Vũ khí bí mật của các hãng dầu

Công cụ phòng vệ (hedging) giúp một số quốc gia và doanh nghiệp vẫn bán được dầu với mức giá cao khi dầu thô toàn cầu lao dốc.
Bên ngoài nhà máy lọc dầu của Pemex ở Monterrey (Mexico). Ảnh: Reuters.

Bên ngoài nhà máy lọc dầu của Pemex ở Monterrey (Mexico). Ảnh: Reuters.

Không phải công ty nào cũng thiệt hại như nhau khi giá dầu rơi tự do. Một số công ty như Hess Corp và Cairn Energy, cùng nhiều quốc gia như Mexico đã mua bảo hiểm, dưới dạng các công cụ phòng vệ, cho các tình huống này. Dĩ nhiên, đây không phải liều thuốc chữa bách bệnh. Nó rất phức tạp và đắt đỏ, nhưng với một số người, đây vẫn là chiến lược có lợi trong ngắn hạn.

Các hợp đồng phòng vệ cố định mức giá và số lượng dầu mà một công ty muốn bán trong một khoảng thời gian nào đó, có thể trong vòng 3 năm kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Nếu giá thị trường rơi xuống dưới giá thực thi trong hợp đồng, ngân hàng hoặc bên còn lại trong thỏa thuận sẽ bù đắp phần chênh lệch.

Đây là một cuộc đặt cược đầy rủi ro. Vì bên muốn phòng vệ phải trả phí để bảo vệ giá khỏi biến động thị trường. Nếu giá tăng, họ có thể mất số tiền đó.

Khi các nước OPEC và đồng minh đàm phán thỏa thuận cắt giảm sản xuất dầu đầu tháng này, Mexico là nước duy nhất phản đối mức giảm 10 triệu thùng một ngày. Sau đó, OPEC+ thỏa thuận lại xuống 9,7 triệu thùng, Mexico được giảm quota về hạ sản lượng và Mỹ cũng cam kết giúp nước này giảm sản xuất.

Không như các nước khác trong cuộc đàm phán, Mexico đã hưởng lợi kha khá từ cuộc khủng hoảng giá dầu.

Giá dầu Brent hiện giao dịch quanh 20,97 USD một thùng, giảm 2,2%. Dầu WTI giảm về 15,45 USD một thùng. Đầu tuần trước, WTI giao tháng 5 còn xuống âm 37,63 USD.

Mexico từ trước đó đã phòng vệ bằng các hợp đồng quyền chọn bán giá dầu ở mức 49 USD một thùng. Họ đã thực hiện hoạt động này từ thập niên 90, giúp ngân sách chính phủ không chịu tác động nhiều từ các biến động trên thị trường hàng hóa. Chính phủ Mexico tốn khoảng 1 tỷ USD một năm để mua các hợp đồng quyền chọn từ các ngân hàng hay hãng dầu.

Tuần trước, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết hoạt động này có thể giúp họ thu về 6,2 tỷ USD lợi nhuận. "Chúng tôi đã bảo vệ Bộ Tài chính. Chúng tôi sẽ không mất tiền vì giá dầu giảm", ông nói.

Vài năm gần đây, Iraq và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng cân nhắc phòng vệ, nhưng đã bỏ qua sau khi xét đến tính phức tạp và chi phí của giao dịch. Họ cũng nghe theo các dự báo rằng giá dầu sẽ tăng ổn định, WSJ trích lời các quan chức hai nước này cho biết.

Hoạt động này cũng phổ biến tại nhiều hãng sản xuất dầu độc lập tại Bắc Mỹ. Các công ty này không có bộ đệm tài chính tốt như các hãng dầu lớn. Họ thường phải trông chờ giá dầu tăng để tiếp tục sản xuất.

Theo IHS Markit, một phần ba các hãng thăm dò và khai thác dầu tại Bắc Mỹ được bảo vệ với mức giá bán 52 USD một thùng. Hess Corp cho biết họ phòng vệ khoảng 80% sản lượng dầu WTI ở giá 55 USD một thùng. Điều này có nghĩa họ sẽ kiếm lời với phần lớn số dầu dự định bán ra năm nay, đồng thời có vốn đầu tư vào dự án Guyana của Exxon Mobil.

CEO John Hess hồi giữa tháng 3 cho biết nhờ chương trình phòng vệ, giảm chi tiêu và một khoản vay mới, "công ty có vị thế tốt trong môi trường giá thấp hiện tại". "Mục tiêu của chúng tôi là bảo toàn tiền mặt và cơ hội đầu tư đẳng cấp thế giới trong dự án Guyana".

Laredo Petroleum tại Oklahoma và SM Energy tại Denver cũng phòng vệ giá WTI ở mức 59 USD và 58 USD một thùng. Antero Resources mua bảo hiểm cho hầu hết sản lượng, và gần đây cho biết đã cắt giảm 13% chi tiêu.

Southwestern Energy tại Texas cũng có hoạt động này và dự báo sản xuất sẽ tăng 25% năm nay. Ở Biển Bắc, Cairn Energy khẳng định sẽ duy trì sản xuất sau khi phòng vệ ở mức 62 USD một thùng.

Dù vậy, các công ty giờ mới muốn giảm thiểu thiệt hại từ giá dầu lao dốc sẽ gần như không thể phòng vệ. "Tình hình thị trường thay đổi và biến động ngày càng lớn khiến việc phòng vệ từ nay đến cuối năm rất khó khăn", IHS nhận định.

Tin bài liên quan