Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

ZTE sụp đổ sẽ đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên nấc thang mới?

Theo nhận định của trang CNN Money, việc hãng công nghệ ZTE sụp đổ kinh doanh ở thị trường Mỹ có thể tạo ra một làn sóng gây sốc, tác động mạnh lên cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay.

Ngày 9/5 vừa qua, nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE đã ra thông báo gây sốc, tạm dừng hoạt động kinh doanh chính của hãng sau khi Chính phủ Mỹ tháng trước cấm các công ty nước này bán linh kiện hay cung ứng dịch vụ cho ZTE.

Cuộc khủng hoảng ở ZTE đã đẩy hãng điện tử Trung Quốc vào trung tâm của cuộc chiến ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và công nghệ.

Tuyên bố ngắn gọn của ZTE gửi tới dư luận một vài chi tiết, trong đó có thông điệp rõ ràng rằng: một công ty lớn của Trung Quốc có thể ngừng hoạt động vì chính phủ Mỹ.

ZTE hiện có khoảng 75.000 nhân công, và các sản phẩm của hãng này được bán trên toàn thế giới. Đây là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ tư tại Mỹ.

ZTE đã nhiều lần chịu sự giám sát của các nhà quản lý và quan chức Mỹ do những lo ngại về các mối quan hệ của công ty này với chính phủ Trung Quốc. Cổ đông kiểm soát của ZTE là công ty thiết bị viễn thông Shenzhen Zhongxingxin Telecommunications Equipment, một công ty nhà nước Trung Quốc.

Vào năm 2012, ZTE và Huawei, một công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc, đã trở thành chủ đề của một báo cáo của Quốc hội Mỹ thể hiện sự lo ngại về an ninh mạng với các thiết bị viễn thông của hai hãng này.

Theo báo cáo, các sản phẩm viễn thông của ZTE và Huawei "không đáng tin cậy" do bị ảnh hưởng của "chính phủ nước ngoài" và do đó đặt ra một mối đe dọa an ninh với Mỹ. Cả hai công ty đã có phản ứng mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc trên.

Áp lực từ phía chính quyền Mỹ đã tăng lên trong năm nay. Vào tháng 2, các cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo người tiêu dùng nước này không nên mua điện thoại ZTE và Huawei, với lý do các sản phẩm viễn thông của hai công ty đặt ra một mối đe dọa an ninh cho các khách hàng Mỹ. 

Và đầu tháng 5 này, Lầu Năm Góc ra thông báo cấm các cửa hàng bán lẻ trong hệ thống căn cứ quân sự của Mỹ trên toàn thế giới bán điện thoại do Huawei và ZTE sản xuất, do những rủi ro an ninh.

Những hậu quả từ sự sụp đổ của ZTE

Lệnh cấm mua các linh kiện và phần mềm từ các công ty Mỹ là động thái gây thiệt hại lớn nhất đối với ZTE. Nó đe dọa sự tồn tại của công ty này song cũng sẽ làm tổn thương chính các nhà cung cấp và khách hàng ở Mỹ.

ZTE ngừng hoạt động "sẽ đánh vào mọi công ty trong mạng lưới giá trị trên toàn cầu," Charlie Dai, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu Forrester, cho biết. Ông cho biết ZTE phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài cho nhiều thành phần cốt lõi trong một sản phẩm.

ZTE mua chip từ Qualcomm, Intel và Broadcom, và các bộ phận quang học từ Maynard, Acacia, Oclaro và Lumentum cũng như mua các linh kiện khác từ những nhà cung cấp khác.

Acacia, có trụ sở tại Massachusetts, bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng ZTE. Công ty này đã bán khoảng 116 triệu USD chip và môđun cho ZTE vào năm ngoái, chiếm khoảng 30% doanh thu hàng năm. Cổ phiếu Acacia giảm hơn 30% kể từ khi Chính phủ Mỹ cấm vận ZTE.

Nếu cuộc khủng hoảng của ZTE tồi tệ hơn, nó sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến các mạng viễn thông ở châu Phi, Trung Đông và châu Âu.

Nó cũng sẽ gây ảnh hướng tiêu cực đến sự phát triển của 5G, làm chậm quá trình phát triển và áp dụng công nghệ không dây, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ ra tay cứu ZTE?

ZTE "đóng một vai trò quan trọng trong việc Trung Quốc theo đuổi việc sở hữu nhiều công nghệ tự phát triển và xây dựng mạng truyền thông tiên tiến nhất," chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu Jefferies, Edison Lee nói.

Do công ty này rất quan trọng đối với tham vọng công nghệ của Trung Quốc nên ông Lee tin rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ "làm hết sức mình" để giúp ZTE giải quyết cuộc khủng hoảng ở Mỹ.

Tin bài liên quan