Trời Âu đi đâu mà vội

Trời Âu đi đâu mà vội

Khát khao được đi đó đây, chiêm ngưỡng những thành quả văn minh của nhân loại, hay khám phá các nền văn hóa khác luôn có sức hấp dẫn với trẻ già, trai gái. Dân Việt vốn chăm chỉ tích cốc, phòng cơ, nhưng thời thế xoay chuyển, cũng không ngại ngần kéo vali tung tẩy.

Đi và ngắm

Tự lên một hành trình du lịch đến những địa danh nổi tiếng ở châu Âu mà không vội vàng vướng bận công việc quả là không dễ. Nhưng lên đường rồi mới thấy, nếu muốn đi du lịch, ngắm nghía và thưởng thức những nền văn minh của nhân loại, nhất định phải đi khi còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và phải có thời gian.

Châu Âu mùa hè không chỉ là điểm đến cho du khách ở các châu lục khác, mà ngay chính người dân ở châu Âu cũng khăn gói lên đường đi tìm các kỳ nghỉ kéo dài đôi, ba tuần đến 1 tháng ở trong lẫn ngoài nước để thay đổi không khí trong cuộc sống.

Đi du lịch châu Âu được xem là không khó khăn và có thể khám phá được những nền văn minh đáng giá, bởi nơi đây là châu lục già nhất thế giới và chứng kiến rất nhiều cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp của thế giới. 

Khác với một số vùng đất ở châu Phi, châu Á nơi mà người dân bản địa không sử dụng nhiều tiếng Anh, tới châu Âu, du khách không cần phải thông thạo tiếng Anh hay tiếng địa phương mới có thể chu du thoải mái được ở nơi đây.

Các biển báo chỉ dẫn rõ ràng, phương tiện xe bus, tàu điện ngầm, tàu điện nổi nối nhau thuận lợi giữa các cung đường bộ, đường thủy hay đường không, khiến du khách không quá mất thời gian để tìm ra đường. Khi cần thiết, nhân viên tại các bến tàu điện ngầm, nhà ga đều tận tình đưa ra các chỉ dẫn và lời khuyên cụ thể về mua vé sao cho tiện lợi và tiết kiệm nhất với thời gian và hành trình đi lại của bạn. Rất sẵn các bản đồ du lịch kèm theo đường tàu, giờ tàu ở các thành phố của châu Âu. Nếu có thêm các loại điện thoại trang bị bản đồ định vị GPS, thì càng tốt, bởi dễ dàng xác định được vị trí hiện tại ngay lập tức.

Châu Âu mùa hè, nắng dát vàng, trời trong xanh vắt vẻo trên cao được coi là thích hợp nhất cho những chuyến đi chơi. Không có những cơn mưa lớn khiến du khách có thể kiên nhẫn xếp hàng rồng rắn để chiêm ngưỡng các bảo tàng, nhà thờ có tiếng trên thế giới ở châu lục này.

Ngắm cảnh ở thành phố tình yêu Venice (Italy)

Giữ gìn tốt hiện vật sưu tầm được và hiện trạng từ khi được xây dựng cách đây cả vài trăm năm, nên các lâu đài, nhà thờ, viện bảo tàng lớn ở châu Âu là những điểm dừng chân không thể thiếu với du khách. Nhưng với những du khách vội vàng, hay đi theo đoàn đông, hoặc chỉ mua những tour thông thường sẽ không có nhiều cơ hội thưởng thức và chiêm ngưỡng cẩn trọng các công trình nổi tiếng này. Lý do rất đơn giản là, tour du lịch thông dụng rất tranh thủ thời gian để không gây tốn kém chi phí lưu trú tại khách sạn và đi lại cho du khách. Trong khi đó, để thăm những công trình nổi tiếng như Bảo tàng Louver, Lâu đài Versailles, Tháp Eiffel tại Pháp chỉ xếp hàng thôi cũng mất 30-50 phút. Còn nếu đi hết các ngóc ngách của những công trình này dù chỉ là cưỡi ngựa xem hoa cũng mất từ 3 giờ cho hết nguyên ngày. Chưa kể vé vào cửa không hề rẻ, khoảng 15 - 30 EUR/người/địa điểm.

Các công trình văn hóa tinh hoa của nhân loại ở Rome, Millan, Venice, Bacelona, Wien, Praha, Berlin cũng đòi hỏi phải có thời gian, sức lực và ví tiền để di chuyển, thưởng thức, chiêm ngưỡng lẫn khám phá theo kiểu “đến tận nơi, sờ tận tay”.

Bởi vậy, các tour du lịch kiểu 5 nước châu Âu trong vòng 10-15 ngày với chi phí khoảng 90 triệu đồng/người sẽ chỉ thích hợp với những người không đủ sức khỏe, không muốn đi bộ nhiều, không quá quan tâm các nền văn hóa khác hay sẵn sàng ngắm nhìn bề ngoài các công trình qua ô kính của xe bus, phòng khách sạn hay dưới cánh máy bay là chính.  Phần được tự do thăm thú, khám phá trong các tour loại này về những điều đã được nghe thấy, đọc thấy hay xem trên phim ảnh chỉ là những khoảng thời gian rất vội vàng, ngắn ngủi, chỉ kịp chứng minh với người khác là ta đã đặt chân đến nơi này.

Nghĩ

Ấn tượng không nhỏ trong chuyến du lịch tới các nước châu Âu lần này có lẽ là ở Venice thơ mộng. Đảo Murano cách Venice chỉ khoảng 30 chục phút đi water bus (taxi trên nước) với nghề thổi thủy tinh nổi tiếng thế giới và những sản phẩm tinh xảo làm mê đắm cả những người khó tính và những cái giá cũng rất xứng đáng.

Đa phần các cửa hàng ở đây treo những tấm biển rất bắt mắt với dòng chữ “I am sorry inside no Chinese glass” hay đơn giản hơn là “No Chinese inside”.  Nếu hỏi những người bán hàng làm sao phân biệt được hàng thủy tinh Trung Quốc với hàng thủy tinh Murano sản xuất, tất cả đều không ngại ngần lật đáy của sản phẩm lên và chỉ vào các chữ ký của nghệ nhân hay các dòng họ làm thủy tinh lâu đời tại Murano như một bảo chứng.

Nếu hỏi tiếp “chữ ký này cũng có thể làm giả được” sẽ nhận được những ánh mắt rất chân thành và tự hào khi giải thích về việc giữ lửa cho những lò thủy tinh nổi tiếng nơi đây. Những cửa hàng bán đồ thủy tinh tinh xảo này cũng không vội vàng chèo kéo du khách ghé thăm, bởi dường như người dân nơi đây ý thức được nét đặc sắc riêng có của những sản phẩm thủy tinh màu độc đáo mà mình sản xuất ra, đủ hấp dẫn để không một du khách nào ra về tay không.

Tuy nhiên, ngay tại Venice hay nhiều cửa hàng bán đồ da ở châu Âu, lại có thể tìm thấy không ít cửa hàng của người Trung Quốc bán những sản phẩm da có màu sắc trẻ trung, kiểu dáng bắt mắt với dòng chữ “Made in Italy”, mà giá cả lại khá rẻ. Người bán hàng cho biết, giờ đây, thay vì đưa sản phẩm tới châu Âu tiêu thụ với xuất xứ Made in China, những sản phẩm đồ da này được những xưởng toàn người Trung Quốc tại Italy sản xuất ra và có “Made in Italy”.

Điều này khiến tôi nhớ tới không khí đìu hiu, ế ẩm tại nhiều gian hàng ở  Trung tâm Thương mại Sapa tại Praha khi muốn tìm những món ăn quen thuộc của Việt Nam giữa trời Âu. Mang hơi hướng của chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, hàng bán ở Trung tâm Thương mại Sapa đa phần là quần áo, một ít túi, giày và một số mặt hàng khác.

Được dẫn tới một cửa hàng có mẫu mã phong phú và giá cả đảm bảo, nhưng dù là những chiếc túi, đôi giày “Made in Italy” được các khách buôn người Việt đặt hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, nhưng xem ra, lại không đa dạng kiểu dáng và màu sắc phong phú như trong cửa hàng của người Trung Quốc.

Các mặt hàng quần áo đa phần na ná như kiểu dành cho người tiêu dùng có thu nhập bình dân ở các đô thị Việt Nam. Nếu đứng cạnh các nhãn hiệu thời trang bình dân, nhưng nhan nhản ở châu Âu như Mango, Zara, H&M được phát triển mạnh mẽ trong độ 5 năm trở lại đây, có thiết kế, phong cách riêng, lại liên tục tung những đợt sale khá lớn, thậm chí lên tới 80% khiến giá nhiều lúc chỉ độ 10-20 USD/sản phẩm, thì không ít quầy hàng ở chợ Sapa chỉ còn nước nhớ về thời hoàng kim đã qua.

Một số người quen nay đã chuyển sang kinh doanh siêu thị mini cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều người Việt tại chợ Sapa làm ăn khá vất vả, thậm chí còn ăn cả vào vốn. Tìm nghề khác để buôn bán đòi hỏi có vốn, có tiếng và thông thạo với người dân nước sở tại nên rất lúng túng. Tìm đến dãy ki-ốt của người Việt Nam trước cửa một siêu thị lớn cỡ Fivi Mart ở Hà Nội trong một khu nhà gồm 5-7 tòa chung cư cũng có thể nhận thấy làm ăn không dễ dàng. Các ki-ốt này dường như chỉ có thể tranh thủ giờ bán sớm hơn và đóng muộn hơn cùng với việc không hạn chế định lượng một vài mặt hàng nhất định, hoặc siêu thị kia không có.

Cũng có điều dễ nhận thấy là các ông bố, bà mẹ người Việt đã định cư, hoặc đang nỗ lực để được định cư tại những nước thuộc Liên minh châu Âu sẵn sàng bám trụ, chịu đựng những vất vả trong lao động hay thiệt thòi về tinh thần để tạo dựng một cuộc sống tốt hơn cho những thế hệ kế tiếp.

Tin bài liên quan