Bà Ginni Rometty, Tổng giám đốc IBM

Bà Ginni Rometty, Tổng giám đốc IBM

Trí tuệ nhân tạo trong bài toán kinh doanh của IBM

(ĐTCK) Tuần trước, nữ CEO Ginni Rometty của IBM đã có cuộc trò chuyện với Max Chafkin của Tạp chí Bloomberg Businessweek xoay quanh siêu máy tính Watson - sản phẩm chiến lược của tập đoàn công nghệ 105 tuổi này.

Trả lời về việc IBM muốn giới thiệu sản phẩm siêu máy tính Watson của mình như thế nào, Rometty cho biết: “Trí tuệ nhân tạo là một trong 50 tính năng của Watson. Nó có cả bộ máy dạy học, chức năng chuyển tin nhắn thành lời nói và ngược lại. Bạn có thể đưa trí thông minh vào bất cứ sản phẩm, hay quá trình nào. Chúng tôi không tạo ra những thiết bị vô tri, vô giác nữa, mà sẽ đưa trí thông minh vào mọi thứ mà khách hàng có thể tiếp xúc: robot, các thiết bị hỗ trợ tập luyện thể thao, y tế…”.

“Khi công nghệ phát triển, chắc chắn sẽ có những thứ trong cuộc sống hằng ngày bị thay thế và điều đó là hoàn toàn khả thi đối với công nghệ Watson”, nữ CEO nói thêm. Nhìn lại chặng đường phát triển của siêu máy tính này, có thể thấy, Watson đã, đang và sẽ còn làm nên nhiều kỳ tích.

Watson là một hệ thống máy tính của hãng IBM ra đời năm 2004, được đặt theo tên chủ tịch đầu tiên của hãng này là Thomas Watson. Năm 2011, siêu máy tính Watson đã trở nên nổi tiếng sau khi đánh bại trí tuệ con người trong chương trình giải đố Jeopardy.

Ngay sau đó, Watson được trang bị để “hóa thân” thành một bác sỹ, với bộ não chứa khoảng 200 triệu trang tài liệu trong 16.000 tỷ byte bộ nhớ. Đặc biệt, Watson đã tạo nên một bước tiến lớn trong cuộc cách mạng điều trị bệnh ung thư, khi có thể lướt duyệt cùng lúc 1,5 triệu hồ sơ bệnh án và cung cấp liệu pháp điều trị chỉ trong vòng vài giây dựa trên kho dữ liệu khổng lồ của mình. Một minh chứng rõ rệt là mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho biết, Watson đã chẩn đoán thành công một dấu hiệu hiếm gặp của bệnh ung thư máu xảy ra đối với một phụ nữ 60 tuổi, điều mà các bác sĩ trước đó đã không thể chẩn đoán chính xác.

Tiềm năng của hệ thống trí tuệ nhân tạo Watson còn được khai thác trong lĩnh vực giáo dục. Cuốn sách “Kinh nghiệm nấu nướng với Đầu bếp Watson” đã được ra đời dựa trên cách kết hợp những hương vị món ăn mà chiếc máy tính này đề xuất. Trong tương lai, IBM hoàn toàn có thể xuất bản những cuốn sách “biết dạy” con người những kiến thức khác như khoa học, địa lý, lịch sử...

Có thể thấy, tương lai của Watson là rất đáng mong chờ, với nhiều dự án đang được nhiều đối tác triển khai, dựa trên nền tảng đang hoàn thiện theo từng ngày của siêu máy tính này. Bên cạnh đó, IBM còn thu hút giới công nghệ bởi các dự án đột phá khác. Hãng này mới đây đã hợp tác với Samsung, cho ra mắt con chip với cơ chế giống như hệ thần kinh của con người. Sản phẩm này được coi là nền tảng vững chắc, tạo tiền đề cho những công nghệ tân tiến hơn nữa trong tương lai.

Sự đột phá của IBM ngày nay có đóng góp không nhỏ của Rometty. Nhận chức vào tháng 1/2012, bà là nữ CEO đầu tiên của Tập đoàn. Nhận thấy mình phải cạnh tranh với hàng loạt đối thủ mới, từ nhà bán lẻ trực tuyến Amazon cho đến cỗ máy tìm kiếm Google, Rometty đã ngay lập tức vạch ra “chiến lược lột xác” cho IBM: chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực cốt lõi là đại dữ liệu, điện toán đám mây, các công nghệ di động và xã hội mà các tập đoàn lớn trên thế giới đang cần.

Đặc biệt, trong “cuộc chiến đám mây”, nhận thức được rằng, mặc dù sở hữu nhiều bí quyết công nghệ, nhưng IBM sẽ không thể một mình làm mọi thứ, Rometty đã bắt tay với Apple, mạnh tay mua lại công ty điện toán đám mây SoftLayer và đầu tư mở rộng các trung tâm dữ liệu. Nhờ đó, doanh thu từ dịch vụ đám mây của IBM đã tăng trưởng 69% giai đoạn 2012-2013.

Trong quý II/2016, IBM đã ký được một số thỏa thuận cung cấp dịch vụ đám mây với các đối tác như Pratt & Whitney, Halliburton và Kaiser Permanente. Mới đây, IBM còn thông báo ra mắt dịch vụ đám mây máy tính lượng tử, cho phép mọi người truy cập vào dịch vụ trực tuyến này miễn phí. Điện toán đám mây hiện được coi là mảng kinh doanh chủ lực của IBM, khi doanh thu từ mảng này tăng 30% trong quý II/2016 và đạt 11,6 tỷ USD trong 12 tháng qua.

Do đó, tuy tổng doanh thu của IBM vẫn bị sụt giảm trong kỳ báo cáo tài chính vừa qua, nhưng chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa thị trường của 500 công ty giao dịch công khai trên thị trường chứng khoán Mỹ (S&P 500) của Công ty lại tăng 70% so với cùng kỳ. Các nhà phân tích kỳ vọng, giá trị 1 cổ phiếu của IBM có thể tăng từ 2,89 USD lên 2,95 USD trong nửa cuối năm nay và nếu tiếp tục giữ được đà tăng trưởng này, IBM có thể thoát khỏi sự suy giảm doanh thu trong những năm qua.

Tin bài liên quan