Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Trung Quốc có năm kỷ lục về vỡ nợ trái phiếu

(ĐTCK) Năm 2019, Trung Quốc ghi thêm một năm kỷ lục về việc vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây không còn là câu chuyện khủng hoảng, mà thực tế đã nằm trong “kế hoạch”.

Cách đây 1 thập kỷ, chuyện vỡ nợ hầu như không từng xảy ra, nguyên nhân không phải do sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp Trung Quốc rất tốt, mà thực tế là do hệ thống tài chính của quốc gia này được kiểm soát nghiêm ngặt, nơi doanh nghiệp thường có mối liên kết với Chính phủ và trái phiếu chủ yếu được doanh nghiệp nhà nước mua vào.

Ðáng chú ý, giới chức Ðại lục thường có biện pháp can thiệp nhằm đảm bảo các doanh nghiệp “gặp rắc rối” không rơi vào tình cảnh đổ vỡ, phá sản hay vỡ nợ.

Chính điều này phần nào đã “làm hư” các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đồng thời tạo niềm tin với người mua trái phiếu rằng, nhà quản lý chính là người bảo đảm.

Gần đây, các nhà đầu tư toàn cầu đổ xô vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù đa phần doanh nghiệp vẫn có mối liên kết với nhà nước, nhưng giới chức nước này đã cảm thấy thoải mái hơn với tình trạng vỡ nợ của doanh nghiệp.

Trung Quốc có năm kỷ lục về vỡ nợ trái phiếu ảnh 1

Giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc.

Chẳng hạn, tháng 12/2019, Công ty có tên gọi Tewoo Group Corp đã tạo nên vụ vỡ nợ trái phiếu bằng USD lớn nhất trong 2 thập kỷ qua.

Ðây là một doanh nghiệp có vốn nhà nước với hoạt động kinh doanh bao gồm khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng, logistics.

Sau tin tức về vụ vỡ nợ của Tewoo, Moody’s Investors Service đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư rằng, “mua trái phiếu của các doanh nghiệp có vốn nhà nước tại Trung Quốc không phải là một chiến lược an toàn”, bởi chính phủ nước này không còn sẵn sàng tiến hành các gói cứu trợ như trước đây.

Không riêng Tewoo, nhiều doanh nghiệp có mối liên hệ với chính phủ khác cũng đang trong tình trạng chuẩn bị vỡ nợ trái phiếu.

Chẳng hạn, Tsinghua Unigroup Co (nhà sản xuất chip) và Peking University Founder Group (tập đoàn dược và thương mại Internet) là 2 doanh nghiệp thuộc các trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, nhưng đang chứng kiến giá trái phiếu lao dốc nhanh, dù chưa vỡ nợ.

Trong bối cảnh này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm tới các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, đây không phải việc dễ dàng. Andrew Collier, Giám đốc Orient Capital Research cho biết, hàng trăm tỷ USD các khoản nợ trái phiếu không thể thanh toán trên thị trường có thể tạo ra những “thảm họa” trong thời gian tới.

Ðáng chú ý, các khoản nợ này phần lớn tập trung tại các doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp có vốn nhà nước tại nhiều địa phương, huy động vốn để tiến hành các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Việc thiếu nguồn doanh thu bền vững trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đi xuống có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

“Hệ thống tài chính liệu có thể chống đỡ được bao nhiêu vụ vỡ nợ nữa trong năm 2020? Ðây là vấn đề khó khăn không chỉ với nhà quản lý, mà còn với cả các nhà đầu tư, công ty tín dụng đang có hoạt động tại thị trường trái phiếu Trung Quốc”, Michel Lowy, CEO SC Lowy chia sẻ.

Theo số liệu thống kê từ các ngân hàng đầu tư, các vụ vỡ nợ trái phiếu tại Trung Quốc đạt giá trị 21 tỷ USD trong năm nay.

Ða phần số này là trái phiếu tại thị trường nội địa được phát hành bằng đồng nhân dân tệ và do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ.

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, câu chuyện có thể sẽ khác. Theo đó, nguy cơ vỡ nợ trái phiếu năm 2020 chủ yếu nằm ở nhóm trái phiếu phát hành bằng đồng USD, do các nhà đầu tư quốc tế nắm giữ.

“Việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có sẵn sàng trả nợ, cũng như có khả năng trả nợ hay không là một câu hỏi lớn với các nhà đầu tư tại thị trường trái phiếu Ðại lục hiện tại”, Owen Gallimore, người đứng đầu bộ phận chiến lược tín dụng tại ANZ Banking Group Ltd nhận định.

Tin bài liên quan