Trung Quốc đang cố gắng “lót nệm” vào đà hạ cánh cứng của nền kinh tế nước này, khi mà tăng trưởng kinh tế ở mức chậm nhất trong 1/4 thế kỷ qua

Trung Quốc đang cố gắng “lót nệm” vào đà hạ cánh cứng của nền kinh tế nước này, khi mà tăng trưởng kinh tế ở mức chậm nhất trong 1/4 thế kỷ qua

Trung Quốc giảm lãi suất lần thứ 6 trong năm, Fed buộc phải “cân nhắc“

(ĐTCK) Trung Quốc tiếp tục giảm lãi suất lần thứ 6 trong năm nhằm đối phó với sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế, cũng như những tác động từ việc Mỹ có thể nâng lãi suất vào cuối năm.

Lãi suất cho vay tiêu chuẩn kỳ hạn 1 năm sẽ giảm xuống còn 4,35%/năm so với 4,6%/năm trước đây và bắt đầu có hiệu lực vào ngày hôm nay (24/10), theo thông báo mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đưa ra ngày hôm qua (23/10).

Theo đó, lãi suất tiền gửi cũng giảm xuống còn 1,5%/năm so với 1,75%/năm trước đây. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng được giảm thêm 50 điểm cơ bản, và được phép giảm thêm 50 điểm cơ bản nữa trong một vài trường hợp.

Có thể thấy, Trung Quốc đang cố gắng “lót nệm” vào đà hạ cánh cứng của nền kinh tế nước này, khi mà tăng trưởng kinh tế ở mức chậm nhất trong 1/4 thế kỷ qua.

“Mỹ có thể cân nhắc tăng lãi suất vào cuối năm, trái ngược với phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. PboC đang phải đối mặt với sự suy yếu của nền kinh tế, lạm phát ở mức thấp và đương nhiên cần phải nới lỏng tiền tệ thay vì thắt chặt”, Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Oxford Economics Ltd cho biết.

Theo thông báo của PboC, việc giá cả nói chung đang ở mức thấp giúp Ngân hàng trung ương có không gian để giảm lãi suất. Hiện tại, tình hình kinh tế nội địa và quốc tế đều khá phức tạp, Trung Quốc tiếp tục đối mặt với áp lực giảm phát, đòi hỏi những chính sách tiền tệ đúng hướng.

Sang tuần tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành phiên họp định kỳ. Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra tín hiệu cho thấy có thể cân nhắc mở rộng gói nới lỏng hiện tại nếu cần thiết, ám chỉ nền kinh tế châu Âu hiện tại vẫn chưa thực sự hồi phục.

Bill Adám, nhà kinh tế học tại PNC Financial Services Group cho rằng, việc Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất vào thời gian này đã tạo ảnh hưởng phức tạp lên chính sách tiền tệ của Mỹ.

“Việc Trung Quốc hạ lãi suất làm giảm bớt những rủi ro đối với kinh tế Trung Quốc cũng như sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Điều này làm tăng sự tự tin của Fed rằng nền kinh tế Mỹ có thể chịu đựng được lần nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006. Tuy nhiên, nếu lần giảm lãi suất này dẫn tới một lần hạ giá nữa của đồng nhân dân tệ, Fed sẽ gặp khó khăn hơn khi nâng lãi suất trước thời điểm kết thúc năm 2015”, Adams cho biết.

Tin bài liên quan