Trung Quốc đang muốn củng cố quyền lực qua các dự án cơ sở hạ tầng. Ảnh: Reuters

Trung Quốc đang muốn củng cố quyền lực qua các dự án cơ sở hạ tầng. Ảnh: Reuters

Trung Quốc tìm cách tiêu 500 tỷ USD

Trung Quốc hiện được coi là một trong số ít quốc gia trên thế giới có nhiều tiền và sẵn sàng chi tiền để củng cố quyền lực mềm.

Chủ Nhật tuần này, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình sẽ tổ chức Diễn đàn Vành đai và Con đường, với gần 30 lãnh đạo trên thế giới. Đây là trọng tâm của kế hoạch thúc đẩy quyền lực mềm của nước này, thông qua chi hàng trăm tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng trên thế giới.

Trung Quốc đặt tên cho một loạt dự án xây dựng qua hơn 60 nước là sáng kiến "Một vành đai, một con đường", dựa trên ý tưởng hồi sinh Con đường tơ lụa từng kết nối Trung Quốc với Trung Á, châu Âu và xa hơn nữa.

Họ đã đầu tư hơn 50 tỷ USD vào các nước tham gia sáng kiến này từ năm 2013, Xinhua cho biết. Tháng này, Credit Suisse Group cũng dự báo Trung Quốc có thể rót hơn 500 tỷ USD vào 62 quốc gia trong 5 năm.

Với ông Tập Cận Bình, sáng kiến này được thiết kế để củng cố hình ảnh là một trong những lãnh đạo ủng hộ toàn cầu hóa hàng đầu thế giới. Diễn đàn cũng nhằm xóa bỏ lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc và tăng uy tín của ông Tập tại quê nhà.

Sáng kết Một vành đai - Một con đường "có thể là di sản tồn tại lâu nhất của ông Tập", Trey McArver - Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại TS Lombard nhận xét, "Nó có thể định hình tại trật tự kinh tế và thương mại toàn cầu, đặc biệt là châu Á".

Dù vậy, kế hoạch này cũng có nhiều rủi ro. Đến nay, nó được coi là một câu khẩu hiệu nhiều hơn là hành động. Bên cạnh đó, các lãnh đạo nền kinh tế lớn, như Donald Trump, Angela Merkel và Shinzo Abe vẫn còn đứng ngoài cuộc.

Với khối dự trữ quốc tế hơn 3.000 tỷ USD - tương đương hơn một phần tư cả thế giới, Trung Quốc có đủ tài nguyên đểđẩy tăng trưởng tại các vùng xa xôi, đồng thời tìm thị trường cho ngành công nghiệp đang dư thừa công suất trong nước   

"Trung Quốc cần nhận ra rằng cách họ nhìn nhận Sáng kiến Một vành đai Một con đường chưa chắc đã giống các nước khác", Paul Haenle - cựu giám đốc về Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhận xét.

Các nước như Mỹ "không thể không nhìn qua lăng kính địa chính trị, rằng Trung Quốc đang cố mở rộng tầm ảnh hưởng của mình".

Dĩ nhiên, động cơ chính của kế hoạch này vẫn là kinh tế. Trung Quốc muốn thúc đẩy tăng trưởng tại các vùng xa xôi, đồng thời tìm thị trường cho ngành công nghiệp đang dư thừa công suất trong nước.

Với khối dự trữ quốc tế hơn 3.000 tỷ USD - tương đương hơn một phần tư cả thế giới, Trung Quốc có đủ tài nguyên để làm việc này.

Kế hoạch này đã được tăng tốc năm ngoái, khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại Mỹ và châu Âu. Người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

"Việc này đã khiến nhiều người thất vọng. Chúng tôi cảm thấy Một vành đai Một con đường có thể lấp đầy khoảng trống này. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu đánh giá cao sáng kiến của Trung Quốc", Cheah Cheng Hye - Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư tại Value Partners Group cho biết.

Dĩ nhiên, ông Tập đã không lãng phí thời gian. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos đầu năm nay, ông đã có bài phát biểu khai mạc, ủng hộ việc thúc đẩy thương mại toàn cầu.

Mỹ và châu Âu đã "gần như vô tình" tạo thời cơ cho Trung Quốc tăng cường lợi ích, Peter Cai - nhà nghiên cứu tại Viện chính sách Quốc tế Lowy nhận xét.

"Trung Quốc chính là phương án thay thế cho nước Mỹ phiên bản toàn cầu hóa. Trong trường hợp của Trung Quốc, toàn cầu hóa được lót đường bằng bê tông - đường sắt, đường cao tốc, đường ống và cảng biển", Cai cho biết.

Năm nay, 5 quốc gia châu Âu - Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Sĩ, Pháp và Italy đã ủng hộ sáng kiến này. Diễn đàn lần này cũng được sự ủng hộ của Tổng thống Nga - Vladimir Putin, Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras và Tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte. Mỹ và các nước châu Âu được kỳ vọng cử đến các lãnh đạo cấp thấp.

Các công ty quốc doanh như Tập đoàn Dầu khí quốc gia (CNPC) và China Mobile - nhà mạng lớn nhất thế giới được cho là sẽ gặt hái lớn từ sáng kiến này. 3 ngân hàng phát triển của Trung Quốc, cùng Silk Road Fund và Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB) đã tham gia cho vay 39 tỷ USD ngoài Trung Quốc năm ngoái, tăng 50% so với năm 2014.

"Tôi cho rằng Một vành đai, Một con đường là một điểm cộng lớn. Chúng ta không nên lo lắng về nó.

Vì đây căn bản là hoạt động kết nối hàng trăm triệu người, hàng trăm triệu thị trường. Nếu có người được lợi từ việc này, đó là điều rất tốt", Jacob Frenkel - Chủ tịch JPMorgan Chase International nhận xét.

Dù vậy, nhiều rào cản tài chính đang bắt đầu xuất hiện. Tăng trưởng kinh tế chậm khiến Trung Quốc ít có khả năng đầu tư ra nước ngoài hơn. Dự trữ quốc tế cũng giảm 6% năm qua, trong bối cảnh Trung Quốc cần lượng dự trữ kha khá để bảo vệ nội tệ.

Một số dự án của họ đã bắt đầu có vấn đề. Những quốc gia đang phát triển mà họ đầu tư vào thường có điểm tín dụng thấp và không quản trị tốt.

Trung Quốc vẫn chưa thể thu hồi các khoản cho vay tại Venezuela và châu Phi. Một số dự án ở Trung Á cũng khiến người dân biểu tình.

Dù vậy, các học giả Trung Quốc vẫn cho rằng kế hoạch của ông Trump lớn hơn bất kỳ dự án tư nhân nào. Nó cho thấy "sự thay đổi lớn lao" trong cách Trung Quốc tương tác với thế giới,  Wang Yiwei - Giám đốc Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận xét.

"Trung Quốc đã dịch chuyển từ người tham gia sang lãnh đạo chính của toàn cầu hóa. Và đây là Toàn cầu hóa 2.0", ông nhận xét.

Tin bài liên quan