Trung Quốc đối mặt với bong bóng nhà đất

Trung Quốc đối mặt với bong bóng nhà đất

(ĐTCK) Thị trường nhà ở Trung Quốc đang phải đối mặt với những mặt trái của tốc độ phát triển nhanh chóng, dấy lên nhiều lo ngại rằng thị trường này sắp sửa bước vào thời kỳ đổ vỡ, tương tự như những gì đã xảy ra với Nhật Bản giai đoạn những năm 1990.

Thời gian qua, bất kỳ sự phát triển ồn ào nào cũng đều dẫn đến làn sóng đầu tư dày đặc, đẩy thị trường địa ốc Trung Quốc vào tình trạng mất kiểm soát. Trong khi ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải liên tục chứng kiến giá  nhà ở leo thang, với mức tăng 10,3% và 13,1% trong tháng 3/2014 so với cùng kỳ 2013, thì ở những thành phố loại 3, 4, giá nhà đất lại đang đi xuống từ tháng 2/2014.

Đặc biệt, 42/100 thành phố loại 3, 4 của Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề xây dựng quá tải, khiến nguồn cung nhà ở trở nên mất kiểm soát. Tốc độ phát triển dự án nhà ở mới tại những khu vực này, thậm chí còn vượt quá tốc độ gia tăng dân số nơi đây, theo hãng nghiên cứu ở Bắc Kinh Gavekal Dragonomics.

Bối cảnh thị trường địa ốc Trung Quốc hiện nay khiến không ít người liên tưởng đến sự sụp đổ chóng vánh của thị trường bất động sản Mỹ cách đây vài năm. Song, khác nhau ở chỗ, đó là người Trung Hoa không có thói quen vay nhiều tiền để mua nhà như người Mỹ. Các ngân hàng Trung Quốc cũng không nhận những tài sản thế chấp sơ sài, khi cho vay mua nhà như những gì đã diễn ra ở Mỹ, cũng như không chấp nhận tài sản thế chấp là căn nhà khách hàng định mua.

Dù hầu hết các nhà phát triển bất động sản đều tỏ vẻ không hài lòng trước doanh số và giá cả nhà đất từ đầu năm tới nay, nhưng họ vẫn giữ quan điểm sẽ không có bất kỳ sự sụp đổ nào sắp xảy đến.

“Rõ ràng có những hậu quả tài chính do nguồn cung căn hộ quá tải. Nhưng tôi không nhìn thấy sự bùng nổ nào sẽ xảy ra tương tự như với thị trường Hoa Kỳ”, Ronnie Chan, Chủ tịch Tập đoàn phát triển bất động sản Hang Lung Group nói.

Trên thực tế, mặc dù tổng doanh số bán nhà của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc, song dường như đó chỉ là “lời đáp trả bình thường” cho hiện tượng nguồn cung quá tải tại đây. Trên thực tế, thị trường chưa hẳn trở về trạng thái cân bằng.

Bên cạnh đó, thị trường nhà ở Trung Quốc đang bị lung lay trầm trọng trong bối cảnh các khoản nợ leo thang nhanh chóng như những gì đã diễn ra ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc trong quá khứ. Mới đây, chính quyền TP. Fenghua ở miền Đông Trung Quốc đã tuyên bố giảm giá đất, đồng thời một công ty phát triển bất động sản ở Chiết Giang cũng bày tỏ khó khăn trong việc tiêu thụ căn hộ và thanh toán các khoản nợ cận kề. Tài chính eo hẹp đã khiến các nhà phát triển bất động sản áp dụng hình thức hàng đổi hàng với các đối tác công ty xây dựng.

Lĩnh vực đất đai và xây dựng bị ảnh hưởng kéo theo cả doanh số bán hàng thiết bị đồ đạc, nội thất đi xuống. Chưa kể, làn sóng đổ tiền đầu tư ở những thị trường ngoài nước của người dân Trung Quốc có thể coi là mặt trái khiến thị trường địa ốc nội địa trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Để hạn chế những tác nhân gây nên hiện tượng phát triển không đều và hệ lụy có thể xảy ra cho nền kinh tế nói chung, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách nhằm đưa thị trường trở về trạng thái ổn định. Đặc biệt, gần đây, chính quyền Bắc Kinh đang thắt chặt quy định trong việc mua bán các dự án nhà ở các thành phố loại 1 và loại 2 Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, nhằm kìm hãm giá cả leo thang quá nhanh. Nhiều chủ đầu tư các dự án căn hộ cũng giảm mức giá chào bán xuống 40% vào cuối tháng 2/2014. Các ngân hàng cũng loại bỏ các chương trình cho vay ưu đãi, đồng thời, chặt chẽ hơn trong thẩm định tài sản thế chấp.

Tin bài liên quan