Quỹ đầu tư của Starbucks được quản lý bởi Valor Equity Partners, tập trung vào các startup trong ngành thực phẩm và bán lẻ. Valor Equity là nhà đầu tư giai đoạn đầu của Tesla và nhiều startup nổi tiếng khác.
Quỹ Valor Siren hướng tới mục tiêu huy động thêm khoảng 300 triệu USD nữa trong những tháng tới từ các nhà đầu tư khác. CEO Kevin Johnson cho biết Starbucks có thể khám phá các mối quan hệ thương mại trên con đường đồng hành với các startup mà công ty đầu tư.
Như vậy, Starbucks là cái tên mới nhất trong ngành ăn uống ở Mỹ đầu tư vào startup. Thông qua quỹ đầu tư Valor Siren, chuỗi cà phê lớn nhất thế giới gia nhập hàng ngũ các công ty thực phẩm lớn chuyển việc tìm kiếm ý tưởng mới thông qua các nguồn lực từ bên ngoài.
Vào 2016, Tyson Foods - nhà sản xuất thịt lớn nhất Mỹ cũng thành lập quỹ Tyson để đầu tư vào các công ty tập trung phát triển protein từ thực vật. Trong khi đó, nhiều thương hiệu đồ ăn và thức uống khác cũng gia nhập cuộc chơi, bao gồm cả Kraft Heinz và PepsiCo.
Starbucks - một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất thế giới đang đối mặt với thực tế là họ không thể tạo ra doanh số tăng trưởng nhanh chóng so với kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Chuỗi cà phê cũng thông báo sẽ bắt đầu hiện đại hóa cơ sở hạ tầng với các định dạng mới vào mùa hè này tại New York. Giám đốc vận hành Roz Brewer cho biết Starbucks muốn cải tổ phong cách "thế giới thứ ba" mà công ty là người tiên phong. Ý tưởng mang đến một không gian thư giãn nhưng không phải là nhà hay cơ quan là một trong những mục tiêu mà các đối thủ cạnh tranh của hãng đang ngày một nhân rộng trên thị trường.
Với các cổ đông, Starbucks cũng đang bắt đầu chương trình mua lại cổ phiếu như một phần trong mục tiêu trả lại 25 tỷ USD cho cổ đông trong thời gian ba năm. Năm ngoái, cổ phiếu Starbucks tăng 11% giá trị.