Vì sao hàng trăm chuyến bay vẫn cất cánh từ các vùng dịch tại Mỹ?

Dịch Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng tại Mỹ, nhưng mỗi ngày vẫn có khoảng 550 chuyến bay cất cánh từ các vùng tâm dịch như New York và New Jersey.
Mỗi ngày vẫn có hàng trăm chuyến bay cất cánh từ các vùng dịch tại Mỹ. Ảnh: USA Today.

Mỗi ngày vẫn có hàng trăm chuyến bay cất cánh từ các vùng dịch tại Mỹ. Ảnh: USA Today.

Theo CNBC, ngày 1/4 Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Nhà Trắng đang xem xét cắt giảm số chuyến bay và tàu hỏa giữa các "điểm nóng" dịch Covid-19 tại nước này.

Ông Trump cho biết sẽ không ngừng hoàn toàn mọi chuyến bay nội địa và chính quyền sẽ sớm công bố quyết định. Hiện, tâm dịch Covid-19 lớn nhất ở Mỹ là thành phố New York. Các thành phố New Orleans, Seattle và Detroit cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Trên thực tế, tuần trước chính quyền bang Florida đã ra lệnh buộc hành khách bay từ New York, New Jersey và Connecticut phải cách ly 14 ngày sau khi hạ cánh. Thống đốc Texas Greg Abbott cũng đưa ra hạn chế tương tự với hành khách đến từ New York, Connecticut, New Jersey và New Orleans.

USA Today cho biết hồi cuối tuần trước, Hạ nghị sĩ Mỹ Grrace Meng đăng lên Twitter ảnh selfie trên máy bay American Airlines từ New York tới Washington DC để bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ 2.000 tỷ USD.

Một trong những bình luận đầu tiên bà nhận được không phải là câu hỏi về gói cứu trợ khổng lồ, mà về việc bay trong đại dịch. "Tại sao các hãng hàng không vẫn duy trì dịch vụ như trước phong tỏa", một người hỏi. "Tái sao không hạn chế hoàn toàn các chuyến bay?".

Rất nhiều người tại Mỹ cũng đưa ra câu hỏi này trong thời điểm ở Mỹ đã có tới hơn 216.500 ca nhiễm virus corona chủng mới, bao gồm hơn 5.100 trường hợp thiệt mạng, và New York trở thành "tâm chấn".

Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) đề nghị người dân New York, New Jersey và Connecticut hạn chế đi lại bằng đường hàng không để ngăn virus lây lan.

Tuy nhiên, các sân bay Mỹ vẫn mở cửa. Ước tính hơn 550 chuyến bay cất cánh từ các sân bay LaGuardia, John F. Kennedy (New York) và Newark (New Jersey) trong ngày 28/3, theo FlightAware.

Trên thực tế, không chỉ các hành khách đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus khi đi máy bay. Một số nhân viên Cục An ninh Giao thông, nhân viên kiểm soát không lưu và tiếp viên hàng không ở Mỹ đã dương tính với virus corona. Tuần trước, một tiếp viên American Airlines 65 tuổi qua đời.

Dù vậy, các hãng hàng không và chuyên gia y tế khẳng định hàng không là dịch vụ trọng yếu và cần được duy trì trong thời kỳ dịch bệnh. Gói kích thích 2.000 tỷ USD của chính phủ Mỹ bao gồm điều khoản hỗ trợ 50 tỷ USD với điều kiện các hãng bay phải duy trì dịch vụ tối thiểu cho tới tháng 9.

USA Today dẫn lời chuyên gia bệnh truyền nhiễm Greg Poland thuộc Tổ chức Nghiên cứu Vaccine Mayo giải thích: "Mọi người vẫn phải đến siêu thị và một số vẫn phải bay. Chúng ta không đóng cửa Walmart hay các cửa hàng tiện lợi. Sân bay cũng vậy, nhưng chúng ta thiết lập các hàng rào bảo vệ".

Các hãng hàng không Mỹ cũng như quốc tế đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn virus như khử trùng máy bay, giảm dịch vụ khoang hành khách, bố trí hành khách ngồi cách xa nhau hơn...

Mới đây, CEO Gary Kelly của hãng hàng không Southwest Airlines cho biết hãng sẽ tiết kiệm được tiền nếu ngừng bay, nhưng không có ý định làm điều đó. "Chúng tôi đảm bảo đất nước tiếp tục mở cửa và hoạt động", ông nhấn mạnh.

Tin bài liên quan