Tuần tồi tệ của chứng khoán toàn cầu

Tuần tồi tệ của chứng khoán toàn cầu

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa trải qua một tuần tồi tệ nhất trong 4 năm qua, trước các nỗi lo về tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc cũng như sự tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu.

Hơn 3,3 nghìn tỷ USD đã bốc hơi khỏi giá trị thị trường chứng khoán quốc tế sau khi Trung Quốc quyết định hạ giá đồng nhân dân tệ, hành động rất có thể sẽ châm ngòi cho việc hàng loạt nền kinh tế đang nổi khác đồng loạt phá giá đồng nội tệ. Các mối lo về tình trạng trì tệ của nền kinh tế, giá dầu tụt xuống mức thấp nhất gần 7 năm, cũng như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất khiến giới đầu tư không khỏi hoang mang.

Chỉ số S&P 500 giảm mạnh 3,2% trong ngày cuối tuần, xuống dưới 2.000 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2011. Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm hơn 500 điểm, tụt dốc 10% so với mức đỉnh vào tháng 5 vừa qua. Giá dầu giảm xuống dưới 40 USD/thùng trên sàn New York, lần đầu tiên kể từ năm 2009 và đã liên tục giảm giá trong 8 tuần, mức dài nhất kể từ năm 1986.

Trên sàn New York, ngay cả các cổ phiếu blue chip hàng đầu cũng chịu áp lực bán ra lớn. Các công ty nổi tiếng được biết tới như “Bộ 5 quyền lực” bao gồm Netflix, Facebook, Amazon, Google và Apple đã chịu thiệt hại khi 97 tỷ USD giá trị thị trường bốc hơi trong 2 ngày cuối tuần. Đà giảm này kéo chỉ số Nasdaq 100 giảm 7%, mức giảm mạnh nhất trong 2 ngày kể từ năm 2008.

Từ Apple cho tới các công ty năng lượng, công nghệ, truyền thông, giao thông, dịch vụ, tất cả đều có chung xu thế giảm.

Chỉ số MSCI All country world giảm 2,7%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014. Chỉ số MSCI Emerging Markets giảm 2,2%, trong đó, đồng ringit của Malaysia và đồng won Hàn Quốc là những đồng tiền giảm mạnh nhất.

“Đà bán tháo trong tuần này bắt đầu từ sự kiện Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ, làm dấy lên nỗi lo về tình hình trì trệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tiếp theo đó, chỉ số PMI thấp nhất trong 6 năm chính là ngòi nổ để thị trường chứng khoán toàn cầu hoàn toàn chao đảo”, Hertta Alava, quản lý quỹ FIM Asset Management Ltd tại các thị trường đang nổi cho biết.

Chỉ số Shanghai Composite giảm 4,3% trong phiên cuối tuần, khiến chỉ số này giảm tới 10% trong tuần, tiến gần tới sát ngưỡng 3.500 điểm, ngưỡng mà chính quyền Đại lục sẽ tiến hành mua vào.

Chỉ số Stoxx Europe 600 cũng giảm 3,3% trong phiên cuối tuần và giảm 6,5% trong tuần này, mức mạnh nhất kể từ năm 2011.

Tin bài liên quan