Trật tự các ngân hàng trung ương đang thay đổi

Trật tự các ngân hàng trung ương đang thay đổi

(ĐTCK) Việc các nền kinh tế phải chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19 đã đẩy ngân hàng trung ương khu vực châu Á lên “tiền tuyến”. Trật tự của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu có thể sẽ thay đổi kể từ hôm nay.

Ba sự kiện được giới đầu tư quan tâm bậc nhất trong tuần này là cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Trong thời gian qua, các thành viên thị trường đã chứng kiến các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhanh chóng vào cuộc với các biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ nền kinh tế trước các tác động từ đại dịch Covid-19, cũng như cuộc khủng hoảng được đánh giá là nặng nề nhất kể từ năm 1929 tới nay.

Theo đó, Fed vẫn đóng vai trò hàng đầu với “hỏa lực” mạnh nhất, nhờ vào vai trò trung tâm của đồng USD tại hệ thống tài chính toàn cầu, cũng như nguồn lực của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các cuộc họp bất thường hạ lãi suất về gần mức 0, chương trình đảm bảo thanh khoản USD tại thị trường quốc tế, gói nới lỏng trị giá hàng nghìn tỷ USD… cho thấy nỗ lực lớn của Fed.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, điều này không tạo nên cuộc cách mạng. Những thay đổi thực sự xuất phát từ khu vực châu Á, khi giới chức tiền tệ tại đây bắt đầu thực hiện các biện pháp chưa từng có và mức độ ảnh hưởng tới thị trường ngày càng lớn.

Sự chuyển dịch này được thể hiện theo hai cách. Thứ nhất, dễ nhận thấy hàng loạt thông báo từ các ngân hàng trung ương khu vực châu Á với các sáng kiến điều hành và hành động hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời đại dịch.

Nếu như trước đây, việc các ngân hàng trung ương tại châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, tiến hành các chương trình nới lỏng tiền tệ nghe có vẻ xa vời thì hiện tại, câu chuyện này đang diễn ra.

Để nhận diện những thay đổi, có thể xem xét trường hợp của Indonesia, Philippines.

Tại Indonesia, ngân hàng trung ương nước này không hạ lãi suất về mức 0%, giữ lãi suất tiêu chuẩn ở 4,5%/năm, nhưng tiến hành các chương trình mua tài sản nợ tại thị trường sơ cấp. Ngân hàng Trung ương Philippines thực hiện mua vào trái phiếu tại thị trường thứ cấp.

Động thái này giúp chính phủ có thêm nguồn lực tài chính để đối phó với dịch bệnh, đồng thời cổ vũ thị trường tiền tệ nội địa.

“Không có gì ngạc nhiên khi ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi tích cực noi gương, hành động theo các ngân hàng trung ương lớn tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… khi chủ động can thiệp vào thị trường. Bình thường, những hành động như vậy không diễn ra, nhưng các ngân hàng trung ương tại châu Á đang dần củng cố vai trò của mình trước khi rơi vào tình thế ngặt nghèo”, các nhà kinh tế tại Deutsche Bank nhận định trong báo cáo về chính sách tiền tệ tại khu vực châu Á vào tháng 4/2020.

Thứ hai, với việc trọng tâm của các hoạt động kinh tế đang nghiêng dần về châu Á, quyền lực và sức ảnh hưởng của giới chức quản lý tiền tệ tại đây ngày càng lớn hơn.

Trong thập kỷ qua, Fed bận rộn với việc hoàn thành nhiệm vụ được giao tại thị trường nội địa và ít có khả năng quan tâm tới thế giới bên ngoài nước Mỹ.

Việc đại dịch diễn ra tiếp tục tạo thêm gánh nặng khiến Fed có phần “kiệt sức”, trong khi thế giới ngoài kia thay đổi rất nhanh chóng và vai trò ngân hàng trung ương dẫn đầu của Fed cũng có thể bị hoán đổi.

Hiện tại, Trung Quốc chiếm 40% động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cả châu Á đóng góp khoảng 70%. Quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã tăng gấp 8 lần thời điểm 2003 khi dịch SARS diễn ra.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và ngày càng lớn mạnh, những gì diễn ra tại châu Á tạo sóng lan tỏa trên toàn cầu, trong đó có nước Mỹ.

Về phần mình, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang “kiềm chế” việc can thiệp vào thị trường tiền tệ, duy trì lãi suất ở mức thấp, bơm tiền qua hệ thống thương mại khi nới lỏng các quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc…

Tuy các động thái hiện tại không mạnh bạo như tại Mỹ hay Nhật Bản, nhưng các thành viên thị trường biết rằng, mọi động thái của PBOC không chỉ tác động tới thị trường nội địa, mà còn đủ sức “gây sóng gió” trên toàn cầu, mà việc bất ngờ hạ giá Nhân dân tệ năm 2015 là ví dụ điển hình.

Tin bài liên quan