapitaLand tiến gần mục tiêu tăng tổng tài sản quản lý (AUM) lên 7,34 tỷ USD vào năm 2020. Capita Land nắm giữ 40% cổ phần của quỹ CVCFI trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác nắm phần còn lại. CVCFI sẽ tập trung vào các dự án bất động sảnthương mại hạng A.
Duy trì tương lai
Rõ ràng, việc tăng niềm tin nhà đầu tư và tăng cường chấp nhận vốn cổ phần tư nhân tại những thị trường mới nổi đang mở đường cho tăng trưởng của các quỹ PE trong tương lai. Song dấu hiệu đó không đảm bảo tương lai lâu dài của các quỹ. Họ cần những động thái tinh vi, can thiệp và tư vấn chất lượng hơn vào các khoản đầu tư của mình.
Năm 2017, các quỹ PE khá thành công trong việc huy động quỹ mới ở khu vực, với 66 tỷ USD, tăng 32% so với 21% của năm trước đó.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng và môi trường đầu tư biến động mạnh vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, song kế hoạch gây quỹ mới vẫn được thực hiện.
Các quỹ lớn, giàu kinh nghiệm mất trung bình 14 tháng để đóng các quỹ mới, trong khi các quỹ nhỏ hơn phải mất 16 - 24 tháng để đóng.
Khu vực này nắm giữ nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư để kiếm được lợi nhuận mạnh mẽ trong những năm tới. Tuy nhiên, các nguồn hàng tạo giá trị cơ bản mà các nhà đầu tư có được trong quá khứ đang thay đổi.
Các khoản thoái vốn của quỹ mang lại lợi nhuận thấp hơn, do thiếu luồng giao dịch hấp dẫn và định giá cao, cơ hội đi đến thỏa thuận hấp dẫn cho năm 2018 là một trong hai thách thức hàng đầu khiến họ mất ăn mất ngủ. Các giao dịch độc quyền có sự suy giảm rõ ràng.
Để duy trì lợi nhuận cao, các công ty PE cần phát triển các khả năng mới. Cho đến nay, hầu hết các quỹ PE đầu tư vào khu vực này đều tập trung đưa kỳ vọng làn sóng tăng trưởng vĩ mô mạnh mẽ hơn và tăng tỷ lệ mua - bán cổ phần cao hơn.
Giúp các công ty đầu tư cổ phần xây dựng thương hiệu xuất sắc, tận dụng tối đa công nghệ kỹ thuật số và tìm được nhân sự quản lý tài năng là 3 yếu tố chiến lược quan trọng có thể giúp các quỹ PE châu Á - Thái Bình Dương tạo giá trị mới và lợi nhuận cao hơn.
Trong khi đó, các công ty được các quỹ PE rót vốn cần hiểu rõ các thế mạnh cốt lõi của ngành, mạng lưới mạnh mẽ và khả năng phân tích xu hướng giữa các ngành và thị trường thông tin chi tiết thì mới hoạch định được chiến lược đầu tư và cải thiện hiệu suất lợi nhuận cho hai bên.