Ukraine gặp khó trong quá trình tái cơ cấu nợ

Ukraine gặp khó trong quá trình tái cơ cấu nợ

(ĐTCK) Cho dù cuộc xung đột đang tiếp diễn tại miền Đông Ukraine vẫn thu hút sự chú ý của thế giới, điều quan trọng nhất với tương lai của nước này chính là quá trình cải cách và chuyển đổi chưa từng có tiền lệ đang được chính quyền Kiev triển khai, trong bối cảnh quốc gia này phải tìm cách thoát khỏi những khó khăn kinh tế trong nước và đặt nền móng cho tăng trưởng trong dài hạn.

Mới đây, Ban giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Mỹ, đã thông qua giải ngân khoản hỗ trợ tài chính tiếp theo trị giá 1,7 tỷ USD cho Kiev, sau khi quốc gia này đánh dấu gần một năm rưỡi theo đuổi chương trình cải cách theo khuyến nghị của IMF. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rằng, tình hình nợ công của Ukraine dù ổn định nhưng đang đứng trước rủi ro rất cao do tình hình bất ổn ở khu vực miền Đông chưa kết thúc. 

Trong báo cáo của mình, IMF đánh giá Chính phủ Ukraine đã thực hiện nhiều cải cách theo yêu cầu và đưa nền kinh tế bước đầu trở lại ổn định. Tuy vậy, mức độ rủi ro về nợ công của Ukraine  vẫn rất cao do tình hình bất ổn kéo dài hơn một năm qua tại khu vực miền Đông vẫn tiếp diễn.    

IMF nhận định, nợ công của Ukraine có thể tăng lên mức 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2015. Triển vọng kinh tế Ukraine sẽ không mấy khả quan khi quốc gia này vẫn đang loay hoay với việc thảo luận kế hoạch tái cấu trúc các khoản nợ và nhu cầu tái cấp vốn cho các ngân hàng lớn hơn nhiều so với dự kiến.   

Cụ thể, các cuộc đàm phán nhằm tái cơ cấu khoản nợ nước ngoài trị giá 23 tỷ USD của Ukraine đã kéo dài hơn 4 tháng nhưng chưa thể đi tới hồi kết. Trong nỗ lực mới nhất, hôm 4/8 vừa qua, Bộ Tài chính Ukraine đã đưa ra một đề xuất mới cho nhóm chủ nợ nhưng không được chấp thuận.

Do ngân khố gần như trống rỗng và chính quyền đang phải dành nguồn tài chính cho chiến dịch quân sự tại miền Đông, nên Ukraine đã đưa ra đề xuất được giãn nợ, giảm lãi suất và cắt giảm 40% số tiền phải trả. Tuy nhiên, các chủ nợ không đồng ý với đề xuất trên và chỉ chấp nhận cắt giảm cho Ukraine 5 - 10%, kèm theo các điều khoản rất khắc nghiệt.

Giới phân tích nhận định, Ukraine đang đối mặt với những khó khăn tài chính rất lớn và có nguy cơ bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ do hậu quả của nhiều năm quản lý kinh tế yếu kém, tham nhũng và xung đột với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông. Theo kế hoạch, quốc gia Đông Âu này sẽ phải thanh toán số trái phiếu châu Âu có tổng trị giá hơn 500 triệu USD đáo hạn vào ngày 23/9 tới.

Trước đó, Kiev cảnh báo sẽ không thanh toán nợ trái phiếu nếu không đạt được thỏa thuận với 4 chủ nợ, đều là các tập đoàn tài chính Mỹ và đang nắm tới 2/3 tổng số nợ nước ngoài của Ukraine.

Các chuyên gia khuyến nghị, con đường tới thành công trong quá trình cải cách kinh tế và tái cơ cấu nợ của Ukraine cần nhiều sự kiên nhẫn và nỗ lực. Ukraine cũng cần khẩn trương cải thiện môi trường đầu tư, củng cố khả năng quản trị của Chính phủ, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, sửa chữa và tái cấp vốn lĩnh vực tài chính, tự do hóa lĩnh vực năng lượng và các doanh nghiệp quốc doanh.

Mặc dù vậy, Ukraine không thể tự mình chuyển đổi hoàn toàn nền kinh tế, kể từ đỉnh điểm khủng hoảng trong nước năm 2014, Mỹ và các chủ nợ phương Tây đã cung cấp các hình thức viện trợ kinh tế và kỹ thuật thông qua các cơ chế song phương và quốc tế, để giúp ổn định và hỗ trợ Ukraine. Riêng với châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách tăng chương trình viện trợ quốc tế cho Ukraine lên 40 tỷ USD, trong đó có cả các nhà cho vay chính thức và tư nhân.

Thông qua các hình thức đó, Ukraine và các chủ nợ có cơ hội tìm ra giải pháp quyết định, thúc đẩy lợi ích của nhau trong mối tương quan kinh tế và địa chính trị. Một Ukraine vững mạnh, ổn định là lợi ích của tất cả các bên: người dân Ukraine, đối tác quốc tế và các nhà đầu tư.

Tin bài liên quan