Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế

Chia sẻ của đại sứ các nước tại Việt Nam về mối quan hệ song phương, cũng như vai trò, vị trí của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương. 
Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế

Một năm thành công cả về kinh tế và chính trị

Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế ảnh 1

Bà Jutta Frasch,Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam

Việt Nam có thể nhìn lại một năm 2013 rất thành công cả trong kinh tế cũng như về chính trị. Các bạn đã đạt được những tiến bộ đáng kể cả trong việc cải thiện sự ổn định vĩ mô và sự hấp dẫn của nền kinh tế, với mức tăng trưởng thuộc hàng cao nhất trong khu vực, lạm phát được giữ ở mức vừa phải, thặng dư thương mại đạt mức 900 triệu USD.

Việt Nam cũng đã rất thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều đó cho thấy, Việt Nam đã thành công trong việc cải thiện các điều kiện, khuôn khổ chính sách thu hút đầu tư cần thiết. Các nhà đầu tư Đức đánh giá cao và tôn vinh những nỗ lực này của Chính phủ Việt Nam. 

Trong tháng 11/2014, Hội nghị Doanh nghiệp Đức khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14 sẽ diễn ra tại TP.HCM. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có hơn 750 đại diện cấp cao tới từ các doanh nghiệp Đức, cũng như các chính khách và nhiều khách mời khác đến từ 25 nước trong khu vực tham dự sự kiện này. Hội nghị sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược mà các doanh nghiệp Đức hướng tới Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để tăng cường quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Đức, mở đường cho các khoản đầu tư mới của Đức tại Việt Nam.

Sau khi Đức thành lập chính phủ mới vào tháng 12/2013, chúng tôi hy vọng, năm 2014 sẽ có thêm nhiều chuyến thăm chính trị cấp cao giữa Đức và Việt Nam. Với sự kết nối dựa trên nền tảng quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước, bộ máy Chính phủ mới của Đức cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam vì lợi ích của cả hai nước.

Khẳng định tính chất sâu sắctrong quan hệ Nga - Việt

Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế ảnh 2

Ông Andrey G.Kovtun,Đại sứ Nga tại Việt Nam

Năm 2013 chứng kiến sự phát triển năng động của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga thông qua một loạt cuộc trao đổi đoàn cấp cao quan trọng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Nga V.Putin. Các chuyến thăm một lần nữa khẳng định tính chất sâu sắc trong mối quan hệ giữa hai nước, quyết tâm của cả hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Năm 2014 sẽ là năm quan trọng trên con đường tiến tới mục tiêu lớn, đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020.

Trong năm 2013, hai bên đã tiến hành 4 vòng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga-Kazahkstan-Belarus). Khi được ký kết, văn bản này không chỉ khuyến khích tăng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương, mà còn góp phần phát triển thương mại dịch vụ, tăng cường đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Tổ công tác cấp cao Nga - Việt về các dự án đầu tư ưu tiên cũng đã được thành lập, hoạt động song song với tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại song phương và nhằm mục đích chính là gia tăng về chất các khoản đầu tư của Nga vào Việt Nam. Kết quả đầu tiên là thỏa thuận được danh sách sơ bộ gồm 12 dự án đầu tư, có tổng trị giá khoảng 20 tỷ USD.

Hướng quan trọng nhất của sự hợp tác Việt - Nga là tạo ra năng lượng hạt nhân tại Việt Nam. Hiện nay, Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã đi đến giai đoạn kết thúc công tác chuẩn bị luận chứng kinh tế kỹ thuật. Hai bên đang tiếp tục triển khai Dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam quy mô hàng đầu Đông Nam Á.

Việc cung cấp dài hạn cho Việt Nam khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga không đơn giản là việc mua bán nguyên liệu, mà hướng tới xây dựng cho Việt Nam hạ tầng công nghệ cao trong ngành khí hóa lỏng.

Ngoài ra, còn có các hợp tác quan trọng trong lĩnh vực công nghệ hướng tới tầm chiến lược, cũng như trong giáo dục, đào tạo, nổi bật là thành lập Đại học Công nghệ Việt - Nga với quy mô khu vực.

Tôi hy vọng, những hướng đi tích cực hiện có trong mối quan hệ giữa hai nước sẽ được tiếp tục nỗ lực ủng hộ và phát triển trong năm 2014 và các năm tiếp theo.

Thụy Điển kỳ vọng vào sự phát triển của Việt Nam

Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế ảnh 3

Bà Camilla Mellander,Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam

Tôi vui mừng nhận thấy rằng, Việt Nam và EU đang trong giai đoạn cuối cùng của tiến trình đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do (FTA ). EU đã và đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và trao đổi thương mại sẽ tiếp tục tăng nếu FTA được hoàn tất.

Tôi cũng thấy thật thú vị khi quan sát những đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và vai trò quan trọng của Việt Nam khi nắm giữ cương vị điều phối viên của ASEAN trong quan hệ với EU.

Trong khuôn khổ quan hệ ngoại giao song phương  Thụy Điển - Việt Nam, năm 2013 đã chứng kiến nhiều chuyến thăm cấp cao giữa Thụy Điển và Việt Nam, giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị và thương mại với Việt Nam. Chúng tôi cũng ghi nhận mối quan tâm ngày càng gia tăng từ các doanh nghiệp Thụy Điển muốn đầu tư hoặc kinh doanh ở đây, thông qua hàng loạt chuyến công du thành công của các đoàn doanh nghiệp của Thụy Điển từ cả Thụy Điển và khu vực đến Việt Nam trong năm qua.

Hướng tới tương lai, tôi chân thành hy vọng rằng, nền kinh tế của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2014 với mũi nhọn là công nghệ cao và các sản phẩm mang giá trị gia tăng. Chúng tôi tin rằng, Thụy Điển có thể có những đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam bằng cách tăng cường thương mại và trao đổi công nghệ. Các lĩnh vực được xác định mang lại lợi ích cho cả hai bên bao gồm dịch vụ y tế, công nghệ sạch, công nghệ thông tin - truyền thông và giao thông - vận tải, tất cả đều phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam.

Trong lĩnh vực chính trị, trong năm 2013, Việt Nam đã có quyết định mang tính bước ngoặt để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc và lần đầu tiên được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016.

Điều này mang lại sự kỳ vọng cao hơn từ phía Thụy Điển và cộng đồng quốc tế về việc Việt Nam thể hiện những cam kết đối với các quyền con người liên quan đến các vấn đề có tầm quan trọng then chốt cho sự phát triển của Việt Nam.

Năm 2014 đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Thụy Điển - Việt Nam. Sự kiện này sẽ được tổ chức trong suốt cả năm và chúng tôi đang có kế hoạch tổ chức các hoạt động vào tất cả các tháng, không chỉ về các chủ đề liên quan đến kinh doanh, mà còn về văn hóa, âm nhạc, phim ảnh, nghệ thuật, thiết kế, giáo dục hương tới các khán giả Việt Nam

Việt Nam thể hiện là đối tác tích cực và có trách nhiệm

Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế ảnh 4

Ông Ng Teck Hean, Đại sứ Singapore tại Việt Nam

Tôi xin chúc mừng Việt Nam vì một năm 2013 thành công trong hoạt động ngoại giao quốc tế mà đất nước các bạn đã đạt được. Với các cam kết mạnh mẽ để thúc đẩy hội nhập quốc tế, Việt Nam đã chứng minh là một thành viên tích cực và đầy tiềm năng của cộng đồng quốc tế.

Những ví dụ để minh chứng cho điều này được thể hiện qua việc Việt Nam được bầu vào các tổ chức quan trọng của Liên hiệp quốc như Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Kinh tế và Xã hội (2016-2018), cũng như việc Việt Nam là ứng cử viên cho ghế ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021).

Sự tham gia trong thời gian tới của Việt Nam vào các hoạt động bảo vệ hòa bình của Liên hiệp quốc cũng sẽ ngày càng củng cố những đóng góp của Việt Nam vào công cuộc gìn giữ an ninh và hòa bình quốc tế.

Việt Nam cũng là một thành viên tích cực của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và Việt Nam cũng chủ động trong việc thúc đẩy các hoạt động hội nhập kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cơ chế Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực và Hiệp định Thương mại tự do với EU.

Tôi tin tưởng rằng, khi Việt Nam tiếp tục đi theo con đường hội nhập này thì đất nước các bạn sẽ tiếp tục phát triển với các năng lực tiềm tàng hơn nữa, và có được các cơ hội mới để phát triển và lớn mạnh.

Song song với đó, năm 2013 cũng là một dấu mốc vô cùng quan trọng trong quan hệ giữa Singapore và Việt Nam. Hai nước đã kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao bằng cách nâng quan hệ lên thành Đối tác chiến lược. Quan hệ này đã được công bố trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Việt Nam năm 2013. Hai nước đã cùng tổ chức một loạt sự kiện kỷ niệm, như Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Singapore vào tháng 4, cùng phát hành một bộ tem chung đặc biệt Việt Nam - Singapore, Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Dàn nhạc Trung ương các lực lượng vũ trang Singapore cũng đã cùng tổ chức buổi biểu diễn công cộng vào tháng 9/2013.

Từ đó đến nay, chính phủ của hai nước sát cánh làm việc để tiếp tục phát triển các hợp tác hiện nay và tìm kiếm thêm những lĩnh vực hợp tác mới thích hợp với vị thế đối tác mới, để củng cố các quan hệ song phương của hai nước.

Tôi tin tưởng rằng, năm 2014 tiếp tục là năm tích cực cho các hoạt động của hai nước qua các chuyến thăm thường xuyên, thúc đẩy quan hệ kinh tế cũng như các quan hệ giữa nhân dân hai nước.

Tin bài liên quan