Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái), Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói chuyện trước phiên khai mạc đàm phán thương mại tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái), Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói chuyện trước phiên khai mạc đàm phán thương mại tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc đề xuất mua thêm 200 tỷ USD chip công nghệ trước hạn chót với Mỹ

Bắc Kinh hy vọng lời hứa mua chip công nghệ và các hàng hóa khác của Mỹ có thể thuyết phục Tổng thống Trump gia hạn thỏa thuận hòa hoãn khi 3 tháng đình chiến kết thúc ngày 1/3.

Khi cuộc đàm phán tuần này tại Bắc Kinh bước sang ngày thứ tư hôm 14/2, một số nguồn tin cho biết các quan chức Mỹ và Trung Quốc vẫn bế tắc về một số vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại hiện nay, theo Wall Street Journal.

Các vấn đề này bao gồm việc Washington cáo buộc Trung Quốc gây áp lực để các công ty Mỹ chia sẻ công nghệ, cũng như áp dụng chính sách nhằm giúp các công ty nội địa cạnh tranh về chi phí với các đối thủ ở Mỹ, điều mà các quan chức Trung Quốc phủ nhận.

Trong khi đó, phía Trung Quốc đang tập trung thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của nước này đề xuất tăng doanh số chíp công nghệ của Mỹ tại thị trường Trung Quốc lên 200 tỷ USDtrong 6 năm, gấp khoảng 5 lần so với mức hiện tại.

Theo Wall Street Journal, các nhà đàm phán Trung Quốc cũng đề nghị loại bỏ chính sách hỗ trợ mua xe nội địa, trong đó người tiêu dùng được trợ cấp để mua các loại xe hơi sản xuất trong nước.

Gần đây, Bắc Kinh đã cam kết tăng đáng kể việc mua các sản phẩm năng lượng và nông nghiệp của Mỹ, bao gồm đậu nành, khí tự nhiên hóa lỏng và dầu thô.

Cuối tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người kiên quyết theo đuổi mục tiêu cắt giảm thâm hụt thương mại song phương, đã ca ngợi cam kết của Trung Quốc trong việc thu mua đậu nành từ Mỹ.

Đoàn đàm phán Trung Quốc do Phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu hy vọng việc thúc đẩy xuất khẩu sẽ mở đường cho hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra là một phần của thỏa thuận đình chiến kéo dài 90 ngày do lãnh đạo hai nước đưa ra tại Argentina ngày 1/12/2018. Đó cũng là lần gặp mặt gần đây nhất giữa ông Tập và ông Trump.

Ông Trump tuyên bố sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc trước hạn chót - ngày 1/3, hoặc gia hạn thời gian hòa hoãn trong cuộc chiến thương mại.

Thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đang được lên kế hoạch tăng từ 10% lên 25%, bắt đầu từ ngày 2/3.

Bắc Kinh trông chờ hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước sẽ góp phần giải quyết tranh chấp thương mại. Trong chuyến công du tới Washington hồi tháng 1, Phó thủ tướng Lưu Hạc, người phụ trách kinh tế của ông Tập Cận Bình, đã gửi thư mời ông Trump tới gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc tại đảo Hải Nam.

Ông Trump và các quan chức Nhà Trắng nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng sẽ sớm gặp ông Tập nhưng ở nơi khác.

Hôm 13/2, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết ông Trump nghĩ rằng khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình tổng thống ở bang Florida (Mỹ) sẽ là địa điểm tốt cho một cuộc họp như vậy.

Tin bài liên quan