Ảnh Internet

Ảnh Internet

Với Phố Wall, “nước Mỹ trên hết” chỉ là khẩu hiệu

(ĐTCK) Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố: “Kể từ ngày hôm nay, sẽ chỉ có ưu tiên cao nhất là nước Mỹ, nước Mỹ trên hết”. Không ít người tin rằng, các công ty lớn của Mỹ sẽ quay trở lại, đổ tiền kinh doanh để xây dựng một môi trường “nước Mỹ trên hết” này. Tuy nhiên, điều đó hóa ra không hoàn toàn chính xác, ít nhất trên thị trường chứng khoán Phố Wall.

Thực tế cho thấy, giá trị cổ phiếu của các công ty Mỹ có doanh số bán chủ yếu tập trung tại thị trường trong nước thấp hơn so với những doanh nghiệp có nguồn thu chủ yếu từ các thị trường bên ngoài. Nói cách khác, các công ty toàn cầu hóa có màn trình diễn vượt trội so với các công ty chỉ chú trọng phát triển thị trường nội địa.

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn nghiên cứu thị trường đầu tư Bespoke Investment Group, có 113 công ty niêm yết trên chỉ số chứng khoán Standard & Poor’s 500 sở hữu ít nhất 50% doanh số bán của họ bên ngoài nước Mỹ.

Lượng vốn hóa và tài sản của họ phụ thuộc rất lớn vào các xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu.

Đáng chú ý, nhiều tên tuổi trong số các công ty này như Apple, Microsoft, IBM, Pfizer, General Electric hay Exxon Mobil, đang sở hữu hàng tỷ USD vốn đầu tư ở nước ngoài. 

Ở chiều ngược lại, có 161 công ty niêm yết trên chỉ số S&P 500 sở hữu ít nhất 90% doanh số bán của họ tại Mỹ, như Tập đoàn bán lẻ Macy’s, Nordstrom và Target, các công ty năng lượng và khí đốt như Southwestern Energy, Range Resources và Pioneer Natural…

Trong bối cảnh đó, tài sản của các doanh nghiệp này phụ thuộc chủ yếu vào các sự kiện và chính sách kinh tế nội tại của nước Mỹ.

Dù mỗi loại cổ phiếu đều có đặc điểm và câu chuyện riêng, song Paul Hickey, nhà sáng lập Bespoke Investment Group đã chỉ ra một nét riêng trong dữ liệu tổng thể.

Cụ thể, kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016 cho đến ngày 16/5/2017, cổ phiếu của các công ty Mỹ hoạt động trên quy mô quốc tế ghi nhận mức tăng trung bình 13,56%, so với chỉ 8,15% của nhóm các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu tại nội địa.

Mức chênh lệch giá trị trong giai đoạn 6 tháng trên được coi là rất lớn, thậm chí còn lớn hơn nếu không bỏ qua tiêu chí vốn hóa thị trường giữa 2 nhóm công ty này, đặc biệt từ các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google) hay Microsoft.

Vậy vì sao nhóm các công ty có khuynh hướng hoạt động trong môi trường quốc tế hóa lại có màn trình diễn xuất sắc hơn?

Nguyên nhân đầu tiên được giới phân tích chỉ ra là hiệu ứng “hứng khởi” trên các thị trường tài chính từ chính sách của ông Trump đã nhạt dần.

“Sự lạc quan đã xuất hiện trên các thị trường về chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nó không thể duy trì được lâu khi các dấu hiệu tích cực suy giảm”, ông Hickey đánh giá.

Nhóm các doanh nghiệp theo khuynh hướng “Nước Mỹ trên hết” chỉ duy trì được lợi thế trên thị trường chứng khoán cho tới giữa tháng 3/2017 và sau đó, nhóm doanh nghiệp “quốc tế hóa” lấy lại vị thế và duy trì đà dẫn trước vốn có.

Không chỉ thị trường chứng khoán chứng kiến xu hướng này, mà sự dịch chuyển cũng diễn ra trên thị trường tiền tệ, khi đồng USD tăng giá mạnh sau chiến thắng bất ngờ của ông Trump, thì nay đã bắt đầu yếu đi so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.

Thứ hai, sau hơn 100 ngày cầm quyền, chính quyền Donald Trump vẫn chưa thực sự theo đuổi quyết liệt việc thay đổi mô hình thương mại quốc tế như tuyên bố trước đó.

Bản thân ông Trump từng tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc liên quan tới chính sách xuất khẩu, hay thẳng thắn gọi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là nước “thao túng tiền tệ”, thì nay thái độ của Trump với Trung Quốc đã thay đổi bước ngoặt. Thậm chí, hai nước còn đang tiến tới những thỏa thuận mới có thể giúp thúc đẩy thương mại song phương. Điều này sẽ càng có lợi cho triển vọng của các công ty toàn cầu hóa của Mỹ.

Việc Tổng thống Donald Trump quyết định cử một phái đoàn tới Bắc Kinh tham dự Diễn đàn Con đường tơ lụa mới đây tại Trung Quốc, còn gọi là sáng kiến “Vành đai và con đường”, càng củng cố quan điểm đẩy mạnh thương mại quốc tế của các doanh nghiệp có khuynh hướng “hướng ngoại” tại Mỹ.

Thứ ba, nhóm các công ty toàn cầu hóa còn được giúp sức từ những tín hiệu cải thiện kinh tế tại châu Âu và màn trình diễn mạnh mẽ của các thị trường chứng khoán toàn cầu.

Ngược lại, các doanh nghiệp “nước Mỹ trên hết” đang phải đối mặt với những rắc rối chính trị trong nước như việc Quốc hội Mỹ chưa thông qua nhiều chính sách mà Tổng thống theo đuổi…

Tóm lại, giới phân tích cho rằng, “nước Mỹ trên hết” có thể chỉ là khẩu hiệu của chính quyền Donald Trump, song điều quan trọng nhất là thị trường chứng khoán đến nay không chịu sự chi phối của nó và vẫn vận động theo xu hướng độc lập.

Tin bài liên quan