Tương lai hàng không thuộc về các "hãng hàng không không hành khách"

Tương lai hàng không thuộc về các "hãng hàng không không hành khách"

(ĐTCK) Nhân vật chính của thị trường hàng không hiện đại không phải các hãng hàng không, mà là các công ty cho thuê máy bay - được mệnh danh là các "hãng hàng không không hành khách".

Ngày nay, các công ty cho thuê máy bay đang dần trở thành trung tâm của thị trường hàng không. Vào những năm 1970, số lượng máy bay mà các công ty cho thuê máy bay sở hữu chưa tới 100 chiếc thì ngày nay, con số này là 5.500 chiếc. Hơn 56% các hãng hàng không (khoảng gần 400 hãng) đều sử dụng máy bay đi thuê, theo CAPA Centre for Aviation.

Airbus và Boeing dự báo, tới năm 2020, hơn 50% số máy bay thương mại được sử dụng là tài sản thuộc về các công ty chuyên cho thuê máy bay.

Philip Baggaley, chuyên gia tại Standard & Poor’s nhận định: viễn cảnh tăng trưởng của lĩnh vực cho thuê máy bay là rất tươi sáng. Các hãng hàng không thiếu sự hỗ trợ về tài chính để mua máy bay mới thay thế loại đã cũ và cũng không đủ sức để bắt kịp với tốc độ thay đổi khi các loại máy bay mới liên tiếp ra đời. Chính vì vậy, các thỏa thuận cho phép hãng hàng không mua một chiếc máy bay, sau đó bán cho công ty dịch vụ cho thuê máy bay và thuê lại ngày càng phổ biến.

Tương lai hàng không thuộc về các "hãng hàng không không hành khách" ảnh 1

 Thị phần của các công ty cho thuê máy bay tại thị trường hàng không

Tại sao lại cần phải đi thuê máy bay?

Lý do chính là vì rất tiết kiệm, nếu không nói là rẻ.

Chẳng hạn, một hãng hàng không A ký hợp đồng mua 5 chiếc máy bay từ Boeing. Tuy nhiên, chiến lược phục vụ đối tượng khách cao cấp và đang vào mua cao điểm đi lại khiến hãng hàng không này cần có 9 chiếc máy bay mới đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, hãng hàng không A không đủ tài chính để mua thêm 4 chiếc máy bay nữa.

Khi đó, các công ty cho thuê máy bay sẽ là “người bạn” tốt nhất. Hãng hàng không A sẽ thuê thêm 4 chiếc máy bay phục vụ mùa cao điểm với mức giá “phù hợp”.

Tới mùa thấp điểm, hãng hàng không A chỉ cần 3 chiếc máy bay là đủ phục vụ nhu cầu khách hàng. Việc có 2 chiếc máy bay “dư thừa”, khiến hãng phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh. Trong trường hợp này, việc tự sở hữu các máy bay trở thành một bất lợi đối với các hãng hàng không. Nếu đội bay được tập hợp bằng một số lượng tối thiểu các máy bay tự mua, số còn lại là máy bay đi thuê, hãng hàng không có thể thu xếp để kết thúc hợp đồng thuê máy bay với thời gian sớm hơn, chịu một khoản phạt chắc chắn sẽ nhỏ hơn chi phí bỏ ra để duy trì đội bay này.

Tại sao máy bay đi thuê lại rẻ?

Máy bay là một loại hàng hóa vô cùng đắt đỏ. Ngay cả các hãng hàng không lớn nhất cũng khó có đủ tài chính để mua một lượng lớn máy bay, đặc biệt là với các loại mới và hiện đại. Do đó, không hãng hàng không nào muốn dành toàn bộ “sức lực” để mua máy bay mới, thay vào đó, họ có thể đi thuê máy bay và tập trung vào việc tăng trưởng kinh doanh.

Dưới đây là bảng giá các máy bay Boeing trong 2 năm 2014 và 2015. Các công ty cho thuê máy bay thường đặt mua với số lượng lớn (từ 50 tới 250 chiếc), khi loại máy bay đó thậm chí chưa được sản xuất.

Tương lai hàng không thuộc về các "hãng hàng không không hành khách" ảnh 2

 Bảng giá trung bình của một số dòng máy bay do Boeing sản xuất (đơn vị: triệu USD)

Với các hợp đồng này, các công ty cho thuê có thể nhận được mức chiết khấu lên tới hơn 50% đối với mỗi chiếc máy bay. Tất nhiên, đây là các thỏa thuận riêng, khó lòng biết được con số chính xác, nhưng chính mức chiết khấu này là lý do các công ty dịch vụ cho thuê máy bay có thể cho thuê với mức giá rẻ bất ngờ.

Tương lai hàng không thuộc về các "hãng hàng không không hành khách" ảnh 3

 Mức chiết khấu đối với một số dòng máy bay do Boeing và Airbus sản xuất

Các hình thức cho thuê máy bay là gì?

-         “Dry Lease”: Công ty cho thuê máy bay sẽ cho thuê một chiếc máy bay “trơn”: không bảo hiểm, phi công, nhân viên mặt đất, thiết bị hỗ trợ, đội ngũ bảo dưỡng… Việc vận hành chiếc máy bay này hoàn toàn là trách nhiệm của người thuê.

-         “Wet Lease”: Công ty cho thuê máy bay sẽ cung cấp máy bay, đội ngũ đi kèm đầy đủ và bảo hiểm.

-         “Sale and lease back” – bán và thuê lại. Đây là cách thức mà các hãng hàng không hiện nay thường sử dụng.

Theo đó, một hãng hàng không sẽ mua máy bay, bán nó cho công ty cho thuê với giá thị trường và ngay lập tức thuê lại chính chiếc máy bay đó. Thông thường, các hãng hàng không sẽ ký hợp đồng mua 100 chiếc máy bay, bán nó cho các công ty dịch vụ và thuê lại. Khi đó, máy bay thuộc sở hữu của công ty dịch vụ cho thuê, hãng hàng không có thể tiết kiệm được chi phí khấu hao, không phải đóng góp thuế và tất nhiên là gia tăng lợi nhuận nhờ thuê lại với giá rẻ hơn chi phí sở hữu.

Tương lai hàng không thuộc về các "hãng hàng không không hành khách" ảnh 4

 Chiến lược "bán và thuê lại" mang lại lợi ích lớn cho các hãng hàng không non trẻ

Ví dụ điển hình nhất là sự thành công của hãng hàng không Indigo, Ấn Độ.

Năm 2013, khi mọi hãng hàng không tại Ấn Độ chịu thua lỗ nặng nề, Indigo thu lợi nhuận khủng nhờ sử dụng hình thức “bán và thuê lại” một cách thông minh.

Bước 1: Luôn mua máy bay theo lô lớn. Năm 2005, khi mới bắt đầu hoạt động, Indigo đặt mua 100 chiếc A320s. Năm 2011, Indigo thay thế đội bay này bằng đơn hàng 180 chiếc A320 neo, với giá trị 15 tỷ USD. Gần đây, hãng hàng không này đặt mua 250 chiếc A320 neo với giá 25,7 tỷ USD. Đây là hợp đồng mua máy bay số lượng lớn nhất từ trước tới nay. Với các đơn hàng này, họ sẽ được chiết khấu “đậm”.

Bước 2: Dùng chiến lược “bán và thuê lại” ngay khi máy bay được chuyển tới để thu lời.

Thực tế, Indigo chỉ mua một loại máy bay (A320 neo) và chỉ sử dụng duy nhất loại này vì tiết kiệm được nhiên liệu. Indigo luôn thay thế toàn bộ máy bay sau khi sử dụng được 6 năm bằng cách bán lại, nhằm giảm chi phí bảo dưỡng.

Các công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới?

GE Capital Aviation Services: sở hữu hơn 1.700 máy bay cỡ lớn.

International Lease Finance Corporation: sở hữu gần 1.000 máy bay cỡ lớn.

SMBC Aviation Capital: hơn 350 máy bay.

AWAS: hơn 250 máy bay

Fly Leasing: hơn 125 máy bay

Rủi ro mà các công ty cho thuê tài sản thường gặp là gì?

Peter Barrett, Chủ tịch RBS Aviation, một trong những công ty chuyên cho thuê máy bay lớn nhất trên thế giới cho rằng: thị trường hàng không ngày càng giống như lĩnh vực kinh doanh khách sạn: một công ty hoặc cá nhân sở hữu tài sản, trong khi một công ty hoặc cá nhân khác tổ chức hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của 2 thị trường này đó là, nếu bên thuê khách sạn không chịu trả tiền thuê, người sở hữu bất động sản đó khó lòng có thể lấy lại tài sản của mình. Trong khi với các công ty cho thuê máy bay, họ có thể và thường xuyên thu hồi lại máy bay của mình nếu không nhận được tiền thuê đúng hạn. Điều này khiến việc cho thuê máy bay ít rủi ro hơn.

Rủi ro hư hại tài sản

Nếu các hãng hàng không phá sản, công ty cho thuê dịch vụ sẽ đối mặt với việc không thể thu hồi lại máy bay trong tình trạng tốt. Tuy nhiên, đây vẫn là tài sản thuộc về công  ty cho thuê nên ít có khả năng không thu hồi được.

Đây là rủi ro lớn nhất mà các công ty cho thuê máy bay gặp phải:

Hợp đồng ngắn hạn

Các công ty cho thuê sẽ có lợi với các hợp đồng dài hạn, thay vì ngắn hạn. Với hợp đồng ngắn hạn, mỗi khi sang tay chủ mới, các công ty này đều phải tốn chi phí để lắp đặt các thiết bị phù hợp với nhu cầu của người thuê.

Rủi ro tiền tệ

Các hợp đồng cho thuê thường được ấn định trong thời gian dài và thường là các hợp đồng quốc tế. Do vậy, các biến động thất thường của tiền tệ của thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của cả người thuê và người cho thuế.

Các khoản đầu tư dài hạn

Cũng giống như các lĩnh vực cho thuê khác, cần tới 8 – 15 năm để có thể thu lợi từ hợp đồng cho thuế. Tuổi đời của một chiếc máy bay trung bình vào khoảng 25 – 25 năm, sau thời gian này, họ chỉ có thể bán lại máy bay với mức giá thấp cho các quốc gia kém phát triển hoặc là phải mang tới bãi phế liệu.

Vậy tại sao các hãng hàng không vẫn đi mua máy bay?

Nếu đi thuê máy bay mang lại nhiều lợi ích tới vậy, tại sao các hãng hàng không vẫn đi mua máy bay? Nat Pieper, người quản lý kế hoạch vận hành của Delta cho biết: việc đi thuê máy bay mang lại lợi ích lớn với các hãng hàng không nhỏ, trẻ, thiếu năng lực tài chính; hoặc với các hãng hàng không lớn muốn thử dòng máy bay mới trước khi chính thức khai thác, hoặc khi nhà sản xuất máy bay đã không nhận đơn hàng của một loại máy bay nhất định và cách duy nhất để có máy bay sử dụng là đi thuế.

Tuy nhiên, với các hãng hàng không lớn, việc mua máy bay và sở hữu đội bay trong một quãng thời gian 30 năm – tương đương tuổi thọ của một chiếc máy bay vẫn có lợi hơn. Cũng giống như mua nhà, mua một ngôi nhà và sử dụng trong dài hạn sẽ rẻ hơn so với đi thuê trong cùng khoảng thời gian đó.

Tin bài liên quan