Hội nghị G20 sẽ diễn ra tại Argentina cuối tuần này. Ảnh: SCMP.

Hội nghị G20 sẽ diễn ra tại Argentina cuối tuần này. Ảnh: SCMP.

Trung Quốc có thể đề xuất gì với Mỹ để phá thế bế tắc thương mại?

Bắc Kinh hiện coi sự ổn định bên ngoài là chìa khóa để đối phó với các thách thức kinh tế trong nước.

Cuối tuần này, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ - Donald Trump sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina.

Ngoài đề xuất các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn, ông Tâp có thể đưa ra cách giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, SCMP trích lời một nguồn tin thân cận cho biết.

Một trong số đó là động thái được coi là dễ dàng nhất với Trung Quốc - tăng mở cửa thị trường. "Đây là vấn đề Chính phủ Trung Quốc chịu ít sức ép nhất", người này cho biết, "Nó như một khoản thanh toán quá hạn thôi".

Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng - Larry Kudlow đến nay vẫn khẳng định "có khả năng" đạt thỏa thuận nếu Trung Quốc đưa ra các ý tưởng mới và thay đổi thái độ. Dù vậy, những bình luận này lại đi ngược với sự bi quan trong phát biểu mới nhất của ông Trump hồi đầu tuần, rằng ông sẽ khó hoãn tăng thuế với hàng Trung Quốc. Trả lời SCMP, Kudlow cho biết tham gia cuộc gặp của nhà hai lãnh đạo cuối tuần này còn có quan chức thương mại hai nước.

Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài từ lâu đã phàn nàn về việc Trung Quốc chậm mở cửa thị trường, can thiệp để phát triển các ngành công nghệ cao trong nước, và hỗ trợ hào phóng cho các công ty nội.

Đáp lại, Bắc Kinh đã giảm ca tụng Made in China 2025 - kế hoạch biến họ thành một nền kinh tế công nghệ cao, đồng thời cam kết giảm dần giới hạn sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực. Dù vậy, những động thái này vẫn được cho là chậm chạp và chưa đủ mạnh tay.

Nguồn tin trên cho biết Trung Quốc sẽ không bỏ mặc các công ty quốc doanh. Tuy nhiên, họ sẽ cần gỡ bỏ các chính sách và quy định pháp lý đang tạo lợi thế cho các công ty này, để cào bằng sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân và công ty ngoại.

Chính phủ Trung Quốc cũng có thể ngừng hỗ trợ tín dụng cho các công ty quốc doanh đã niêm yết và loại bỏ các chính sách công nghiệp mâu thuẫn, kém hiệu quả.

"Nếu căng thẳng với Mỹ có thể xoa dịu, nó sẽ tạo ra môi trường bên ngoài ổn định, để lãnh đạo đối phó các rủi ro hiện tại trong nền kinh tế Trung Quốc", nguồn tin cho biết.

Các nhà phân tích đã cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong nửa đầu năm tới, khi thất nghiệp tăng cao và dòng vốn rút ra mạnh lên.

Tại Mỹ, tăng trưởng quý IV có thể cũng chậm lại, sau khi bật cao trong quý III. Việc này có thể gây sức ép lên thị trường chứng khoán vốn đã biến động tại đây.

Nguồn tin trên cho biết cả ông Trump và ông Tập đều không muốn nhận trách nhiệm cho việc kinh tế đi xuống vì chiến tranh thương mại. "Các đề xuất của Trung Quốc có thể chỉ được đưa ra một lần này thôi, và là rất chân thành rồi. Nếu Mỹ từ chối chấp nhận, chúng ta sẽ xem ai có thể chịu thiệt hại kinh tế lâu hơn", người này cho biết.

Phần lớn nhà phân tích cho rằng kết quả tốt nhất hai lãnh đạo có thể đạt được cuối tuần này là ngừng áp thêm thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, sự đình chiến này có thể chỉ là tạm thời.

Mỹ đến nay vẫn cáo buộc Trung Quốc có các hoạt động thương mại không công bằng, và đe dọa nâng thuế từ 10% lên 25% năm tới với 200 tỷ USD hàng nước này.

SCMP trích lời một nguồn tin từ Mỹ cho biết thuế nhập khẩu chỉ là một phần nhỏ.

Tăng giám sát đầu tư và kiểm soát chặt chuyển giao công nghệ với các công ty Trung Quốc sẽ vẫn được tiến hành, dù có đàm phán thương mại hay không. "Nói một cách căn bản, chính sách của Mỹ với Trung Quốc không thể quay về trạng thái tĩnh như trước năm 2016 được", người này cho biết.

Về phía Trung Quốc, rủi ro được cho là thuế nhập khẩu chỉ có thể bị trì hoãn và sẽ tái áp đặt nếu Mỹ bất mãn với phản ứng của Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc thì vẫn khẳng định hai nước là cơ hội của nhau, chứ không phải thách thức, và họ nên là đối tác hơn là đối thủ.

Tin bài liên quan