Ảnh AFP

Ảnh AFP

Virus Vũ Hán nhấn chìm chứng khoán toàn cầu

(ĐTCK) Nhận hàng loạt thông tin xấu, chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch thứ Ba (21/1).

Sau khi nghỉ lễ ngày 20/1 – ngày sinh nhật Martin Luther King, Jr, phố Wall trở lại trong phiên thứ Ba với hàng loạt thông tin xấu.

Đầu tiên là việc Moody’s hạ tín nhiệm đối với nền kinh tế Hồng Kông sau khủng hoảng biểu tình tại đặc khu này. Tiếp đến, việc Mỹ phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus viêm phổi lạ corona (nCoV) xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) gây lo lắng cho người dân Mỹ nói chung và giới đầu tư phố Wall nói riêng. Virus này đã giết chết 6 người tại Trung Quốc và đang lây lan ra một số nước khác, trong đó có Mỹ.

Việc virus này bùng phát trong dịp Tết Nguyên đán của Trung Quốc đã đánh mạnh vào nhóm cổ phiếu du lịch, hàng không.

Chưa dừng lại ở đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại đưa ra dự báo cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự suy sụp mạnh hơn dự kiến của Ấn Độ.

Kết thúc phiên 21/1, chỉ số Dow Jones giảm 152,06 điểm (-0,52%), xuống 29.196,04 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,83 điểm (-0,27%), xuống 3.320,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 18,14 điểm (-0,19%), xuống 9.370,81 điểm.

Virus nConv cũng khiến giới đầu tư châu Âu hoảng loạn khi nghĩ về cuộc khủng hoảng dịch SARS năm 2003 khiến gần 800 người chết và dẫn đến kinh tế Hồng Kông suy thoái.

Tuy nhiên, đà giảm của chứng khoán châu Âu được hãm lại, trong đó chứng khoán Đức hồi phục nhẹ nhờ thông tin về cải thiện thương mại giữa 2 bờ Đại Tây Dương.

Kết thúc phiên 21/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 40,74 điểm (-0,53%), xuống 7.610,70 điểm. Chỉ số DAX tăng 6,93 điểm (+0,05%), lên 13.555,87 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 32,54 điểm (-0,54%), xuống 6.045,99 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Hồng Kông xuống mức AA2 khiến chứng khoán khu vực chìm trong sắc đỏ, trong đó chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông lao dốc mất gần 3%. Các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến của Trung Quốc cũng sụt giảm hơn 1%.

Bên cạnh đó, việc virus viêm phổi lạ ở Vũ Hán bắt đầu lây lan rộng cũng khiến giới đầu tư hoảng sợ.

Kết thúc phiên 21/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 218,95 điểm (-0,91%), xuống 23.864,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 43,65 điểm (-1,44%), xuống 3.052,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 810,58 điểm (-2,81%), xuống 27.985,33 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 22,95 điểm (-1,01%), xuống 2.239,69 điểm.

Bất chấp nhiều thông tin gây lo sợ cho nhà đầu tư khiến các tài sản rủi ro như chứng khoán sụt giảm mạnh, nhưng giá vàng lại không thể bứt lên khi chỉ hồi nhẹ để thoát khỏi phiên điều chỉnh.

Kết thúc phiên 21/1, giá vàng giao tăng 1,1 USD (0,07%), lên 1.557,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 1,3 USD (+0,08%), lên 1.557,9 USD/ounce.

Cũng giống chứng khoán, thông tin về việc virus nCoV lây lan khiến giới đầu tư lo ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế, đầu tiên ảnh hưởng tới ngành du lịch và kinh tế châu Á, xấu hơn có thể khiến cuộc suy thoái như đại dịch SARS năm 2003 khiến giá dầu sụt giảm.

Kết thúc phiên 21/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,20 USD (-0,34%), xuống 58,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,26 USD (-0,40%), xuống 64,59 USD/thùng.

Tin bài liên quan