Cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã có hàng loạt tweet với nội dung chỉ trích trực diện Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Chủ tịch ECB Mario Draghi, khi cơ quan này cho biết sẽ chuẩn bị hạ lãi suất xuống mức dưới 0%, trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm lại. Ðáng chú ý, đây là một trong những lần hiếm hoi tổng thống Mỹ can thiệp vào chính sách tiền tệ của nền kinh tế khác.
“Mario Draghi vừa thông báo sẽ có thêm các gói nới lỏng, điều ngay lập tức khiến euro giảm giá so với USD, tạo lợi thế bất công bằng cho họ đối với nước Mỹ. Họ đã thực hiện việc này trong nhiều năm, cùng với Trung Quốc và các quốc gia khác”, ông Trump tweet.
Ðây không phải lần đầu tiên ông Trump chỉ trích giới chức các quốc gia vì thao túng tiền tệ trong bối cảnh đồng USD tăng giá, khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn. Với động thái này, ông Trump đã trở thành vị tổng thống “đặc biệt” có xu hướng đi ngược lại chính sách ủng hộ sức mạnh của USD so với các đời lãnh đạo trước.
Với việc nhắm trực diện vào ông Draghi và có nhiều phản ứng ngay lập tức với các thông báo chính sách của ECB, ông Trump đã gia tăng sức nóng cho các xung đột với khu vực này, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang cân nhắc quyết định hạ lãi suất.
Thực tế, chỉ trích của ông Trump có 2 điểm chính xác. Thứ nhất, đồng euro đã giảm so với USD, từ mức 1 euro đổi 1,12 USD cách đây 1 năm xuống còn 1 euro đổi 1,16 USD sau khi ông Draghi tuyên bố, việc cung cấp thêm các gói nới lỏng là cần thiết nếu tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu không có cải thiện. Thứ hai, đúng là đồng tiền giảm giá sẽ giúp hỗ trợ kinh tế khu vực khi hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu sẽ rẻ hơn, khiến hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác, trong đó có Mỹ trở nên đắt đỏ hơn.
Diễn biến tỷ giá một số đồng tiền so với USD.
Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia kinh tế không đồng tình với việc ông Trump cho rằng, ông Draghi đã làm điều sai trái. Thực tế, ECB có khả năng và trách nhiệm hạ lãi suất để giảm bớt chi phí lãi vay cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế nội địa. Tất nhiên, việc hạ lãi suất sẽ làm giảm giá trị của đồng euro, đồng nghĩa với việc giá trị các gói nới lỏng càng lớn hơn, tuy nhiên, đó là hệ quả đi kèm, không phải mục tiêu.
“Chúng tôi không nhắm tới tỷ giá”, ông Draghi khẳng định tại hội nghị ngày 18/6.
Brad Setser, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, hiện làm việc tại Hội đồng Quan hệ quốc tế cho biết, sự chỉ trích của ông Trump là không đúng chỗ, bởi ông Draghi chỉ đang làm công việc của mình và tập trung vào giải quyết vấn đề nội bộ.
“Các thành viên thị trường đều nhận thấy rằng, ECB đã thất bại trong việc đạt mục tiêu lạm phát và tăng trưởng kinh tế châu Âu không có dấu hiệu cải thiện. Tất cả tạo áp lực lên chính sách của ECB. Tệ hơn, sự can thiệp của ông Trump vào chính sách nội bộ của một thị trường khác cũng là một dạng của thao túng, góp phần khiến mối quan hệ giữa 2 bên mất đi tính thiện chí”, Setser cho biết.
Theo giới quan sát, hiện tại, euro và nhân dân tệ đều đang theo xu hướng giảm giá so với "đồng bạc xanh" xuất phát từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế mỗi khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung. Chưa kể, một trong những nguyên nhân dẫn tới biến động theo chiều hướng tiêu cực này là cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ khơi mào.
Tuy nhiên, nếu euro rơi xuống dưới ngưỡng 1 euro đổi 1,1 USD thì sự giận dữ của ông Trump có thể bùng nổ, dẫn tới việc áp đặt các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa từ châu Âu, theo Jens Nordvig, người sáng lập Exante Data LLC.