Quy chuẩn mới
Giữa tháng 5/2013, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) lần lượt công bố Quy chế thành viên giao dịch mới cho các CTCK. Theo đó, để trở thành thành viên giao dịch trên hai sở, các CTCK phải đáp ứng được các điều kiện gồm: được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấp phép môi giới, được Trung tâm Lưu ký Việt Nam chấp nhận là thành viên lưu ký, có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động (về hạ tầng, phần mềm, hệ thống dự phòng, thiết bị thông tin, cổng thông tin điện tử…), có ban lãnh đạo và nhân viên đủ năng lực, kinh nghiệm, có đại diện giao dịch tại các sở. Đặc biệt, bản quy chế thành viên mới ở hai sở GDCK đã thêm nội dung: muốn đăng ký là thành viên trở lại, CTCK phải đợi 2 năm sau ngày chấm dứt tư cách thành viên tự nguyện hoặc 5 năm sau ngày bị hủy tư cách thành viên bắt buộc.
Về hồ sơ, thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các thành viên, quy chế thành viên mới không thay đổi nhiều so với quy chế cũ. Phía sở GDCK vẫn đòi hỏi các CTCK phải có đơn và quy trình giao dịch theo mẫu, có tài liệu mô tả cơ sở vật chất - nhân sự, có bản giấy phép hoạt động, giấy phép lưu ký, giấy chứng nhận tư cách thành viên lưu ký, điều lệ công ty, quy chế đạo đức… Tuy nhiên, điểm khác biệt trong quy chế thành viên mới là các sở GDCK yêu cầu CTCK phải đưa ra các quy trình kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro, kiểm toán nội bộ.
Trong chế độ báo cáo và công bố thông tin, bản quy chế mới đưa ra khá nhiều thay đổi so với trước. Chẳng hạn, trong báo cáo hàng tháng, thay vì chỉ báo cáo tình hình hoạt động và giao dịch lô lẻ, các CTCK phải báo cáo thêm việc mở, đóng, ủy quyền tài khoản của khách hàng, báo cáo danh mục chứng khoán thực hiện giao dịch ký quỹ theo mẫu. Bản quy chế thành viên mới cũng yêu cầu các CTCK phải báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính 6 tháng/lần. Trong BCTC năm, nếu kiểm toán có ý kiến ngoại trừ mà chưa nêu chi tiết lý do ngoại trừ, các CTCK phải có nghĩa vụ giải trình. Ngoài ra, bản quy chế mới yêu cầu CTCK thành viên phải công bố thông tin theo quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC.
Bản quy chế mới đặt ra nhiều quy định nghiêm ngặt hơn khi chấm dứt tư cách thành viên. Đơn cử, tại Sở TP. HCM, chỉ cần không giao dịch liên tục qua hệ thống giao dịch của Sở trong 30 ngày, CTCK sẽ bị chấm dứt tư cách thành viên (chứ không phải 60 ngày như trước). Và trên cả hai sở GDCK, nếu CTCK bị thu hồi giấy chứng nhận lưu ký chứng khoán, trong diện sáp nhập, giải thể… cũng bị buộc hủy tư cách thành viên.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc HNX chia sẻ, quy chế thành viên mới được xây dựng dựa trên nguyên tắc an toàn tài chính cho CTCK. Vì thế, những điều chỉnh, thay đổi trong quy chế mới thực tế tập trung nhiều ở các vấn đề về công bố thông tin, kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro, giao dịch ký quỹ, quản chặt tư cách thành viên...
Các CTCK đã sẵn sàng
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo các CTCK cho biết, việc các sở tăng cường siết chặt hoạt động của các CTCK thành viên thông qua ban hành quy chế mới là hợp lý, bởi những nội dung điều chỉnh đều xuất phát từ yêu cầu thị trường.
Trên thực tế, không đợi các sở ban hành quy chế mới, từ lâu, để củng cố niềm tin từ khách hàng và tạo lợi thế cạnh tranh, nhiều CTCK thuộc top đầu như CTCK TP. HCM (HSC), CTCK Sài Gòn (SSI)… đã triển khai nhiều hoạt động về quản trị rủi ro công ty, minh bạch thông tin. Vì thế, các yêu cầu mới như phải báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính, báo cáo giao dịch ký quỹ, giải trình thông tin… không làm khó những CTCK này.
Với các CTCK nhỏ hơn, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Tổng giám đốc CTCK Sen Vàng chia sẻ, quá trình đào thải cũng đã buộc các CTCK tự hoàn thiện mình. Theo ông Chinh, việc CTCK tuân thủ các quy chuẩn ngày càng nghiêm ngặt từ phía cơ quan quản lý không chỉ vì minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư, mà còn là cách nâng cao uy tín của chính CTCK. Vì thế, lâu nay, các CTCK nhỏ cũng tìm cách nâng cấp mình.
Riêng quy định mới về thời gian đăng ký lại tư cách thành viên, giám đốc môi giới tại một CTCK ở TP. HCM nhận định, giả sử không có quy định này thì với những khó khăn hiện tại, các CTCK cũng chưa thể ổn định để xin trở lại làm thành viên các sở. Chưa kể, số CTCK hiện tại vẫn còn rất đông. Cơ quan nhà nước vẫn nên triển khai các biện pháp siết chặt để để thanh lọc CTCK.
Các CTCK đã và sẽ còn tăng tốc chạy đua cải thiện chất lượng hoạt động, như một cách vừa để trụ lại trước các quy định mới, vừa để không bị tụt lại phía sau.