Hiện tại, cần thận trọng khi đầu tư vàng

Hiện tại, cần thận trọng khi đầu tư vàng

Vàng chịu sức ép trước khả năng Fed tăng lãi suất

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực đang củng cố thêm kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản USD trong tháng cuối cùng của năm, giúp “đồng bạc xanh” liên tiếp tăng giá thời gian qua, từ đó tạo sức ép lớn lên giá vàng. Nhận định từ các chuyên gia, nhà đầu tư trong nước cần hết sức thận trọng khi đầu tư vào kim loại quý này ở thời điểm hiện tại.

Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 tới?

Theo số liệu do Bộ Lao động Mỹ vừa công bố đầu tháng 11/2017,  tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 10 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 17 năm, đạt 4,1%.

Theo giới quan sát, tăng trưởng việc làm tích cực trở lại trong tháng 10/2017 đã củng cố thêm kỳ vọng sẽ tăng lãi suất USD trong tháng 12 tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Hãng tin Reuters cho biết, loạt số liệu khả quan kinh tế Mỹ công bố gần đây khiến giới đầu tư gần như tin chắc Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm 2017.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ đã chỉ định ông Jerome Powell cho vị trí Chủ tịch Fed nhiệm kỳ tới sau cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều tháng qua. Nếu được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, ông Jerome Powell sẽ thay thế bà Janet Yellen khi bà hết nhiệm kỳ vào tháng 2/2018.

Tuy ông Powell được đánh giá là người có quan điểm khá giống với bà Yellen, có nghĩa là ôn hòa hơn trong vấn đề tăng lãi suất, nhưng giới phân tích cho rằng, khả năng tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới là kế hoạch đã được vạch sẵn.

Trước đó, Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng đưa ra dự báo, lần tăng lãi suất tiếp theo của Fed nhiều khả năng sẽ diễn ra vào tháng 12 tới, vì nếu muốn thắt chặt chính sách tiền tệ, Fed khó có khả năng áp dụng đồng thời vừa tăng lãi suất, vừa giảm khối lượng trái phiếu nắm giữ.

Thận trọng với vàng

Đầu phiên giao dịch ngày 9/11 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) bất ngờ giảm về 94,86 điểm, từ mức đỉnh 95,1 điểm của phiên 8/11.

Trước đó, với kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng cuối năm và tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm 2018 sau các số liệu kinh tế khả quan của Mỹ, đồng USD đã liên tục tăng và tạo đỉnh trong ngày 8/11.

Giới quan sát cho rằng, chính việc đồng bạc xanh liên tiếp leo cao đã kìm hãm đà tăng của giá vàng trong thời điểm hiện tại. Thực tế, trong tuần đầu tháng 11, giá vàng thế giới đã giảm tổng cộng 35,75 USD/ounce so với mức đỉnh 1.305,15 USD/ounce ngày 13/10, tương đương giảm 980.000 đồng/lượng.

Ngoài sức ép tăng giá của đồng bạc xanh, việc các nhà đầu tư lớn đã bán ra lượng lớn vàng cũng tạo sức ép lên giá kim loại quý này. Đơn cử, trong ngày 7/11, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bán 1,19 tấn vàng, giảm lượng sở hữu xuống 844,27 tấn, trị giá hơn 34,6 tỷ USD.

Theo đó, mở cửa phiên giao dịch ngày 8/11, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á tiếp tục giảm xuống mức 1.276,4 USD/ounce, tương ứng giảm 0,2% so với phiên 7/11 (1.279,8 USD/ounce).

Tuy nhiên, với việc giảm giá bất ngờ của USD, giá vàng đã bật tăng trở lại. Tới đầu giờ sáng 9/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.280 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.282 USD/ounce.

Nhận định được đưa ra từ Ngân hàng OCBC của Siggapore, giá vàng sẽ ở mức trên 1.270 usd/ounce trong tuần tới và sau khi Fed họp vào tháng 12, với khả năng lãi suất cơ bản của đồng đô-la Mỹ sẽ được tăng một lần nữa, giá vàng có thể giảm về 1.250 usd/ounce vào cuối năm nay.

Theo các chuyên gia tài chính, sự phức tạp của tình hình địa chính trị hiện nay đang khiến giá vàng diễn biến khá khó lường, nên nhà đầu tư trong nước cần thận trọng khi rót vốn vào kim loại quý này, vì thực tế, giá vàng trong nước có nhiều thời điểm giao dịch trái chiều với thế giới. Mặt khác, vàng cũng đang được các nhà đầu tư quan tâm với vai trò là tài sản trú ẩn an toàn khi khủng hoảng chính trị ở Saudi Arabia đang diễn ra.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) đánh giá, giá vàng giảm là cơ hội để mua vào, nhưng nên cẩn trọng. Bởi thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường vàng thế giới khi Việt Nam đã đóng cửa xuất, nhập khẩu vàng nên khó ghi nhận những giao dịch nổi trội.

“Đặc biệt, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn đang ở mức cao, khoảng 3 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều rủi ro nếu cơ quan quản lý có những biện pháp đưa giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo ông Hải, sở dĩ giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới là do sức cầu thị trường tăng, trong khi nguồn cung vàng miếng thương hiệu SJC có hạn kể từ sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng được ban hành.

“Một khi nguồn cung được hỗ trợ, sự chênh lệch này ắt sẽ được thu hẹp”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, về nguyên lý thị trường, một khi Fed tăng lãi suất, sức khỏe của đồng USD sẽ tăng lên, khiến cho giá vàng giảm. Thế nhưng, điều đó cũng không loại trừ tình huống cả USD và vàng cùng tăng, dù điều này rất khi diễn ra vì vàng được định giá bằng USD.

Tập đoàn Doji cho rằng, diễn biễn tăng giảm trong biên độ hẹp của giá vàng thế giới, kết hợp sự suy yếu từ nguồn cung-cầu trong nước, vàng miếng SJC chưa tạo được dấu ấn cho nhà đầu tư. Thực tế thị trường vàng trong nước cho thấy, kim loại quý này trụ vững quanh ngưỡng 36,5 triệu đồng/lượng và tịnh tiến tăng dần, trái ngược với diễn biến giảm nhẹ của giá vàng thế giới trong thời gian qua.

Trong khi đó, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, số lượng giao dịch vàng phát sinh những phiên vừa qua khá khiêm tốn, chủ yếu là khách hàng nhỏ lẻ.

“Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường, chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn của vàng”, một chuyên gia khuyến nghị.         

Tin bài liên quan