Trung Quốc sở hữu quỹ dự trữ 3.000 tỷ USD, nhưng vẫn chưa đủ

Trung Quốc sở hữu quỹ dự trữ 3.000 tỷ USD, nhưng vẫn chưa đủ

(ĐTCK) Trong bối cảnh có không ít ý kiến lo ngại về tình hình sức khỏe của hệ thống ngân hàng Trung Quốc, một con số đáng chú ý có thể giúp thị trường an tâm phần nào. Đó là quỹ dự trữ tiền tệ của Trung Quốc đang ở mức trên 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này liệu đã đủ?

Con số khổng lồ

Trung Quốc từ lâu đã giữ ngôi vương trong danh sách các quốc gia sở hữu quỹ dự trữ tiền tệ lớn nhất thế giới, duy trì con số trên 3.000 tỷ USD kể từ năm 2010 cho tới nay (con số mới nhất là 3.133 tỷ USD). Đây rõ ràng là số tiền khổng lồ, nhưng so với nền kinh tế Đại lục, nó chỉ vào khoảng chưa tới 30% GDP.

Thực tế, quy mô quỹ dự trữ tiền tệ của Trung Quốc đã giảm từ mức 47,6% GDP năm 2010 xuống còn 28,7% năm 2017. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh. Cụ thể, quỹ dự trữ của Đại lục đã tăng 18% giá trị tính bằng đồng USD kể từ năm 2010 tới nay, nhưng cùng giai đoạn này, GDP đã tăng gần gấp đôi.

Trong các trường hợp cơ bản, quỹ dự trữ tiền tệ vào khoảng 25 – 30% GDP đã đủ sức hỗ trợ cho các sự kiện bất ngờ của nền kinh tế. Khi châu Á xảy ra khủng hoảng tài chính vào năm 1997, quỹ dự trữ tiền tệ của Hàn Quốc chỉ đạt 3,7% GDP. Hiện tại, Trung Quốc không gặp phải rủi ro cạn kiệt quỹ dự trữ và có đủ sức mạnh để đảm bảo cho những biến động kinh tế lớn.

Bên cạnh đó, quỹ dự trữ tiền tệ của Trung Quốc đã vượt qua 3 trong số 4 bài kiểm tra về mức độ đầy đủ của quỹ dự trữ đối với các sự kiện kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bài kiểm tra duy nhất không đạt là việc quỹ dự trữ phải tương đương 20% cung tiền M2 (tiền mở rộng bao gồm tổng lượng tiền mặt do ngân hàng trung ương phát hành đang lưu thông, tiền các ngân hàng thương mại gửi tại ngân hàng trung ương và các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng). Tính tới cuối năm 2017, tỷ lệ này tại Trung Quốc mới đạt 13,1%.

Tuy nhiên, việc không đạt bài kiểm tra M2 không phải là vấn đề lớn. Trong số các nền kinh tế lớn tại châu Á, cả Hàn Quốc và Việt Nam đều không đạt tiêu chí này, nhưng đều không gặp phải rủi ro nào lớn về bong bóng tín dụng.

Rủi ro tiềm ẩn

Trong bối cảnh chính quyền Đại lục vẫn đang kiểm soát toàn bộ hệ thống ngân hàng, quỹ dự trữ tiền tệ của quốc gia này không chỉ có nhiệm vụ trở thành phương tiện bảo đảm an toàn tiền tệ, mà còn cho cả hệ thống tài chính.

Hiện tại, lượng cung tiền M2 của Trung Quốc đã đạt gần 300% GDP, mức đòn bẩy cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hồng Kông – cũng là một phần của Đại lục. Với thặng dư thương mại đạt 422,5 tỷ USD năm 2017, Trung Quốc không có nguy cơ không đủ khả năng trả tiền cho hàng hóa nhập khẩu, thay vào đó, rủi ro của quốc gia này là khủng hoảng tín dụng, khi chính phủ đang trở thành đầu mối lớn nhất nắm giữ mọi khoản nợ của hệ thống tài chính. Nếu bong bóng tín dụng nổ ra, quỹ dự trữ tiền tệ của quốc gia này không đủ sức để trở thành phao cứu sinh.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, với việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa rộng hơn với thế giới, quốc gia này khó lòng có thể duy trì việc kiểm soát tỷ giá như hiện tại. Khi đó, dù có sử dụng quỹ dự trữ tiền tệ khổng lồ của mình, Đại lục cũng khó có thể bảo vệ được đồng nhân dân tệ.

Đối với bất kỳ quốc gia nào, con số 3.000 tỷ USD quả thực rất ấn tượng. Nhưng nếu các rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế có quy mô khủng như Trung Quốc bùng nổ, thì các khoản tiền như vậy sẽ bốc hơi rất nhanh.

Tin bài liên quan