Trung Quốc khuyến khích công ty công nghệ niêm yết tại “quê nhà“

Trung Quốc khuyến khích công ty công nghệ niêm yết tại “quê nhà“

(ĐTCK) Thay vì IPO và niêm yết tại NASDAQ, Trung Quốc đang có chính sách ưu tiên dành cho các công ty công nghệ.

Tencent, Weibo, Alibaba - những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang mang lại lợi nhuận trị giá 1,4 nghìn tỷ USD cho các nhà đầu tư ở khắp mọi nơi, ngoại trừ Đại lục, bởi tất cả đều lựa chọn không niêm yết tại quê nhà. Giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp này tương đương với 1/5 kích cỡ toàn bộ cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải và Thẩm Quyến.

Chưa kể, 2/5 các kỳ lân (doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) trên toàn cầu đều có quê hương là Trung Quốc. Sự vắng mặt của những “đứa trẻ tài năng” này đang tạo khoảng trống rất lớn đối với thị trường chứng khoán lớn thứ hai trên thế giới, khiến giới chức Đại lục buộc phải nhìn lại mình.

“Nhà đầu tư nội địa chưa được tận hưởng quả ngọt từ nền kinh tế mới và lĩnh vực Internet của Trung Quốc. Giới chức nước này nên nghĩ tới việc nới lỏng một số quy định để thế hệ kỳ lân tiếp theo có thể niêm yết tại quê nhà”, Eric Bian, Phó chủ tịch thị trường mới nổi châu Á - Thái Bình Dương tại JPMorgan Asset Management nói.

Không giống như châu Âu, nơi hiếm có hãng công nghệ mới nổi nào xuất hiện, Trung Quốc là nơi tạo ra hàng loạt tên tuổi mới như Tencent Holdings Ltd, các doanh nghiệp khởi nghiệp tỷ đô như Megvii Inc, Babytree và Ele.me. Tuy nhiên, điều mà quốc gia này thiếu lại là môi trường phù hợp với các công ty non trẻ. Một trong số các rào cản là việc ứng cử viên muốn niêm yết tại Thượng Hải hay Thẩm Quyến phải hoạt động có lãi trước khi nộp đơn, điều này khác biệt hoàn toàn với Mỹ, khi các công ty như Twitter Inc hay Box Inc đang báo lỗ nhưng vẫn được niêm yết.

Bên cạnh đó, các quy định tại thị trường chứng khoán Đại lục được thiết kế để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, vốn là nhóm đa số tại thị trường này. Do đó, Trung Quốc không chấp thuận phân hạng cổ phiếu - điều kiện cho phép người sáng lập doanh nghiệp có quyền bỏ phiếu cao hơn so với cổ đông thông thường. Chính điều này là lý do khiến Alibaba Group Holding Ltd đã không lựa chọn niêm yết tại quê nhà mà “di cư” tới Mỹ.

Một vấn đề khác là dù nhà đầu tư nội địa có thể mua cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết tại Hồng Kông như Tencent thông qua mối liên kết với sàn Hông Kông từ tháng 11/2014, tuy nhiên, họ bị giới hạn khối lượng giao dịch mỗi ngày và phải đáp ứng giá trị tài khoản tối thiểu.

Hiện tại, Trung Quốc đã bắt đầu phát đi tín hiệu của những thay đổi nhằm thu hút các công ty công nghệ niêm yết tại đây. Theo đó, giới chức chứng khoán cho biết đang thực hiện chương trình rà soát hoạt động IPO công ty công nghệ trong năm nay, đưa vấn đề chấp nhận cổ phiếu phân tầng ra thảo luận.

Chưa kể, Trung Quốc đang tìm tới con đường nhanh hơn để đưa các cổ phiếu công nghệ về quê nhà: Sử dụng chứng chỉ lưu ký (depositary receipts). Sản phẩm này có ý nghĩa như một tờ biên nhận thay cho số cổ phần chứng khoán mà nó đại diện của một công ty ngoại quốc. Nó có giá trị như một chứng khoán thực thụ, có thể chuyển nhượng và mua bán dễ dàng tại thị trường nội địa. Giới chức chứng khoán cho biết, họ đang nhanh chóng tìm hiểu thêm về loại sản phẩm này và một số doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm tích cực.

Một diễn biến đáng ghi nhận khác là việc giới chức chứng khoán Trung Quốc đã chấp thuận cho Foxconn Industrial Internet Co niêm yết tại Thượng Hải vào cuối tuần trước. Như vậy, quá trình này chỉ mất một vài tuần so với việc mất tới vài tháng, thậm chí vài năm như thường lệ. Đây được xem là hành động gây ấn tượng ban đầu tốt đẹp đối với các công ty công nghệ đang lựa chọn thị trường để niêm yết.

Thực tế, việc nâng cao hơn nữa sự hiện diện của các cổ phiếu công nghệ tại thị trường chứng khoán Trung Quốc là chủ đề định kỳ của giới chức nước này và đã được nhắc lại không ít lần. Tuy nhiên, hiện tại, phản ứng của các thành viên thị trường là khá tích cực.

“Đã có những thay đổi trong cách nhìn của giới chức về cổ phiếu công nghệ. Việc khích lệ tinh thần kinh doanh và phát triển công nghệ đang trở thành ưu tiên số một của các nhà làm chính sách”, Hao Hong, chiến lược gia trưởng tại Bocom International Holdings Co cho biết.

Tin bài liên quan