Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

WB: 56% trẻ em thế giới sẽ mất đi hơn nửa thu nhập trọn đời do thiếu đầu tư đúng mức

(ĐTCK) Chỉ số Vốn nhân lực (HCI) mới của Ngân hàng Thế giới (WB) là chỉ số đo lường mức độ thiệt hại về năng suất và kinh tế khi các quốc gia đầu tư không đúng mức cho nguồn nhân lực.

HCI được công bố ngày 11/10 tại Hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, 56% tổng số trẻ em trên toàn thế giới được sinh ra hiện nay sẽ mất đi hơn nửa thu nhập trọn đời do sự thiếu đầu tư đúng mức vào nhân lực của các quốc gia nhằm đảm bảo lực lượng dân số khỏe mạnh, có trình độ và khả năng kháng cự để chuẩn bị cho thị trường lao động trong tương lai.

Vốn nhân lực, bao gồm kiến thức, kỹ năng và tình trạng sức khỏe được tích lũy qua thời gian, là yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế và giảm tỷ lệ đói nghèo bền vững ở các quốc gia trong thế kỷ 20, đặc biệt là ở khu vực Đông Á.

Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới nhận định, với nhóm người nghèo nhất, vốn nhân lực là nguồn vốn duy nhất mà họ có.

Vốn nhân lực là động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và toàn diện, nhưng hiện nay y tế và giáo dục chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Chỉ số này đưa ra mối liên hệ trực tiếp giữa việc cải thiện chất lượng y tế giáo dục với năng suất lao động và phát triển kinh tế.

"Tôi hy vọng rằng, chỉ số HCI sẽ tạo động lực để các quốc gia có hành động kịp thời, đẩy mạnh đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư cho nguồn nhân lực.

Thách thức hiện nay ngày càng lớn. Vì vậy, xây dựng vốn nhân lực có ý nghĩa rất quan trọng đối với mọi quốc gia ở mọi mức thu nhập, để có thể cạnh tranh trong nền kinh tế tương lai”, ông Kim nhận xét.

Chỉ số HCI là chỉ số đo lường lượng vốn nhân lực mà một đứa trẻ sinh ra ngày nay có thể đạt được khi trưởng thành tới 18 tuổi, với hiện trạng về y tế và giáo dục ở quốc gia mà nó sinh sống.

Chỉ số này cũng đo lường khoảng cách của mỗi quốc gia với tiềm năng một đứa trẻ được tiếp nhận y tế và giáo dục đầy đủ có thể mang lại. Các tiêu chí đo lường bao gồm:

Khả năng sống sót: Trẻ em sinh ra hiện nay có sống sót được tới tuổi đi học hay không?

Trình độ giáo dục: Trẻ em sẽ hoàn thành mức độ giáo dục nào và sẽ tiếp thu được bao nhiêu kiến thức?

Sức khỏe: Liệu các em có tốt nghiệp trong điều kiện sức khỏe tốt để sẵn sàng học tập/làm việc khi trưởng thành hay không?

Chỉ số vốn nhân lực HCI phản ảnh năng suất lao động trong tương lai của một đứa trẻ sinh ra hiện nay so với năng suất chúng có thể đạt được trong điều kiện sức khỏe tốt, có trình độ giáo dục cao, tính theo điểm số từ 0 đến 1, trong đó 1 là điểm cao nhất.

Chẳng hạn, một quốc gia đạt 0,5 điểm nghĩa là người dân của quốc gia này và cả quốc gia nói chung mới chỉ khai thác được phân nửa tiềm năng kinh tế của mình. Nếu nhân con số này với 50 năm thì tổng thiệt hại kinh tế là 1,4% tỷ lệ tăng trưởng GDP mỗi năm.

Chỉ số này cũng xếp hạng vị trí của các quốc gia tính theo năng suất của lực lượng lao động trong tương lai. Ở các quốc gia như Azerbaijan, Ecuador, Mexico và Thái Lan, trẻ em được sinh ra hiện nay sẽ có năng suất lao động cao hơn 40% trong tương lai nếu được tiếp nhận điều kiện giáo dục và y tế đầy đủ.

Ở những quốc gia như Ma-rốc, El Salvador, Tunisia hay Kenya, tỷ lệ này là trên 50%.

Trong số 157 quốc gia và vùng lãnh thổ mà HCI đo lường, có 126 quốc gia có chỉ số theo giới. Theo bộ chỉ số về giới, vốn nhân lực ở cả nam và nữ đều có khoảng cách khá xa so với tiềm năng có thể tích lũy.

Ở hầu hết các quốc gia, khoảng cách về vốn nhân lực cho cả nam và nữ so với tiềm năng vẫn lớn hơn khoảng cách giữa nam và nữ.

Các bằng chứng cho thấy có thể cải thiện được tình trạng này. Ba Lan đã tiến hành cải cách giáo dục từ năm 1990 đến năm 2015 và cải thiện đáng kể thành tích PISA dành cho các nước OECD.

Điểm PISA của Việt Nam gần đây cao hơn trung bình các nước OECD. Malawi cũng đã thành công trong việc giảm tỉ lệ thấp còi xuống gần 20% trong vòng dưới hai thập kỷ. Nhưng chỉ số vốn nhân lực cho thấy vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa.  

Chỉ số vốn nhân lực HCI thuộc khuôn khổ Dự án Vốn nhân lực của Nhóm Ngân hàng Thế giới, trong đó vốn nhân lực được xem là một động lực của tăng trưởng toàn diện.

Bên cạnh chỉ số này, Dự án Vốn nhân lực còn xây dựng chương trình đẩy mạnh nghiên cứu và đo lường vốn nhân lực, đi kèm hỗ trợ các quốc gia đẩy nhanh tiến trình cải thiện vốn nhân lực.

28 quốc gia ở nhiều khu vực và nhiều mức thu nhập khác nhau đã bày tỏ mong muốn tham gia dự án này và giao các cơ quan đầu mối làm việc với Nhóm Ngân hàng Thế giới (28 quốc gia tham gia đầu tiên bao gồm Armenia, Bhutan, Costa Rica, Egypt, Ethiopia, Georgia, Indonesia, Iraq, Jordan, Kenya, Kuwait, Lesotho, Lebanon, Malawi, Morocco, Pakistan, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Poland, Rwanda, Saudi Arabia, Senegal, Sierra Leone, Tunisia, Ukraine, United Arab Emirates, Uzbekistan) 

Các quốc gia này đang tiến hành đối thoại chính sách về cải thiện vốn nhân lực giữa các bộ ngành và xác định ưu tiên quốc gia trong việc phát triển vốn nhân lực dựa theo kế hoạch phát triển của mình.  

Chỉ số này cũng sẽ được đưa vào Báo cáo Phát triển Thế giới 2019 tới đây với chủ đề Bản chất lao động đang thay đổi, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào vốn nhân lực để chuẩn bị cho lao động trong tương lai.

Tin bài liên quan