Chỉ trong quý I/2016, có 1.028 doanh nghiệp Trung Quốc phá sản (tăng 52,5% cùng kỳ năm trước), trong khi số doanh nghiệp phá sản cả giai đoạn 2008-2015 là 20.000 trường hợp

Chỉ trong quý I/2016, có 1.028 doanh nghiệp Trung Quốc phá sản (tăng 52,5% cùng kỳ năm trước), trong khi số doanh nghiệp phá sản cả giai đoạn 2008-2015 là 20.000 trường hợp

Trung Quốc: Xử lý doanh nghiệp “xác sống”, tình trạng phá sản tăng vọt

(ĐTCK) Tình trạng phá sản tại Trung Quốc đã tăng vọt kể từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh Chính phủ nước này siết chặt các quy định pháp lý để giải quyết những doanh nghiệp “xác sống” và giảm thiểu nguy cơ dư thừa công suất.

Đây cũng là một phần trong nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế của Chính quyền Bắc Kinh. Theo số liệu thống kê của Tòa án Tối cao nhân dân Trung Quốc, hệ thống tòa án nước này đã chấp nhận 1.028 trường hợp phá sản chỉ trong quý I/2016, tăng 52,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi tính chung trong cả giai đoạn từ năm 2008-2015, chỉ có 20.000 trường hợp được chấp thuận.

Hệ thống luật pháp Trung Quốc đã thông qua luật phá sản mới vào năm 2007, song những năm qua, nó rất ít được sử dụng và các tranh chấp về nợ thường được giải quyết một cách đơn giản, thông qua các đàm phán không công khai với sự tham gia của chính quyền địa phương.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phá sản tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đánh giá: “Phá sản không chỉ là mối quan hệ giữa chủ nợ và người đi vay, mà nó còn động chạm tới các vấn đề xã hội như tình trạng thất nghiệp và người lao động. Trong một thời gian dài, nhiều tòa án tại địa phương Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận tình trạng phá sản, ngay cả các chính quyền địa phương cũng không cho phép họ phá sản”.

Tại Hội nghị Trung ương IV Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2014, giới lãnh đạo nước này đã nhất trí và cam kết củng cố “nguyên tắc luật pháp xã hội chủ nghĩa”, bao gồm các bước đi nới lỏng sự can thiệp chính trị trong giải quyết các trường hợp tại tòa án. Vì thế, các tòa án giải quyết tình trạng phá sản doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay được coi là động lực thúc đẩy cải cách, tập trung vào giảm thiểu nguy cơ dư thừa công xuất sản xuất trong các lĩnh vực như thép, than đá và xi măng.

Nhìn chung, phá sản doanh nghiệp đem lại cơ hội bảo vệ lớn hơn cho cả người đi vay và chủ nợ, nếu so với các phương thức dàn xếp ngoài khuôn khổ tòa án, bởi lẽ các tòa án sẽ có thẩm quyền áp đặt cách giải quyết giữa tất cả các bên.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, luật phá sản vẫn còn kẽ hở nhỏ, cho phép một số công ty “xác sống” tiếp tục hoạt động. Tòa án tối cao Trung Quốc, trong trường hợp cần thiết, vẫn có thể sử dụng phương pháp sáp nhập và tái cấu trúc doanh nghiệp, thay vì đóng cửa công ty, để cho phép một doanh nghiệp hoạt động trở lại sau phá sản. Điển hình là trong tháng Sáu này, tòa án Trung Quốc đã giải quyết một vài trường hợp phá sản điển hình và tất cả các công ty đó vẫn tiếp tục hoạt động sau khi đệ đơn phá sản.

Giáo sư Li Shuguang tại Trường Đại học Luật và khoa học chính trị (Trung Quốc) cho rằng: “Trung Quốc không nên thúc đẩy các khẩu hiệu đơn giản kiểu như ‘sử dụng biện pháp tái cấu trúc nhiều hơn và giảm bớt đóng cửa’, bởi lẽ điều đó không thực sự chính xác. Cá nhân tôi cho rằng, giải pháp đóng cửa doanh nghiệp nên được sử dụng nhiều hơn. Chỉ những doanh nghiệp có giá trị thực sự mới nên được giữ lại. Điều quan trọng nhất đối với các công ty ‘xác sống’ là phải thanh lý họ. Sau đó, chúng ta mới có thể tìm kiếm các giải pháp tốt hơn để giải quyết việc sa thải công nhân, như tái đào tạo hoặc tái tuyển dụng”.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, hầu hết các vụ phá sản có liên quan tới doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó, các tác động tới xã hội là không đáng kể. Hơn nữa, việc đóng cửa doanh nghiệp phá sản hiện cũng vượt xa hoạt động tái cấu trúc trên phương diện số lượng.

Tin bài liên quan