Ảnh AFP

Ảnh AFP

Trung Quốc đem lại hy vọng cho nhà đầu tư

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc, vấn đề Hồng Kông giảm nhiệt và Brexit đã giúp giới đầu tư lấy lại niềm hứng khởi trong phiên thứ Tư (4/9).

Sau khi sụt giảm trong phiên thứ Ba do dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ, phố Wall đã hồi phục trở lại nhờ dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc giúp làm giảm nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang.

Cụ thể, theo dữ liệu vừa công bố, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất trong 3 tháng trong tháng 8 vừa qua,  nhờ nhu cầu lao động trong ngành tăng cao nhất trong hơn một năm qua.

Ngoài ra, thông tin từ Hồng Kông cho thấy, đặc khu này có thể rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi, nguyên nhân châm ngòi cho các cuộc biểu tình quy mô lớn và kéo dài, thậm chí là bạo lực hiện nay. Điều này giúp làm giảm căng thẳng tại thành phố này.

Thông tin liên quan đến Brexit, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu phê chuẩn luật để ngăn chính  phủ của  Thủ tướng Boris Johnson đưa Anh ra khỏi EU mà không cần thỏa thuận.

Kết thúc phiên 4/9, chỉ số Dow Jones tăng 273,45 điểm (+0,91%), lên 26.355,47 điểm. Chỉ số S&P 500 31,51 điểm (+1,08%), lên 2.937,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 102,72 điểm (+1,30%), lên 7.976,88 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng tăng vọt trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư phản ứng với các thông tin từ Trung Quốc và vấn đề Brexit.

Kết thúc phiên 4/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 43,07 điểm (+0,59%), lên 7.311,26 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 114,18 điểm (+0,96%), lên 12.025,04 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 66,00 điểm (+1,21%), lên 5.532,07 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ được công bố trước đó, cùng phiên giảm của phố Wall tối hôm trước đã ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán châu Á khi mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư. Tuy nhiên, các thị trường nhanh chóng đảo chiều trở lại sau đó nhờ dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc được công bố. Thậm chí, chứng khoán Hồng Kông tăng vọt sau thông tin dự luật dẫn độ gây tranh cãi, nguyên nhân châm ngòi các cuộc biểu tình kéo dài có thể được rút.

Kết thúc phiên 4/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 23,98 điểm (+0,12%), lên 20.649,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,26 điểm (+0,93%), lên 2.957,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 995,38 điểm (+3,9%), lên 25.523,23 điểm.

Dù chứng khoán hồi phục mạnh, nhưng giá vàng vẫn duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư, dù mức tăng không lớn. Nhu cầu trú ẩn an toàn của nhà đầu tư vẫn rất lớn trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với nhiều mối lo chưa được giải quyết dứt điểm.

Kết thúc phiên 4/9, giá vàng giao ngay tăng 5,3 USD (+0,34%), lên 1.552,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 4,5 USD (+0,29%), lên 1.560,4 USD/ounce.

Dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc cũng giúp giá dầu thô đảo chiều tăng vọt trở lại sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp.

Kết thúc phiên 4/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,32 USD (+4,3%), lên 56,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,44 USD (+4,2%), lên 60,70 USD/thùng.

Tin bài liên quan