Trung Quốc giật mình với vấn đề bảo hiểm hưu trí

Trung Quốc giật mình với vấn đề bảo hiểm hưu trí

(ĐTCK) Ngồi trước máy tính trong một văn phòng ở Cao Bộ, bà Vương mở trang web của Cục An sinh xã hội, nhập thông tin cá nhân, và truy cập vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm hưu trí của mình.

Màn hình hiện ra thông tin nói rằng, bà đã thanh toán cho chế độ lương hưu 85 tháng. Sau đó, bà Vương lục lại bản in tình trạng thanh toán trong lần truy cập gần đây, nở một nụ cười mãn nguyện. Bản in đó nói rằng, bà mới chỉ đóng góp cho chế độ lương 35 tháng.

“Nếu hỏi 10 công nhân, 9 người sẽ không hiểu điều gì đã xảy ra trên các thẻ thông tin đó”, bà Vương, một trong 40.000 công nhân đã tham gia vào cuộc đình công lớn nhất Trung Quốc trong hàng thập kỷ gần đây, nói. Các công nhân ở Nhà máy Dụ Nguyên, chuyên sản xuất giày cho các hãng Nike và Adidas, và nằm trong một tổ hợp nhà máy lớn ở Cao Bộ, nói rằng, Nhà máy đã không thanh toán đủ tiền đóng bảo hiểm hưu trí của họ trong nhiều năm.

Sau 11 ngày biểu tình, chính quyền thành phố Đông Quan đã trao cho họ một chiến thắng hiếm hoi khi nói rằng, Nhà máy Dụ Nguyên sẽ bổ sung tiền bảo hiểm hưu trí trên cơ sở mức lương cao hơn cho người lao động. Dụ Nguyên ước tính rằng, Công ty sẽ phải trả thêm 31 triệu USD trong năm nay, sau khi đồng ý thanh toán tiền hưu trí trên cơ sở tổng tiền công trả cho công nhân, bao gồm cả tiền làm ngoài giờ.

Cuộc đình công đã rọi đèn pha vào Dụ Nguyên, nhà sử dụng lao động lớn nhất ở Cao Bộ, một trong nhiều thị trấn công nghiệp ở Đông Quan. Nhưng các công nhân, các nhà hoạt động lao động và các nhà quản lý xí nghiệp nói rằng, hành động đó sẽ lan rộng ra đồng bằng sông Châu Giang - công xưởng sản xuất của thế giới - ở miền nam Trung Quốc.

Các chính quyền địa phương đang cho phép các nhà sản xuất đóng góp vào quỹ hưu trí thấp hơn mức yêu cầu do lo sợ các công ty bỏ đi, đặc biệt khi các công ty này đối mặt với tốc độ tăng lương 2 con số mỗi năm.

“Chính quyền đang mắt nhắm, mắt mở”, một công nhân ở Dụ Nguyên nói. “Họ không muốn đặt gánh nặng quá lớn lên Công ty, vì muốn giữ chân nhà đầu tư nước ngoài”.

Năm 1997, Trung Quốc đã công bố một hệ thống hưu trí quốc gia, yêu cầu các nhà sử dụng lao động và người lao động phải đóng góp vào quỹ. Các công ty phải đóng góp 1% trên tổng tiền trả cho người lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp sử dụng một mức cơ sở thấp hơn, không bao gồm tiền làm ngoài giờ. Trong khi trên thực tế, công nhân nhà máy thường xuyên có thu nhập cao gấp nhiều lần lương cơ bản nhờ làm thêm ngoài giờ.

Chương Chi Nhu, một nhà hoạt động lao động từng bị cảnh sát bắt giữ vì đã ủng hộ các công nhân của Dụ Nguyên, nói rằng, các chính quyền địa phương cho phép các công ty đóng góp quỹ hưu trí thấp hơn mức phải nộp, miễn sao chúng được tính trên một cơ sở lương cao hơn lương tối thiểu.

Một số nhà quản lý xí nghiệp cho biết, tình trạng này là rất phổ biến. Một người nói rằng, chính quyền Đông Quan đã yêu cầu công ty của ông chỉ thanh toán tiền bảo hiểm hưu trí bằng 55% số phải nộp hộ các công nhân, và rằng, các công ty thường sử dụng một cơ sở lương thấp để tính số tiền bảo hiểm hưu trí phải nộp.

“Lương cơ bản để tính mức đóng bảo hiểm hưu trí đã tăng lên 2.138 nhân dân tệ (342 USD) từ mức 1.813 nhân dân tệ của năm 2012. Nhưng hầu hết nhà máy vẫn sử dụng con số thấp hơn và Chi cục an sinh xã hội ở Đông Quan đã nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng này”, vị quản lý này nói.

Hãng Adidas cho biết, mức đóng bảo hiểm hưu trí của Dụ Nguyên là “phù hợp với một thỏa thuận mà họ đã đạt được với nhà chức trách Đông Quan”. Dụ Nguyên không vi phạm bất cứ quy định nào. Khi được hỏi về một thỏa thuận đạt được giữa chính quyền địa phương với các công ty về mức hưu trí phải nộp, một phát ngôn viên của Dụ Nguyên nói rằng, đó là một “thực tế phổ biến”. Các nhà chức trách địa phương đang ngày càng trói mình vào một ràng buộc. Trong khi họ muốn giữ chân các nhà máy, họ cũng muốn tránh các cuộc đình công, vì điều này có thể gây nên sự e ngại đối với các nhà đầu tư tiềm năng.

“Dụ Nguyên đã khiến cho các chính quyền địa phương ở châu thổ sông Châu Giang trở nên đau đầu thực sự”, ông Chương nói.

Vấn đề bảo hiểm hưu trí không được người lao động chú ý nhiều trước khi xảy ra sự việc ở Dụ Nguyên. Một lý do là nhiều công nhân không sẵn sàng đóng bảo hiểm do những khó khăn liên quan đến việc chuyển bảo hiểm khi họ rời đi làm ở thành phố khác - một vấn đề lớn của lực lượng lao động di cư khổng lồ ở Trung Quốc. 

Tin bài liên quan